Bệnh vảy nến (Psoriasis) là bệnh viêm da có biểu hiện rõ nhất là các sẩn và mảng đỏ, được bao phủ bởi các lớp vảy hoặc mảng bám có màu bạc trắng. Bệnh thường xuất hiện ở các vùng da khu vực đầu gối, khuỷu tay và da đầu.
Đây là một loại bệnh về da phổ biến, tuy không nguy hiểm nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt bệnh vảy nến còn hay đeo bám dai dẳng, có khi là suốt đời. Do đó, hãy cùng ·Hoàn Mỹ Sài Gòn tìm hiểu về dấu hiệu, nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị căn bệnh này.
Bệnh vảy nến là gì?
Bệnh vảy nến được biết đến là một bệnh ngoài da mãn tính, hệ thống, tái đi tái lại, thường gặp ở những người bị tăng sinh tế bào và viêm nhiễm. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, căn bệnh mãn tính này ảnh hưởng tới sức khỏe của khoảng 2-3% dân số thế giới với khoảng 125 triệu người mắc bệnh. Về độ nặng, bệnh vảy nến được phân làm 3 độ: nhẹ (<3% diện tích da), trung bình (3%-10%) và nặng (>10%).
Bệnh vảy nến là bệnh di truyền đa gen (có yếu tố di truyền từ người thân trực hệ). Một vài người có gen vảy nến sẽ biểu hiện thành bệnh khi có những yếu tố thúc đẩy từ môi trường như: thuốc, các bệnh nhiễm trùng, nội tiết tố, stress, thuốc lá và béo phì.
Bệnh thường ít ngứa và chỉ ngứa ở những giai đoạn có tiến triển mạnh. Một số trường hợp viêm khớp vảy nến, người bệnh bị sưng đau các khớp, có thể gây biến dạng khớp và hạn chế vận động. Vậy nên, ngoài việc gây ra đau đớn và khó chịu trên bề mặt da tại vùng nhiễm bệnh, bệnh vảy nến còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý và sức khỏe của người bệnh.
Triệu chứng của bệnh vảy nến
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vảy nến bao gồm:
- Da: Sẩn mảng hồng ban đỏ tươi, bong vảy, phát ban loang lổ với nhiều hình dạng khác nhau, từ những nốt vảy giống như vảy gàu đến nốt ban lớn khắp cơ thể. Vảy nến thường tập trung nhiều ở vùng tỳ đè, ma sát như mông, hai gối, hai khủyu, rìa chân tóc, sau gáy, tổn thương đối xứng
- Móng: Móng đục lỗ, dày sừng dưới móng, dấu hiệu vệt dầu loang
- Khớp: Sưng đau khớp hoặc nhiều khớp, viêm khớp cột sống vảy nến hiếm gặp hơn viêm đa khớp
- Niêm mạc: Sinh dục, lưỡi, mắt…
Các loại bệnh vảy nến thường gặp
- Vảy nến thể mảng
Dạng vảy nến này tạo ra những vùng da viêm, đỏ; được bao phủ bởi các lớp vảy hoặc mảng bám có màu bạc trắng. Các vùng da thể hiện tình trạng bệnh này thường được nhận thấy ở đầu gối, khuỷu tay và da đầu.
- Vảy nến thể giọt
Vảy nến thể giọt gây ra các đốm da nhỏ có màu hồng. Các vị trí có triệu chứng này thường nằm ở các điểm như phần thân, cánh tay và chân.
- Vảy nến thể mủ
Vảy nến thể mủ thường khiến làn da trở nên viêm và xuất hiện những bọc mủ trắng. Đây là bệnh dễ bắt gặp ở những người trưởng thành. Dạng vảy nến này thường chỉ giới hạn tại những địa điểm nhỏ hơn trên làn da, như bàn tay hoặc chân, nhưng vẫn có thể lan rộng.
- Vảy nến thể đảo ngược
Dạng vảy nến này gây ra những vùng da viêm nhiễm có màu đỏ sáng óng ánh. Những vùng da này phát triển tại các vùng như nách, ngực, háng, hoặc tại xung quanh các nếp da gấp của bộ phận sinh dục.
- Vảy nến thể đỏ da toàn thân
Dạng vảy nến này khiến làn da người bệnh trông như bị cháy nắng, các vùng vảy da thường bong tróc theo một mảng lớn. Ở những người bệnh mắc dạng vảy nến thể đỏ da toàn thân thì việc bị sốt và ốm nặng là rất dễ xảy ra, và có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Vảy nến khắp toàn thân gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và cuộc sống
Bệnh vảy nến có lây không?
Không. Bệnh vảy nến do hệ miễn dịch của người bệnh bị rối loạn, là tình trạng ngoài da, do đó, tình trạng này không lây nhiễm từ người này sang người khác khi chạm vào nơi nhiễm bệnh. Hầu hết những người mắc bệnh bị tổn thương da nhẹ có thể điều trị hiệu quả bằng các liệu pháp bôi ngoài da.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến
- Rối loạn hệ thống miễn dịch
Bệnh vảy nến xảy ra khi các tế bào da được thay thế nhanh hơn bình thường. Thông thường, các tế bào da được tạo ra và thay thế sau mỗi 3-4 tuần nhưng quá trình này chỉ mất khoảng 3-7 ngày ở người bệnh vảy nến. Từ đó khiến cơ thể người bệnh gia tăng sản xuất tế bào da, dẫn đến sự tích tụ các tế bào da tạo ra các mảng các mảng bong tróc, sần sùi phủ đầy vảy.
