Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Cách điều trị giãn tĩnh mạch thực quản hiệu quả

24/07/2024

Giãn tĩnh mạch thực quản là bệnh lý nguy hiểm mà nhiều người mắc phải nhưng ít ai hiểu rõ. Tình trạng này gây nên những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin về giãn tĩnh mạch thực quản, mức độ nguy hiểm, nguyên nhân cũng như cách điều trị hiệu quả. Hãy cùng theo dõi nhé!

Giãn tĩnh mạch thực quản là gì?

Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng các tĩnh mạch ở thực quản và phần dưới thực quản (nối với dạ dày) bị giãn ra, có thể đứt vỡ gây xuất huyết. Hiện tượng này thường gặp ở những người bị xơ gan hoặc ung thư gan. Khi gan có mô sẹo hoặc xuất hiện cục máu đông ngăn chặn lưu lượng máu chảy tới gan, khiến tĩnh mạch chịu áp lực lớn nên bị giãn. Thời gian lâu dần, tĩnh mạch giãn sẽ bị rò rỉ hoặc vỡ ra, khiến chảy máu nghiêm trọng. Người bệnh mất máu nhiều dễ dẫn đến sốc, thậm chí là tử vong. Tình trạng này cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm hạn chế khả năng nguy hiểm tính mạng.

Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng tĩnh mạch thực quản bị giãn ra, có thể dẫn đến vỡ

Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng tĩnh mạch thực quản bị giãn ra, có thể dẫn đến vỡ

Triệu chứng và dấu hiệu giãn tĩnh mạch thực quản

Giãn tĩnh mạch thực quản thường ít gây triệu chứng, trừ khi xảy ra xuất huyết. Những dấu hiệu giãn tĩnh mạch thực quản có thể nhận thấy như:

  • Thường hay buồn nôn, nôn ói, có thể nôn ra máu.
  • Đi ngoài phân đen như hắc ín hoặc phân lẫn máu.
  • Choáng váng, chóng mặt, lâng lâng, mất kiểm soát, nặng hơn là có thể mất ý thức.
  • Có triệu chứng của bệnh gan như vàng da, vàng mắt, cổ trướng, trướng bụng.
  • Người dễ chảy máu hoặc bầm tím.

Nguyên nhân giãn tĩnh mạch thực quản

Nguyên nhân gây ra giãn tĩnh mạch thực quản gồm:

1. Mô sẹo ở gan

Một số bệnh ở gan như: viêm gan, gan nhiễm mỡ, suy gan, bệnh gan do rượu, xơ gan ứ mật nguyên phát, xơ gan… là nguyên nhân chủ yếu gây giãn tĩnh mạch thực quản. Sở dĩ xảy ra điều này, là do các vết mô sẹo ở gan sẽ ngăn cản dòng máu chảy trong tĩnh mạch cửa (tĩnh mạch dẫn máu từ ruột và dạ dày về gan). Khi đó, áp lực trong tĩnh mạch cửa cùng những tĩnh mạch lân cận bị gia tăng. Tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa buộc máu phải đi qua những tĩnh mạch nhỏ hơn như tĩnh mạch thực quản. Thế nhưng, tĩnh mạch thực quản lại có thành mỏng, nên sẽ bị căng phồng và giãn ra do lượng máu dồn về tăng lên quá nhiều. Lâu dần, tĩnh mạch thực quản bị phình to dẫn đến vỡ gây xuất huyết.

2. Cục máu đông (huyết khối)

Cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch cửa hoặc trong những tĩnh mạch lách (tĩnh mạch cấp vào tĩnh mạch cử) cũng là nguyên nhân gây ra giãn tĩnh mạch thực quản.

Cục máu đông chảy trong tĩnh mạch cửa là nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thực quản

Cục máu đông chảy trong tĩnh mạch cửa là nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thực quản

3. Nhiễm ký sinh trùng

Nhiễm ký sinh trùng như sán máng (Schistosomiasis) gây tổn thương phổi, gan, ruột, bàng quang và những cơ quan khác. Tình trạng này có khả năng dẫn đến hiện tượng giãn tĩnh mạch thực quản. Người bị nhiễm sán máng thường tập trung ở châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ, vùng Caribbean và Đông Nam Á.

4. Hội chứng Budd-Chiari

Một số ít trường hợp bị giãn tĩnh mạch thực quản có nguyên nhân do hội chứng Budd-Chiari. Đây là tình trạng tắc nghẽn dòng chảy tĩnh mạch gan, dẫn đến hình thành cục máu đông gây giãn tĩnh mạch.

