Thời gian gần đây, tỷ lệ người bị bệnh xơ gan có xu hướng tăng cao hơn trước. Bệnh xơ gan có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Thông qua bài viết này, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh xơ gan, cách phòng cũng như điều trị căn bệnh này.
Bệnh xơ gan là gì?
Bệnh xơ gan là hậu quả của tình trạng tổn thương nhu mô gan kéo dài, trong đó sự thay thế các tế bào gan bình thường bởi các dải xơ không chức năng. Xơ hóa gan càng nhiều thì chức năng gan càng bị suy yếu và biểu hiện ra ngoài với tình trạng mất bù.
Hình ảnh gan bình thường và gan xuất hiện mô sẹo, bị xơ gan
Các tế bào gan bị hư hại dẫn đến giảm chức năng bình thường của gan như: chuyển hóa và dự trữ các chất (đường, đạm mỡ ), dự trữ máu, sắt, giải độc, tạo ra các yếu tố đông máu, tổng hợp một số hormon, tổng hợp albumin… Các dải xơ gây chèn ép mạch máu trong gan làm cản trở dòng máu qua gan, từ đó gây ứ trệ máu, giãn các mạch máu trước gan. Xơ gan giai đoạn mất bù gây ra nhiều biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Các triệu chứng của xơ gan
Tuỳ vào giai đoạn xơ gan mà người bệnh xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Giai đoạn còn bù, người bệnh không có dấu hiệu hoặc biểu hiện triệu chứng mơ hồ, dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý khác.
Xơ gan giai đoạn còn bù có các dấu hiệu như sau:
- Chán ăn, thường xuyên ăn không ngon
- Dễ buồn nôn hoặc có thể nôn
- Cơ thể mệt mỏi, yếu ớt, thiếu năng lượng
- Giảm cân
- Rối loạn giấc ngủ
- Rối loạn kinh nguyệt ở nữ, rối loạn cương dương hay nữ hóa tuyến vú ở nam
Xơ gan giai đoạn mất bù có thêm các triệu chứng:
- Vàng mắt
- Da bị ngứa, vàng da hoặc sạm màu
- Dễ xuất hiện vết bầm tím trên da và chảy máu
- Lòng bàn tay đỏ hồng (bàn tay son)
- Da có nhiều nốt sao mạch (giãn mạch màu đỏ)
- Sưng đau, phù nề cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân
- Ổ bụng tích tụ dịch lỏng gây cổ trướng
- Nước tiểu đậm màu, phân có màu nhạt hoặc lẫn máu
- Chảy máu khó cầm, có thể nôn ra máu, tiêu phân đen
- Suy giảm trí nhớ, lú lẫn và thay đổi tính cách
Dấu hiệu nhận biết xơ gan là vàng mắt, vàng da
Nguyên nhân gây bệnh xơ gan
Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương gan dẫn đến tình trạng xơ gan. Một số nguyên nhân chính có thể kể đến đó là:
1. Viêm gan virus
Viêm gan virus mãn tính như viêm gan B và C sẽ tiến triển thành xơ gan. Nguy hiểm hơn, ở giai đoạn muộn, tình trạng viêm gan, xơ gan còn có khả năng xuất hiện ung thư gan. Hiện tại, ở Việt Nam, tỷ lệ người bị viêm gan B rất cao (khoảng 8-10% dân số , gần 10 triệu người).
2. Xơ gan vì lạm dụng rượu
Việt Nam nằm trong số những quốc gia tiêu thụ bia rượu hàng đầu thế giới. Nhiều người còn lạm dụng rượu bia, bị nghiện rượu nghiêm trọng. Rượu bia lại có khả năng làm tổn hại tế bào gan từ từ, có thể gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ, tiếp đến là viêm gan mạn tính rồi dẫn đến xơ gan.
3. Một số nguyên nhân khác gây xơ gan
- Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu: Viêm gan bởi béo phì, đái tháo đường type 2 hoặc gan thấm mỡ.
- Viêm gan tự miễn: Tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào gan khỏe mạnh làm gan bị tổn thương.
