Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

BỆNH TRĨ CÓ CẦN ĐIỀU TRỊ KHÔNG? 

29/10/2024
  1. Khái niệm: 

Bệnh trĩ (Hemorrhoids) là một bệnh lành tính, phổ biến, chiếm đa số trong bệnh lý hậu môn trực tràng. Bệnh gây ra do sự sa giãn của đám rối tĩnh mạch dưới niêm vùng hậu môn trực tràng.  

Bệnh không nguy hiểm nhưng gây nhiều khó chịu, phiền toái trong cuộc sống. Vì là bệnh của vùng nhạy cảm nên người bệnh cảm thấy ngại đi khám, âm thầm chịu đựng, dẫn đến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. Nếu bệnh chuyển nặng, gây các biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.   

Bác sĩ thăm khám và tư vấn bệnh 
  1. Cơ chế hình thành bệnh trĩ: 

Có nhiều thuyết giải thích cho sự hình thành bệnh trĩ như: 

– Thuyết giãn tĩnh mạch 

– Thuyết tăng sinh mạch máu 

– Thuyết tăng trương lực cơ thắt trong 

– Thuyết trượt đệm hậu môn 

– Thuyết về sự lỏng lẻo của mô trực tràng 

Trên thực tế bệnh thường phối hợp nhiều cơ chế với nhau, kết hợp với các yếu tố nguy cơ trong cuộc sống dẫn đến hình thành bệnh trĩ. 

Giải phẫu hậu môn
  1. Phân loại bệnh trĩ: 

Trĩ chủ yếu có 2 loại, bao gồm trĩ nội (internal hemorrhoids) và trĩ ngoại (external hemorrhoids), khi chúng kết hợp với nhau thì được gọi là trĩ hỗn hợp.  

  • Trĩ ngoại: Khi búi trĩ xuất phát phía dưới đường lược (hay còn gọi là đường hậu môn-trực tràng), được gọi là trĩ ngoại. Lúc này búi trĩ được phủ bởi lớp biểu mô vảy và nằm bên dưới lớp da bao quanh hậu môn. 
  • Trĩ nội: Nếu búi trĩ xuất phát phía trên đường lược (hay còn gọi là đường hậu môn-trực tràng), được gọi là trĩ nội, và búi trĩ được bao phủ bởi niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp. 
Phân loại bệnh trĩ: trĩ ngoại và trĩ nội 

Phân độ trĩ nội: dựa vào sự tiến triển của búi trĩ còn nằm bên trong hay đã sa ra khỏi hậu môn. 

  • Trĩ nội độ 1: búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn. 
  • Trĩ nội độ 2: lúc bình thường trĩ nằm gọn trong ống hậu môn, khi rặn đi cầu búi trĩ thập thò hay lòi ít ra ngoài. Khi đi cầu xong đứng dậy búi trĩ tự thụt vào trong. 
  • Trĩ nội độ 3: mỗi lần đi cầu hoặc đi lại nhiều, ngồi xổm, làm việc nặng thì búi trĩ lại sa ra ngoài. Lúc này phải nằm nghỉ một lúc búi trĩ mới tụt vào hoặc dùng tay đẩy búi trĩ mới vào được. 
  • Trĩ nội độ 4: búi trĩ gần như thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn. 
04 phân độ trĩ nội
  1. Yếu tố nguy cơ gây bệnh: 
  • Táo bón hoặc tiêu chảy nặng làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch gây căng giãn và ứ máu; 
  • Chế độ ăn ít chất xơ làm tăng tần suất bệnh trĩ; 
  • Thừa cân và béo phì làm gia tăng tần suất bệnh; 
  • Gia tăng áp lực ổ bụng đối với những người thường xuyên lao động nặng hoặc sự gia tăng áp lực ổ bụng kéo dài như thói quen ngồi nhiều, đứng lâu liên tục hay ngồi xổm; 
  • Ngoài ra, trĩ cũng xuất hiện như là triệu chứng của một bệnh, ví dụ: bướu vùng tiểu khung, bệnh nhân bị xơ gan, hoặc phụ nữ trong thai kỳ, … 
  1. Triệu chứng và biến chứng của bệnh trĩ: 

Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh có thể bao gồm: 

  • Chảy máu trong quá trình đi tiêu, lúc đầu có thể thấy một ít máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc nhỏ giọt trong bồn cầu. Càng về sau khi rặn nhiều thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Nặng hơn nữa là khi ngồi xổm cũng chảy máu. 
  • Ngứa hoặc kích thích ở vùng hậu môn do dịch nhầy từ sự bài tiết của niêm mạc ống hậu môn. 
  • Đau hoặc khó chịu mỗi lần đi cầu do búi trĩ gây nứt ống hậu môn. 
  • Đối với trĩ ngoại, người bệnh có thể thấy sưng đau, sờ thấy búi lòi thường xuyên ở hậu môn khi trĩ có biến chứng tắc mạch. Sau khi bệnh thoái triển sẽ tạo ra mảnh da thừa vùng hậu môn gây khó chịu, ẩm ướt vùng hậu môn. 
  • Trĩ nội thường không gây đau nhưng biến chứng chảy máu thường xuyên có thể gây thiếu máu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các chức năng sống của người bệnh. 
Bệnh của vùng nhạy cảm nên người bệnh cảm thấy ngại đi khám, âm thầm chịu đựng, dẫn đến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. 
  1. Điều trị bệnh trĩ:  