Biến chứng giãn tĩnh mạch thực quản

Biến chứng nguy hiểm nhất của tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản đó là hiện tượng chảy máu. Theo nghiên cứu, tỷ lệ chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản chiếm khoảng 11% các trường hợp chảy máu đường tiêu hóa trên (UGIB). Người bệnh bị xuất huyết trong quá nhiều sẽ bị sốc và có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời.

Trường hợp bị chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản không kèm bệnh xơ gan thì khả năng tử vong khoảng 5 – 10 %. Nếu chảy máu bởi giãn tĩnh mạch kèm xơ gan thì tiên lượng tử vong chiếm 40 – 70%. Trong khi đó, các số liệu thống kê cho thấy, 50% người bệnh xơ gan bị giãn tĩnh mạch thực quản. Cho nên, người bị xơ gan cần phải điều trị đúng cách và phòng ngừa xảy ra giãn tĩnh mạch thực quản.

Trong số những người bệnh bị vỡ tĩnh mạch thực quản, khoảng 40% trường hợp tự ngưng chảy máu. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát chảy máu trong vòng 6 tuần là 30% và trong vòng 1 năm là gần 70%. Chính vì vậy, mọi người cần chủ động điều trị ngăn tình trạng chảy máu để hạn chế nguy cơ tử vong.

Phương pháp điều trị bệnh giãn tĩnh mạch thực quản

Tuỳ thuộc vào thể trạng từng người bệnh, mức độ giãn tĩnh mạch và tổn thương gan mà bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Người bệnh cần thực hiện điều trị sớm để ngăn tình trạng vỡ tĩnh mạch thực quản. Nếu tĩnh mạch đã vỡ gây xuất huyết thì buộc phải can thiệp xử lý ngay tránh người bệnh bị sốc hoặc tử vong do mất máu quá nhiều.

Các phương pháp điều trị bệnh giãn tĩnh mạch thực quản như sau:

1. Điều trị bằng thuốc

  • Người bị giãn tĩnh mạch thực quản nhưng chưa vỡ, chưa xuất huyết, cần chỉ định uống các loại thuốc giúp giảm lưu lượng máu chảy vào tĩnh mạch cửa. Thường thấy nhất là thuốc chẹn thụ thể Beta như Carvedilol, Nadolol hay Propranolol.
  • Các thuốc giảm áp lực tĩnh mạch cửa như Octreotide, Somatostatin, Terlipressin giúp nhằm kiểm soát lượng máu chảy khi vỡ tĩnh mạch và ngăn ngừa xuất huyết tái phát.
  • Khi vỡ tĩnh mạch gây chảy máu cần dùng thuốc kháng sinh ngăn ngừa nhiễm trùng cho người bệnh. Người bệnh cũng có thể được truyền các yếu tố đông máu để cầm máu tức thời.
  • Việc dùng thuốc phải theo hướng dẫn của bác sĩ, khi bệnh xơ gan chưa nghiêm trọng và có thể phải phối hợp với phương pháp điều trị khác.

2. Nội soi thắt tĩnh mạch thực quản

  • Là phương pháp hữu hiệu nhất điều trị giãn tĩnh mạch thực quản khi chưa xuất huyết hoặc đã vỡ gây xuất huyết.
  • Bác sĩ đưa dây soi mềm (có gắn camera ở đầu) vào thực quản để nội soi và thắt tĩnh mạch bằng dây thun cao su. Các búi giãn tĩnh mạch bị xơ hoá vào bọc bằng vòng chun nên không còn nguy cơ vỡ hay chảy máu.
  • Phương pháp này có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tái xuất huyết ở tĩnh mạch thực quản.

Nội soi thắt các búi giãn tĩnh mạch thực quản ngăn chảy máu

3. Đặt bóng chèn (ống thông Blakemore) vào dạ dày – thực quản

  • Là thủ thuật cấp cứu khi giãn tĩnh mạch thực quản bị vỡ gây chảy máu.
  • Bác sĩ tạo áp lực lên tĩnh mạch thực quản bằng cách đặt quả bóng phồng chèn lên tĩnh mạch trong khoảng 24 giờ.
  • Đây là biện pháp tạm thời để cầm máu trước khi tiến hành phương pháp điều trị khác. Nếu bóng bị xì hơi thì nguy cơ tái phát chảy máu rất cao.