- Lạm dụng thuốc: Sử dụng thuốc quá liều, kể cả thuốc kê đơn hay thuốc không kê đơn (thuốc kháng sinh, acetaminophen, thuốc chống trầm cảm) làm tổn thương gan, gây xơ gan.
- Xơ gan bởi ký sinh trùng: Một số ký sinh trùng gây tổn thương mô gan dẫn đến xơ gan như Amip, sán lá gan và ký sinh trùng sốt rét.
- Các bệnh lý di truyền: Bệnh Wilson, hội chứng Alagille, thiếu alpha-1 antitrypsin, hemochromatosis, bệnh dự trữ glycogen.
- Các bệnh gây tắc nghẽn ống dẫn mật ở gan: Tắc ống mật, viêm đường mật, ung thư đường mật…
- Xơ gan vì ứ đọng máu kéo dài: Xảy ra khi suy tim hoặc viêm tắc tĩnh mạch trên gan.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh xơ gan
Bất kỳ ai trong chúng ta đều có khả năng bị xơ gan. Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh xơ gan cao hơn người khác, đó là:
- Người nghiện rượu
- Người mắc bệnh viêm gan siêu vi B hoặc C
- Bệnh nhân đái tháo đường
- Người thừa cân, béo phì
- Tiêm chích ma túy hoặc sử dụng chung bơm kim tiêm và bị phơi nhiễm
- Có tiền sử mắc những bệnh lý về gan
Cách chẩn đoán bệnh xơ gan
Khi thăm khám các bệnh lý về gan, bác sĩ sẽ tìm hiểu tiền sử bệnh, tiền sử lạm dụng rượu và các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà người bệnh đã sử dụng. Đây có thể là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Tiếp đến, người bệnh được thực hiện một số kiểm tra kèm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh xơ gan và xác định mức độ tổn thương gan, từ đó có hướng điều trị phù hợp. Những xét nghiệm cần thực hiện:
1. Kiểm tra thể chất
Bác sĩ kiểm tra người bệnh có xuất hiện các triệu chứng của xơ gan hay chưa. Những dấu hiệu trên cơ thể như: vàng da hoặc vàng lòng trắng mắt, da có mạch máu đỏ mạng nhện, da có vết thâm, lòng bàn tay đỏ, bụng trướng lên hoặc sưng đau.
Xơ gan gây đau bụng, trướng bụng
2. Xét nghiệm máu
Để xác định bệnh xơ gan, bác sĩ tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra những tổn thương ở gan, bao gồm:
- Nồng độ albumin và các chỉ số đông máu thấp hơn ngưỡng bình thường
- Tăng nồng độ men gan (dấu hiệu viêm gan)
- Chỉ số bilirubin tăng
- Mức natri thấp hơn ngưỡng
- Nồng độ sắt trong cơ thể cao (có thể xác định bệnh huyết sắc tố).
- Xuất hiện các tự kháng thể (dấu hiệu viêm gan tự miễn hay xơ gan ứ mật nguyên phát).
- Số lượng bạch cầu cao (xác định khả năng nhiễm trùng).
- Mức độ creatinin cao (dấu hiệu bệnh thận cũng có thể là xơ gan giai đoạn cuối).
- Mức độ alpha-fetoprotein tăng lên (dấu hiệu của ung thư gan).
- Xét nghiệm viêm gan siêu vi.
3. Xét nghiệm hình ảnh
Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm tổng quát, chụp cộng hưởng từ gan (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) và siêu âm đàn hồi gan. Hình ảnh xét nghiệm sẽ cho thấy hình dạng, kích thước và kết cấu của gan, từ đó xác định được tình trạng sẹo gan cũng như lượng chất béo trong gan, lượng dịch tích tụ ở ổ bụng.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể phải thực hiện nội soi mật tuỵ ngược dòng nhằm phát hiện những vấn đề ống mật, nội soi đường tiêu hoá để xác định tình trạng chảy máu trong cơ quan tiêu hoá hoặc giãn tĩnh mạch.
