Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Cách xử trí tại nhà khi bị “phản vệ”

31/07/2024

Trong cuộc sống, sẽ có ít nhất một vài lần bản thân ta hoặc người xung quanh gặp trường hợp dị ứng. Nhẹ thì chỉ nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy và dễ dàng khỏi. Nhưng cũng có lúc, tình trạng dị ứng trở nên cấp tính, cơ thể phản vệ mạnh mẽ, có thể dẫn đến tử vong ngay. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn cách xử trí tại nhà khi bị phản vệ, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

Phản vệ là gì?

Phản vệ (anaphylaxis) là tình trạng cơ thể phản ứng dị ứng cấp tính do tiếp xúc với dị nguyên, xuất hiện đột ngột trong vài giây, hoặc vài phút, có khi kéo dài vài giờ. Phản vệ gây ra các biểu hiện lâm sàng khác nhau tùy theo từng người, có nguy cơ dẫn tới tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Mức độ nghiêm trọng nhất của phản vệ là sốc phản vệ, thể hiện qua việc toàn bộ hệ thống mạch bị giãn nhanh chóng, phế quản co thắt mạnh mẽ gây tử vong lập tức chỉ trong vài phút.

Biến chứng nguy hiểm của phản vệ

Ngoài việc khiến da nổi mày đay, phát ban đỏ ngứa ngáy, phản vệ có thể chuyển nặng rất nhanh, gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

  • Hệ hô hấp: Phù miệng, phù họng gây khó thở, co thắt phế quản, hẹp đường dẫn khí, gây suy hô hấp cấp, ngừng thở.
  • Hệ tuần hoàn: Giãn mạch ngoại biên, co thắt mạch vành, gây thiếu máu cục bộ ở cơ tim, sốc tim, rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh, nhồi máu cơ tim, hạ huyết áp, tim ngừng đập hay ngừng tuần hoàn.
  • Hệ tiêu hoá: Làm tăng tiết dịch dạ dày khiến bụng đau dữ dội hoặc tiêu chảy, có thể nôn, tăng nguy cơ suy thận.
  • Hệ thần kinh: Rối loạn ý thức, tổn thương não, co giật, hôn mê.

Những phản ứng phản vệ nặng nề ở trên có thể đe doạ tính mạng người bệnh, dẫn tới tử vong nhanh chóng. Do đó, người bệnh vừa phát hiện phản vệ cần cấp cứu ngay, nếu ngưng tim thì phải hồi sức tim phổi (CPR) và thực hiện các biện pháp xử lý khác.

Trong trường hợp cứu chữa chậm trễ nhưng không gây tử vong, vẫn có thể để lại các biến chứng sẽ kéo dài về sau như tổn thương phổi, di chứng do tổn thương não, gia tăng triệu chứng đa xơ cứng,…

Những loại phản vệ thường gặp: Phản vệ với thức ăn

Phản vệ với thức ăn là tình trạng cơ thể dị ứng mạnh mẽ với một vài chất (dị nguyên) có ở trong thức ăn. Đây là loại phản vệ thường gặp nhất, xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn người lớn, có thể giảm dần triệu chứng khi đứa trẻ lớn lên. Cũng có trường hợp trước đây không dị ứng nhưng thời gian sau lại bất ngờ xảy ra phản vệ với dị nguyên đó.

Một số dị nguyên thức ăn có thể gây phản ứng phản vệ

Một số dị nguyên thức ăn có thể gây phản ứng phản vệ

Thành phần chủ yếu gây nên tình trạng dị ứng thức ăn và dẫn tới phản vệ là protein có trong thực phẩm. Tuỳ cơ địa mỗi người mà khi tiếp nhận những protein này vào cơ thể, có khả năng các men phân cắt protein là protease không phân huỷ được. Khi đó, protein sẽ kết hợp với IgE có trong dịch tiết hoặc máu, sau đó gắn vào các dưỡng bào.

Phản ứng mạnh mẽ này phá vỡ lượng lớn các tế bào dưỡng bào, làm giải phóng các chất trung gian hoá học với nồng độ cao, điển hình là histamin. Các chất trung gian sẽ gây ra biến đổi đột ngột cho cơ thể, với các triệu chứng như giãn mạch, xung huyết, phù nề, nổi mẩn, tiết dịch, co thắt cơ trơn, gây buồn nôn, nổi ban ngứa ngáy, khó thở, đau bụng. Trường hợp nặng hơn là gây ngưng tim, ngưng thở và thậm chí dẫn đến tử vong.

Các loại dị nguyên thức ăn phổ biến như trứng, sữa bò, đậu phộng, yến mạch, đậu nành, cá thu, cá ngừ, cá nục, tôm, cua, mực, ốc, khoai tây, dứa, mì chính và các chất phụ gia khác,… Cũng có trường hợp phản vệ với sâu, rầy, nhộng,… hoặc thức ăn tươi sống. Do đó, cần đảm bảo thức ăn và đồ uống đảm bảo vệ sinh, không bị côn trùng rơi vào, ăn chín uống sôi và tránh khỏi các thức ăn chứa thành phần dị nguyên.

Phân biệt phản vệ với dị ứng bình thường

Phản vệ và dị ứng đều có những điểm cơ bản giống nhau. Đó là đều có sự phản ứng cơ thể khi tiếp xúc dị nguyên, xảy ra lập tức trong vài giây hoặc vài giờ, biểu hiện quá mẫn. Các đặc điểm dễ nhận biết đó là nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy ngoài da hoặc niêm mạc.

Tuy nhiên, phản vệ là tình trạng phản ứng dị ứng nặng nề của cơ thể, có sốc, co giật, ngưng thở và nguy cơ tử vong nhanh chóng. Trong trường hợp bạn chỉ phát ban, mày đay, ngứa ngáy đơn giản, thì đó chỉ là dị ứng. Nếu kèm các biểu hiện như sưng phù miệng, mặt, cổ họng, khó thở, thở khò khè, nôn hoặc đau bụng, ngưng thở, nhịp tim nhanh hoặc ngưng tim thì cần cấp cứu ngay lập tức.

Phản vệ gây nổi mẩn, ngứa ngáy kèm phù họng, khó thở, nôn, ngưng thở, ngưng tim…

Phản vệ gây nổi mẩn, ngứa ngáy kèm phù họng, khó thở, nôn, ngưng thở, ngưng tim…

Cách chẩn đoán

Khi mọi người đến thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán phản vệ dựa vào các phương pháp sau:

  • Kiểm tra các biểu hiện lâm sàng trên da, niêm mạc, xem xét tình trạng hô hấp, đo huyết áp và nhịp tim,… Các triệu chứng có thể xuất hiện độc lập hoặc xảy ra cùng lúc. Có thể xác định người bệnh bị phản vệ nếu có đồng thời các triệu chứng sau: mày đay, phù họng, phù mạch, khó thở, nhịp tim nhanh, tức ngực, nôn hoặc đau bụng, hạ huyết áp, rối loạn ý thức,…
  • Xác định nguyên nhân khiến người bệnh gặp các triệu chứng lâm sàng như nổi mẩn ngứa, khó thở, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, co thắt phế quản,… Cần phân biệt giữa phản ứng phản vệ với dị ứng bình thường, các cơn hen suyễn, tràn khí màng phổi, thiếu máu cơ tim hoặc các bệnh lý khác.
  • Cho người bệnh trả lời các câu hỏi về tiền sử dị ứng và các phản ứng với những loại dị nguyên cụ thể như thức ăn, thuốc, côn trùng, các loại phấn hoa, tiếp xúc cao su,…
  • Thực hiện xét nghiệm da, xét nghiệm máu nhằm tìm ra dị nguyên, và định lượng enzyme tryptase.

Cách xử trí tại nhà trước khi được cấp cứu tại bệnh viện

Khi phát hiện người bị phản vệ, cần xử lý ngay tại nhà trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu đưa đến bệnh viện. Cách xử trí như sau:

  • Tìm hiểu nguyên nhân gây phản vệ và ngay lập tức ngưng tiếp xúc với các dị nguyên (thuốc, thức ăn, côn trùng, phấn hoa,…).
  • Trường hợp phản vệ vì côn trùng cắn, điển hình như khi bị ong chích thì khều hoặc lấy nhíp gắp ngòi ra. Có thể chườm lạnh để giảm sưng đau. Tuyệt đối không nặn ép hoặc bóp chỗ bị côn trùng đốt vì có thể làm nọc độc lan rộng.
  • Đặt người bệnh nằm một chỗ, kê cao chân, để đầu ở vị trí thấp hoặc nghiêng một bên nếu bị nôn.
  • Nới lỏng quần áo, tháo hết trang sức cho người bệnh để dễ thở hơn.
  • Nếu người bệnh ngưng thở thì phải hồi sức tim phổi bằng cách hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực.
  • Điều tiết nhịp thở cho người bệnh, trò chuyện với họ để tránh bị rơi vào tình trạng hôn mê.
  • Không tự ý cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào chưa được kê đơn.
  • Có thể tiêm thuốc epinephrine (adrenaline) nếu trước đó đã được bác sĩ cho phép. Nhớ đảm bảo thuốc vẫn còn hạn sử dụng.
  • Nhanh chóng đưa người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Khám và điều trị phản vệ tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Mỗi người sẽ có hệ miễn dịch khác nhau, phản ứng dị ứng với các dị nguyên cũng khác nhau. Tuỳ vào cơ địa mà dị nguyên có thể gây phản vệ nguy hiểm đối với người này, nhưng lại chỉ gây dị ứng hoặc vô hại với những người khác. Do đó, mỗi người cần phải tự đề phòng phản vệ trước khi bệnh xảy đến. Cách làm tốt nhất là thăm khám, kiểm tra tại các cơ sở y tế uy tín.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn trang bị hệ thống máy móc hiện đại tối tân, cùng với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, đảm bảo chẩn đoán chính xác các bệnh lý. Khi đến thăm khám phản vệ ở bệnh viện, mọi người sẽ được thực hiện các xét nghiệm da, xét nghiệm máu và thực hiện bảng câu hỏi để xác định dị nguyên. Từ đó, tìm được nguyên nhân có thể gây phản ứng dị ứng và phản vệ để có biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Người bệnh phản vệ khi được đưa đến cơ sở này sẽ được cấp cứu nhanh chóng, kịp thời. Các bác sĩ thành thạo hồi sức tim phổi, xử lý nhanh tình trạng ngưng thở hoặc ngưng tuần hoàn. Việc điều trị mang đến hiệu quả nhờ phác đồ điều trị chuyên biệt tuỳ tình trạng người bệnh. Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ áp dụng những phương pháp tiên tiến nhất, giúp người bệnh hồi phục sức khỏe hiệu quả.

Không chỉ thế, với hệ thống cơ sở vật chất, phòng ốc sạch sẽ, sang trọng, tiện nghi sẽ mang đến cho người bệnh cảm giác thoải mái nhất khi được điều trị tại đây. Ngoài ra, đội ngũ y tế cũng chăm sóc tận tình và chu đáo. Đồng thời, các bác sĩ sẽ hướng dẫn mọi người thay đổi chế độ dinh dưỡng, thay đổi lối sống nhằm phòng ngừa xảy ra tình trạng phản vệ.

Chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là lựa chọn thông minh dành cho tất cả mọi người.

Cách xử trí tại nhà khi bị “phản vệ”