4. Nối thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh

  • Thủ thuật này có tên tiếng Anh là Transjugular intrahepatic portosystemic shunt – TIPS.
  • Được chỉ định thực hiện khi các phương pháp nội khoa, nội soi, thắt tĩnh mạch đều gặp thất bại.
  • Bác sĩ luồn một ống thông (ống nhựa nhỏ) vào tĩnh mạch gan rồi tạo lối thông xuyên qua mô gan đến tĩnh mạch cửa. Nhờ lối thông này mà chuyển hướng dòng máu ra khỏi tĩnh mạch cửa, máu chảy trực tiếp tới tĩnh mạch chủ, ngăn chảy máu do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản.

5. Phẫu thuật ghép gan

  • Chỉ định cho những người bị bệnh gan tiến triển, hoặc tình trạng xuất huyết tĩnh mạch thực quản tái phát nhiều lần.
  • Tỷ lệ thành công cao, nhưng cần xét nghiệm và chờ đợi có gan ghép tương thích.

Phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch thực quản

Một số phương pháp hiệu quả phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch thực quản:

1. Lối sống lành mạnh

  • Không uống rượu, bia, đồ uống có cồn, đồ uống gây hại cho gan.
  • Không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích khác.
  • Tập thể dục thể thao đều đặn để tăng sức đề kháng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân béo phì.
  • Không thức khuya, giảm áp lực công việc, hạn chế căng thẳng, lo âu.

2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

  • Uống đủ lượng nước mỗi ngày (uống nhiều nước áu có thể gây tăng áp lực tĩnh mạch thực quản).
  • Ăn thực phẩm lành mạnh: trái cây, rau xanh, các loại đậu, thịt, cá,…
  • Hạn chế natri (muối), đồ hộp, đồ muối, thức ăn đông lạnh, nhiều dầu mỡ hoặc chất béo bão hoà.

3. Phòng ngừa bệnh về gan

  • Hạn chế tiếp xúc các hoá chất độc hại, môi trường ô nhiễm, đồ ăn nhiễm độc.
  • Tiêm phòng viêm gan A, viêm gan B và C.
  • Không dùng chung kim tiêm, các dụng cụ khác đều phải tiệt trùng như bấm móng tay, kim xăm,…
  • Quan hệ tình dục an toàn (tránh lây viêm gan B và C).

4. Thăm khám và tầm soát

  • Tầm soát các bệnh lý về gan để có phương án điều trị kịp thời.
  • Nếu bị viêm gan, xơ gan hay các bệnh gan khác, cần nội soi tầm soát giãn tĩnh mạch thực quản.
  • Thăm khám định kỳ để kiểm tra và theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như diễn tiến của bệnh.

Khám và điều trị giãn tĩnh mạch hiệu quả tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Để phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch thực quản, mọi người nên chủ động thăm khám tại bệnh viện, đặc biệt là đối với những trường hợp có bệnh lý về gan hoặc xuất hiện triệu chứng nghi ngờ bệnh gan. Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến, hỗ trợ việc tầm soát cho kết quả chính xác. Có thể kể đến như máy chụp cắt lớp vi tính CT scan, máy siêu âm Doppler, máy nội soi thế hệ mới nhất…

Nội soi tầm soát dạ dày thực quản để phát hiện giãn tĩnh mạch thực quản và các bệnh lý khác

Nội soi tầm soát dạ dày thực quản để phát hiện giãn tĩnh mạch thực quản và các bệnh lý khác

Khi phát hiện sớm các búi giãn tĩnh mạch thực quản, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị dự phòng thích hợp với tình trạng từng người bệnh. Có thể điều trị bằng thuốc chẹn beta giao cảm hoặc nội soi thắt tĩnh mạch thực quản, ngăn hiện tượng vỡ giãn tĩnh mạch. Đồng thời, người bệnh sẽ được theo dõi sát sao để kịp thời có biện pháp can thiệp điều trị theo tiến triển bệnh.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá hàng đầu, sẽ nhanh chóng hội chẩn với khoa Cấp cứu nhằm chỉ định nội soi chẩn đoán và can thiệp kịp thời khi người bệnh đến cấp cứu xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Các biện pháp xử lý nhanh chóng, khoa học, cứu chữa hiệu quả, giúp người bệnh vượt qua tình trạng sốc và ngăn chặn mất máu quá nhiều, tránh các biến chứng về sau.

Đăng ký khám và điều trị giãn tĩnh mạch thực quản ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.

Bác sĩ chuyên khoa Nội soi tiêu hóa đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh trước Nội soi

Bác sĩ chuyên khoa Nội soi tiêu hóa đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh trước Nội soi