Nguyên do là vì ở cơ thể người bình thường, các tế bào bạch cầu được triển khai để tấn công và phá hủy các vi khuẩn xâm nhập và đối kháng với sự nhiễm trùng. Ở người bệnh vảy nến, hệ thống miễn dịch lại tấn công nhầm các tế bào da khỏe mạnh ở người bị bệnh vảy nến. Điều này khiến những lớp tế bào da mới phát triển quá nhanh, bị đẩy lên bề mặt da và bắt đầu chồng chất với các tế bào da khác.
- Yếu tố di truyền
Bệnh vảy nến có thể di truyền trong gia đình. Nếu trong gia đình bạn có một người mắc bệnh vảy nến, thì khả năng bạn mắc căn bệnh này sẽ cao hơn. Khoảng 1/3 người mắc bệnh vảy nến báo cáo có tiền sử gia đình mắc bệnh. Các nghiên cứu về cặp song sinh giống hệt nhau cho thấy, 70% khả năng một cặp song sinh mắc bệnh nếu người kia mắc chứng rối loạn này, tỷ lệ này chiếm 20% ở cặp song sinh không giống hệt nhau. Những phát hiện này cho thấy cả tính nhạy cảm di truyền và phản ứng môi trường trong việc phát triển bệnh vẩy nến.
- Yếu tố khác
Ngoài ra, các tác nhân khác như chấn thương da, nhiễm trùng cổ họng và sử dụng một số loại thuốc cũng gây ra bệnh. Người mắc bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng có nguy cơ bị vảy nến cao hơn. Bệnh vảy nến còn có liên quan đến béo phì, một số rối loạn tim mạch và chuyển hóa khác như tiểu đường.
Cách điều trị bệnh vảy nến
1. Điều trị tại chỗ
Trong hầu hết các trường hợp, ban đầu bác sĩ sẽ cho dùng phương pháp điều trị tại chỗ bằng các loại kem, thuốc mỡ, dưỡng chất tương tự vitamin D hoặc corticosteroid bôi lên vùng da bị vảy nến có mức độ từ nhẹ đến vừa.
Các thuốc tại chỗ sử dụng để điều trị vảy nến là:
- Thuốc corticoid dạng bôi
- Thuốc retinoid dạng bôi
- Thuốc anthralin
- Vitamin D và các thuốc tương tự
- Hoạt chất axit salicylic
- Kem dưỡng ẩm
2. Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu)
Nếu những cách trên không hiệu quả hoặc tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ dùng liệu pháp quang học, tiếp xúc với một số loại tia cực tím (UV) hoặc ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng mặt trời giúp tiêu hủy các tế bào bạch cầu hoạt động quá mức đang gây hại đến tế bào da và gây ra quá trình phát triển tế bào da quá nhanh. Cả 2 loại tia UVA và UVB có thể giúp ích trong việc làm giảm các triệu chứng bệnh lý từ nhẹ đến vừa.
3. Điều trị toàn thân
Trường hợp vảy nến mức độ nặng hơn, có thể kết hợp điều trị bằng những loại thuốc uống hoặc tiêm có tác dụng trên toàn bộ cơ thể như: methotrexate, cyclosporine, vitamin A acid.
4. Thuốc sinh học
Là một bước tiến mới mang lại nhiều hi vọng cho người bệnh vảy nến khi cải thiện được chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người bệnh sau khi dùng thuốc sinh học có thể sạch hoàn toàn thương tổn, hết đau khớp và tự tin giao tiếp.
Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng mẩn đỏ, ngứa ngáy nào trên da, hãy thăm khám ngay ở các cơ sở y tế uy tín
Khám và điều trị bệnh vảy nến tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Vảy nến là dạng bệnh ngoài da, tuy không nguy hiểm nhưng vẫn gây ra đau đớn và khó chịu trên bề mặt da, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Do đó, mỗi người cần chủ động phòng ngừa bệnh hoặc điều trị ngay khi mới xuất hiện. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng mẩn đỏ, ngứa ngáy nào trên da, hãy thăm khám ngay ở các cơ sở y tế uy tín.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Da liễu giàu kinh nghiệm sẽ khám cơ bản ban đầu kết hợp với các xét nghiệm tiên tiến để chẩn đoán chính xác những bệnh lý da liễu. Xác định nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ chỉ định điều trị thuốc phù hợp. Tuỳ vào vị trí và mức độ tổn thương da từ bệnh vảy nến mà người bệnh được điều trị theo phác đồ cụ thể.
Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, hệ thống cơ sở vật chất, bao gồm phòng khám và các thiết bị y tế, đều được trang bị theo tiêu chuẩn hiện đại, đem lại cảm giác yên tâm và thoải mái cho người bệnh trong quá trình điều trị. Các gói khám sức khỏe đa dạng, được thiết kế phù hợp với độ tuổi và giới tính, giúp phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm. Mọi người có thể tin tưởng lựa chọn Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và đặt lịch khám TẠI ĐÂY.
Bác sĩ da liễu khám lâm sàng cho người bệnh