4. Sinh thiết
Sinh thiết gan là phương pháp chẩn đoán chuẩn xác tình trạng xơ gan, xác định được mức độ tổn thương của gan, và cũng có thể chẩn đoán ung thư gan.
Sinh thiết gan dưới hướng dẫn CT
Phương pháp điều trị xơ gan
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây xơ gan và mức độ tổn thương gan mà bác sĩ áp dụng những phương pháp điều trị thích hợp. Mục tiêu của quá trình điều trị là làm chậm tình trạng tiến triển mô sẹo gan, kiểm soát được triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
1. Điều trị nguyên nhân gây xơ gan
Người bệnh xơ gan giai đoạn đầu cần điều trị nguyên nhân để giảm sự tiến triển mô sẹo. Các phương pháp điều trị được áp dụng như:
- Sử dụng thuốc điều trị viêm gan siêu vi giúp hạn chế các tổn thương tế bào gan.
- Dùng thuốc kiểm soát triệu chứng xơ gan ứ mật nguyên phát và các triệu chứng khác.
- Điều trị nghiện rượu, cai rượu triệt để nhằm giảm nguy cơ tổn thương gan do rượu.
- Giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu để hạn chế triệu chứng của tình trạng xơ gan vì viêm gan nhiễm mỡ.
2. Điều trị những biến chứng của bệnh xơ gan
Khi xơ gan tiến triển các biến chứng, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp cụ thể dựa vào loại biến chứng cũng như mức độ nghiêm trọng của biến chứng.
- Cổ trướng và phù: Sử dụng các loại thuốc lợi tiểu, truyền albumin và thực hiện chế độ ăn ít muối (natri). Nếu tình trạng biến chứng nặng, người bệnh sẽ thực hiện thủ thuật dẫn lưu dịch ổ bụng. Một số trường hợp áp dụng kỹ thuật thông nối tĩnh mạch cửa ở gan và tĩnh mạch chủ trên để giảm áp lực tĩnh mạch cửa.
- Tăng áp tĩnh mạch cửa: Người bệnh được kê đơn một số loại thuốc huyết áp để kiểm soát tăng áp tĩnh mạch cửa và giúp ngăn chặn tình trạng xuất huyết tiêu hoá. Đồng thời, người bệnh cần nội soi đường tiêu hoá định kỳ để theo dõi và xác định các tĩnh mạch giãn tại dạ dày hoặc thực quản, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời như tiến hành thắt tĩnh mạch thực quản giãn.
- Nhiễm trùng: Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc kháng sinh hoặc áp dụng các phương pháp hạn chế nhiễm trùng. Mặt khác, người bệnh cần tiêm phòng viêm phổi, viêm gan siêu vi A và B, tiêm phòng cúm.
- Bệnh não gan: Sử dụng các loại thuốc kê đơn để giảm tình trạng tích tụ chất độc trong máu.
- Phòng ngừa ung thư gan: Người bệnh thực hiện xét nghiệm máu định kỳ, khám siêu âm hoặc sinh thiết nhằm phát hiện ung thư gan và điều trị kịp thời.
3. Phẫu thuật ghép gan
Nếu người bệnh bị xơ gan tiến triển dẫn đến gan mất khả năng hoạt động, lựa chọn duy nhất là phải ghép gan. Bác sĩ thực hiện phẫu thuật thay thế lá gan đã hỏng của bệnh nhân bằng lá gan khỏe mạnh, hoạt động bình thường của người hiến tặng.
Biến chứng của xơ gan
Xơ gan có thể gây nên biến chứng nguy hiểm như ung thư gan
Xơ gan tiến triển có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Có thể kể đến như:
- Tăng áp tĩnh mạch cửa: Tĩnh mạch cửa có chức năng vận chuyển máu từ các cơ quan nội tạng (ruột non, ruột già, dạ dày, tụy, lách) tới gan. Xơ gan tiến triển có nguy cơ làm tăng huyết áp tại tĩnh mạch cửa, nặng hơn là xuất huyết tiêu hóa, thậm chí dẫn đến tử vong.
- Cổ trướng hay phù nề: Người bị xơ gan sẽ xảy ra giảm đạm trong máu và tăng áp tĩnh mạch cửa, dẫn đến tích tụ chất lỏng tại chân gây phù nề hoặc tích tụ chất lỏng ở bụng là chứng cổ trướng.
- Nhiễm trùng: Xơ gan cổ trướng lâu dài sẽ làm viêm phúc mạc tiên phát vì vi khuẩn. Bệnh nhiễm trùng này có biểu hiện như sốt, đau tức bụng, nôn ói, tiêu lỏng…
- Hội chứng gan – thận (hepatic renal syndrome – HRS): Xơ gan cổ trướng lâu ngày làm suy thận chức năng, triệu chứng gồm buồn nôn và nôn, mệt mỏi, run giật cơ, teo cơ, xuất hiện dấu sao mạch ở ngực và thiểu niệu. Cần phải can thiệp kịp thời nếu không có thể dẫn đến tử vong.
- Hội chứng gan – phổi (HPS): Tình trạng giãn mạch máu trong phổi và bệnh xơ gan có thể dẫn đến hội chứng gan – phổi thiếu oxy với biểu hiện khó thở, nặng hơn là gây tử vong.
- Vấn đề xương khớp: Một vài trường hợp xơ gan làm người bệnh gặp vấn đề ở xương, tăng nguy cơ bị gãy xương.
- Ung thư gan: Bệnh xơ gan là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư gan. Theo số liệu của Globocan 2020, ung thư gan đứng ở top đầu các ca ung thư tại Việt Nam với nguy cơ tử vong cao.
Dự phòng bệnh xơ gan
Mọi người có thể dự phòng bệnh xơ gan bằng cách tuân thủ những điều sau:
- Ngưng uống rượu bia: Người bình thường nên kiểm soát việc uống rượu bia, chỉ uống vừa phải và tần suất ít. Nếu đã mắc bệnh về gan hoặc bị xơ gan thì nên ngừng uống rượu bia.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung rau xanh, củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu protein. Hạn chế đồ ăn dầu mỡ, cay nóng, chất béo, giảm lượng muối và đồ mặn.
- Duy trì cân nặng hợp lý và tập luyện thể dục thể thao đều đặn.
- Không hút thuốc lá, không tiêm chích ma tuý hoặc sử dụng kim tiêm chung.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B nếu chưa nhiễm.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thực phẩm chức năng, đông dược.
Khám và điều trị xơ gan tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Tất cả mọi người đều cần dự phòng bệnh lý bằng cách thăm khám định kỳ, kiểm tra kỹ lưỡng để phát hiện sớm các bệnh lý về gan, chẩn đoán kịp thời bệnh xơ gan nhằm có hướng điều trị phù hợp, ngăn chặn tình trạng tổn thương gan nặng hơn cũng như đề phòng bị ung thư gan.
Thăm khám và kiểm tra để phát hiện các bệnh về gan
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn quy tụ đội ngũ bác sĩ và các chuyên gia y tế hàng đầu trong lĩnh vực Gan – Mật – Tuỵ. Cùng với hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, các bác sĩ có thể đưa ra quyết định lâm sàng chính xác và nhanh chóng. Với phương châm “tất cả vì người bệnh”, các bác sĩ tận tâm xây dựng phác đồ điều trị linh hoạt với từng tình trạng bệnh, phù hợp với từng cá nhân. Bên cạnh đội ngũ y tế sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng tiến triển của bệnh, điều chỉnh phác đồ theo giai đoạn, phục hồi các chức năng gan kết hợp nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa những biến chứng do xơ gan như xuất huyết tiêu hoá, suy gan hay ung thư gan…
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đảm bảo sẽ mang đến những trải nghiệm dịch vụ y tế chất lượng giúp người bệnh hoàn toàn yên tâm và hài lòng khi khám chữa bệnh xơ gan tại đây https://dangkykham.hoanmysaigon.com/