Điều trị nội khoa bảo tồn và chế độ sinh hoạt 

  • Chế độ ăn nhiều chất xơ là phương pháp điều trị hữu hiệu cho trĩ xuất huyết, hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thức ăn cay nóng. Tránh hoạt động quá mạnh, tránh ngồi nhiều, ngồi xổm hoặc đứng quá lâu. Thay đổi thói quen đi cầu tránh táo bón hoặc tiêu chảy nặng. 
  • Ngồi ngâm hậu môn trong nước ấm giúp giảm triệu chứng khó chịu. 

Dùng thuốc: Có thể dùng các thuốc bôi, thoa hoặc đặt hậu môn, các loại thuốc hỗ trợ tuần hoàn tĩnh mạch. 

Điều trị ngoại khoa: 

Can thiệp bằng thủ thuật với các trường hợp trĩ nội nhỏ, chưa gây biến chứng như: chích xơ búi trĩ, thắt bằng dây thun, quang đông hồng ngoại (đông máu hồng ngoại) … 

Phẫu thuật ngoại khoa khi trĩ nội từ độ 3 trở lên, trĩ ngoại tắc mạch hoặc trĩ hỗn hợp gây biến chứng chảy máu, sưng đau, viêm loét búi trĩ. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm: 

– Cắt trĩ từng búi  

– Phẫu thuật cắt trĩ kinh điển: 

  • Phương pháp cắt trĩ để hở vết thương: phương pháp Milligan – Morgan 
  • Phương pháp cắt trĩ khâu kín vết thương: phương pháp Ferguson 

– Cắt trĩ bằng phương pháp Longo 

– Phẫu thuật triệt mạch, khâu treo búi trĩ  

  1. Phòng ngừa bệnh trĩ: 

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ là giữ cho phân mềm, để chúng dễ dàng đi qua lỗ hậu môn. Để làm được như vậy, người bệnh nên: 

  • Tập thói quen đi cầu mỗi ngày, không nên nhịn khi có cảm giác mắc cầu 
  • Chế độ ăn giàu chất xơ, tránh các thức ăn kích thích niêm mạc ruột như bia rượu, đồ cay nóng quá mức 
  • Không nên ngồi lâu hoặc đứng lâu liên tục quá 2 giờ, thói quen ngồi xổm, rặn mạnh khi đi cầu 
  • Tập thể dục, đi bộ mỗi ngày để giảm cân và điều hòa nhu động ruột 

BỆNH TRĨ CÓ CẦN ĐIỀU TRỊ KHÔNG? 

Khi bệnh trĩ không gây triệu chứng thì không cần điều trị. Đối với bệnh trĩ có triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa.  

Bác sĩ thăm khám, xác định, phân loại búi trĩ và nguyên nhân của bệnh trĩ (người bệnh mắc trĩ bệnh lý hay trĩ triệu chứng) từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Đối với trĩ triệu chứng, là bệnh trĩ xuất hiện như một triệu chứng của bệnh lý khác, ví dụ: người bệnh bị xơ gan, người bệnh bị khối u chèn ép trong ổ bụng…, bác sĩ sẽ không điều trị trực tiếp bệnh trĩ vì đây không phải là bệnh chính. 

KHI NÀO NGƯỜI BỆNH CẦN ĐẾN BỆNH VIỆN CẮT TRĨ ?  

Ngay khi có dấu hiệu búi trĩ sa, gây đau, hoặc chảy máu thường xuyên khi đi đại tiện. Người bệnh nên đến bệnh viện để thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để kiểm tra và có phác đồ điều trị thích hợp. 

Nội soi đại trực tràng giúp bác sĩ xác định, phân loại búi trĩ 
 

Liên hệ tổng đài bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn 028 3990 2468 để được tư vấn và đặt hẹn thăm khám. 

BỆNH VIỆN HOÀN MỸ SÀI GÒN 

60-60A (Số mới 295) Phan Xích Long, P.1, Q.Phú Nhuận, TP.HCM 

Youtube: www.youtube.com/c/BVHoanMySaiGonOfficial  

Tik Tok: https://www.tiktok.com/@benhvienhoanmysaigon 

Đăng ký khám: https://dangkykham.hoanmysaigon.com/ 

_ BS.CKI. Bùi Quang Anh Chiêu, khoa Tiêu hóa _  

THAM KHẢO 

Câu lạc bộ sức khỏe Hoàn Mỹ: