Dị dạng mạch máu não là một trong những bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp với xác suất dưới 0.5 – 0,6% tổng dân số chung. Căn bệnh này tuy không phổ biến nhưng gây ra vỡ mạch dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não hoặc gây động kinh. Bệnh nếu không kịp thời phát hiện và chữa trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Dị dạng mạch máu não là gì?
Dị dạng mạch máu não (Cerebrovascular Malformation) là tập hợp những bất thường xảy ra bên trong các mạch máu làm thay đổi lưu lượng máu. Điều này khiến cho các mạch máu nối các động mạch và tĩnh mạch trong não bị rối loạn. Khi mắc phải bệnh lý này, người bệnh có nguy cơ bị xuất huyết não và khiến các động mạch và tĩnh mạch dị dạng trở nên mỏng hoặc yếu và có thể dẫn đến vỡ mạch máu não dị dạng và chảy máu vào não.
Hình 1: Dị dạng mạch máu não là tập hợp những bất thường xảy ra bên trong các mạch máu làm thay đổi lưu lượng máu
Dị dạng mạch máu não có nguy hiểm không?
Dị dạng mạch máu não là bệnh lý bẩm sinh, nhưng lại không có khả năng di truyền. Tuy nhiên khi mắc bệnh có thể dẫn đến những biến chứng ảnh hưởng đến não bộ, cụ thể là:
- Mạch máu trở nên mỏng hoặc yếu: Bệnh lý này sẽ gây áp lực lên thành mạch máu, làm mỏng và suy yếu các mạch máu não. Điều này có thể dẫn đến vỡ mạch máu trong não.
- Xuất huyết não: Đột quỵ xuất huyết là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất. Tình trạng này diễn ra khi thành động mạch, tĩnh mạch não bị suy yếu dẫn đến vỡ, xuất huyết não. Nếu lượng máu chảy ra ít thì rất khó phát hiện và không gây ra triệu chứng đặc biệt, nhưng nếu lượng máu chảy ra nhiều có thể dẫn đến đột quỵ và tổn thương não.
- Giảm oxy đến mô não: Dị dạng mạch máu não là tình trạng máu di chuyển trực tiếp từ động mạch đến tĩnh mạch thay vì qua mao mạch. Khi điều đó xảy ra, lưu lượng máu sẽ lớn hơn và di chuyển nhanh hơn khiến các mô xung quanh não không thể hấp thụ và nhận đủ oxy. Nếu các mô trong não không được cung cấp đủ oxy có thể dẫn đến suy nhược hoặc tử vong và dẫn đến đột quỵ, hoặc té ngã, cứng miệng,…
- Tổn thương não: Tổn thương não là biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm xảy ra khi dị tật động tĩnh mạch khiến máu chảy nhiều và chảy nhanh hơn, từ đó gây ra chứng phình động mạch não, chèn ép các phần khác của não. Khi đó, điều này có thể dẫn đến ứ đọng dịch não tủy và gây biến chứng não úng thủy trong não.
Hình 2: Xuất huyết não, tổn thương não,… là một số biến chứng nguy hiểm của dị dạng mạch máu não
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh lý này có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi mạch máu não bị vỡ dẫn đến xuất huyết. Trong khoảng một nửa số ca dị dạng mạch máu não, xuất huyết là dấu hiệu đầu tiên.
Ngoài xuất huyết não, người bệnh còn có thể gặp những triệu chứng sau:
- Co giật
- Nhức đầu hoặc đau ở một vùng đầu
- Yếu cơ hoặc tê ở một bộ phận cơ thể
Một số người có thể gặp các dấu hiệu và triệu chứng thần kinh nghiêm trọng hơn, tùy thuộc vào vị trí của các động, tĩnh mạch bị dị dạng , bao gồm:
- Đau đầu dữ dội
- Yếu, tê hoặc tê liệt
- Mất thị lực
- Khó nói
- Nhầm lẫn hoặc không có khả năng hiểu người khác
- Mất ổn định nghiêm trọng
Các dấu hiệu và triệu chứng của dị dạng mạch máu não có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện ở độ tuổi từ 10 đến 40. Theo đó, căn bệnh này làm hỏng mô não theo thời gian, những ảnh hưởng này phát triển từ từ và thường biểu hiện thành triệu chứng ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, ở tuổi trung niên, dị dạng mạch máu não có xu hướng duy trì ổn định và ít gây ra các triệu chứng hơn.
Hình 3: Trong khoảng một nửa số ca dị dạng mạch máu não, xuất huyết là dấu hiệu đầu tiên.
Chẩn đoán
Dựa trên tình trạng bệnh thực tế, các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh dị dạng mạch máu não dựa trên:
- Chụp mạch máu não (DSA): Các bác sĩ có thể thấy chính xác vị trí và kích thước của dị dạng này. Đây được coi là xét nghiệm chính xác nhất.
- Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT): Sử dụng tia X để chụp hình ảnh các phần khác nhau của cơ thể. Chụp CT có thể nhìn thấy dị dạng, đặc biệt là sau khi thuốc cản quang X-ray được đưa vào.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đây là phương pháp tạo ra những hình ảnh có độ chi tiết cao của cơ thể mà không cần chụp X-quang. Chụp động mạch sử dụng “chuỗi xung” được thiết kế đặc biệt để hiển thị các động mạch và tĩnh mạch của não cũng như các dị dạng hiện có.
Điều trị dị dạng mạch máu hiệu quả
Có nhiều lựa chọn để điều trị dị dạng mạch máu, thông thường các bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp như:
- Can thiệp nội mạch: Can thiệp nội mạch là phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với dị dạng mạch máu não. Theo đó, các bác sĩ sẽ sử dụng các vi ống thông có kích thước siêu nhỏ để tiếp cận đến khối dị dạng, từ đó bơm các chất gây tắc mạch để làm tắc hoàn toàn ổ dị dạng hay làm giảm lưu lượng.
- Phẫu thuật cắt bỏ dị dạng (Vi phẫu): Đây là một lựa chọn điều trị phổ biến. Phẫu thuật này thường có khả năng chữa khỏi hoàn toàn, các bác sĩ sẽ xác định xem tình trạng dị dạng mạch máu của người bệnh có thể tiếp cận được bằng phẫu thuật hay không. Thông thường, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ dị dạng ngay sau khi thuyên tắc nội mạch. Việc thuyên tắc mạch sẽ làm giảm lưu lượng máu và phẫu thuật sẽ hoàn tất việc điều trị bằng cách loại bỏ hoàn toàn dị dạng mạch máu não.
- Xạ phẫu Gamma – Knife: Là một phương pháp không xâm lấn để điều trị dị dạng mạch máu não bằng cách sử dụng bức xạ nhắm mục tiêu trong khoa xạ trị ung thư. Bác sĩ sẽ định vị khung đầu cố định bằng cách sử dụng lidocain, ngoài ra các bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp âm nhạc làm cho quá trình xạ phẫu Gamma – Knife không đau đớn. Khi khung đầu người bệnh đã được đặt đúng vị trí, người bệnh sẽ được chụp cắt lớp vi tính (CT) đầu. Việc điều trị không gây đau đớn rất giống với chụp CT thường kéo dài khoảng 30 phút và bệnh nhân có thể về nhà sau khi làm thủ thuật.
Hình 4: Thuyên tắc mạch, phẫu thuật, xạ phẫu Gamma – Knife là 3 phương pháp điều trị dị dạng mạch máu não phổ biến
Chăm sóc bệnh nhân bị dị dạng mạch máu sau điều trị
Dị tật mạch máu não có thể được phát hiện và chẩn đoán bằng các phương pháp như chụp động mạch, chụp X-quang có hoặc không có thuốc cản quang, chụp cộng hưởng từ (MRI).
Sau khi phát hiện chẩn đoán, tùy theo kích thước, vị trí và tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như can thiệp tắc mạch, phẫu thuật, xạ trị.
Chăm sóc người bệnh dị tật mạch máu não cần chú ý những điều sau để khắc phục bệnh, đảm bảo sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm:
- Rối loạn cảm xúc: Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe, một số biến chứng của việc đặt ống thông động tĩnh mạch mạch máu não như chảy máu não hay đột quỵ có thể gây ra một số rối loạn cảm xúc.
- Dị tật mạch máu não: Người chăm sóc cần chấp nhận cảm xúc của bệnh nhân. Lắng nghe và tìm hiểu cùng người bệnh về dị tật mạch máu não để thăm khám, chẩn đoán và phát hiện bệnh kịp thời, từ đó đưa ra quyết định điều trị phù hợp, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Dị tật mạch máu não là một bất thường nguy hiểm của mạch máu trong não vì có thể gây ra các biến chứng như xuất huyết não, tổn thương não.
Khám và điều trị dị dạng mạch máu não tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Đối với dị dạng mạch máu não, xuất huyết là triệu chứng phổ biến. Thông thường, các bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội, liệt nửa người,… một số khác thường nhập viện khi có triệu chứng đau đầu, động kinh và thường được chẩn đoán thông qua một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh.
Tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, các bác sĩ áp dụng cả 3 phương pháp: Can thiệp tắc mạch, phẫu thuật cắt bỏ dị dạng và xạ phẫu trong quá trình điều trị. Tùy theo từng tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ cá thể hoá phương pháp điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt, với kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, thời gian can thiệp nhanh cùng hệ thống máy DSA can thiệp hiện đại, máy CT, MRI với độ chính xác cao, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân và kiểm soát các bệnh lý nhanh chóng.
Hãy đến ngay bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn để có một cơ thể khoẻ mạnh hơn.
Đăng ký khám TẠI ĐÂY: https://dangkykham.hoanmysaigon.com/