Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Bệnh động mạch vành là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

21/08/2023

Bài viết sẽ chia sẻ thông tin về bệnh động mạch vành từ triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa.

Bệnh động mạch vành là gì?

Bệnh động mạch vành (coronary artery disease) là tình trạng một hay nhiều nhánh động mạch vành bị xơ vữa do các mảng bám tích tụ bên trong lòng mạch. Ban đầu, cholesterol và các chất khác tích tụ ở thành động mạch vành tạo thành mảng xơ vữa, cho đến khi mảng xơ vữa hẹp nặng có ý nghĩa, sẽ cản trở quá trình lưu thông máu. Hậu quả là, cơ tim bị thiếu oxy và máu nuôi. Cơ tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu nên suy yếu dần, dẫn đến rối loạn nhịp tim.

Bệnh động mạch vành là tình trạng động mạch có mảng bám, bị xơ vữa, ngăn lưu thông máu

Bệnh động mạch vành là tình trạng động mạch có mảng bám, bị xơ vữa, ngăn lưu thông máu

Bệnh động mạch vành kéo theo nhiều bệnh lý khác ở tim, trong đó biến chứng nguy hiểm nhất là gây tổn thương tim vĩnh viễn, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Do đó, mỗi người cần hiểu biết đầy đủ về bệnh, thăm khám định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị, tăng tỷ lệ sống.

Những biểu hiện của bệnh mạch vành

Dấu hiệu rõ ràng nhận biết sớm căn bệnh này chính là các cơn đau thắt ngực, đặc biệt khi gắng sức. Người bệnh có thể đau thoáng qua, khó thở hoặc cảm giác như ngực bị thắt nghẹt, dao đâm hay cảm giác bị đè nặng. Vùng đau nằm ở giữa ngực sau xương ức hoặc ngực trái có thể lan đến hàm, cổ, tay trái hoặc bụng trên. Các cơn đau xuất hiện ngắn, khoảng 10 – 30 giây hoặc một vài phút. Khi cơn đau kéo dài hơn 15 phút, có thể người bệnh có thể chuyển sang tình trạng cấp tính nguy hiểm là nhồi máu cơ tim.

Một số triệu chứng khác của bệnh động mạch vành:

  • Thường xuyên chóng mặt, hồi hộp, hụt hơi, khó thở.
  • Nặng ở ngực, đánh trống ngực.
  • Đau ran ngực âm ỉ.
  • Nhịp tim nhanh, cảm giác nén ép tim.
  • Hay bị đầy bụng, kèm theo buồn nôn hoặc nôn.
  • Vã mồ hôi.

Nguyên nhân gây động mạch vành

Các chuyên gia tim mạch trên thế giới đã xác định những yếu tố có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến bệnh động mạch vành. Có 2 nhóm yếu tố nguy cơ là:

1. Yếu tố nguy cơ KHÔNG thể thay đổi:

  • Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành, đặc biệt là sau 50 tuổi.
  • Giới tính: Tỷ lệ nam giới bị bệnh động mạch vành cao hơn so với nữ giới.
  • Yếu tố gia đình: Bệnh động mạch vành dễ xảy đến với những người có người thân ruột thịt như bố mẹ, anh chị, ông bà mắc bệnh tim mạch.
  • Bệnh lý: Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc phải như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu,…
Bệnh động mạch vành thường xảy ra ở nam giới và người lớn tuổi

Bệnh động mạch vành thường xảy ra ở nam giới và người lớn tuổi

2. Yếu tố nguy cơ CÓ THỂ thay đổi:

  • Lối sống: Những người thường xuyên ngồi một chỗ, lười vận động, ít di chuyển, không tập thể dục thể thao, v.v. dễ mắc bệnh tim mạch vành.
  • Chế độ ăn uống: Ăn nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ, nội tạng động vật, thịt đỏ khó tiêu hóa khiến cơ thể nạp nhiều cholesterol xấu, làm tăng mỡ máu, cao huyết áp, dễ dẫn đến bệnh động mạch vành.
  • Thuốc lá, rượu bia: Hút thuốc và uống rượu gây nhiều tác hại nguy hiểm, có thể gây thiếu máu cục bộ ở tim, khiến gia tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch.
  • Thừa cân: Tình trạng thừa cân, béo phì là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh tim mạch vành.

Phương pháp điều trị bệnh động mạch vành

Dựa vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và tình trạng sức khoẻ người bệnh, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp thực hiện nhằm mục đích tăng cường trao đổi máu cho tim, giúp giảm triệu chứng cho người bệnh.

1. Điều trị nội khoa:

Để điều trị các triệu chứng bệnh, giảm biến chứng, người bệnh cần uống thuốc theo đơn và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ. Trường hợp người bệnh từng xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim, hoặc có can thiệp động mạch vành, thì cần phải uống thuốc suốt đời. Một số loại thuốc đặc hiệu thường được kê đơn như:

  • Thuốc chống kết kết tập tiểu cầu aspirin, clopidogrel, prasugrel, ticagrelor.
  • Thuốc hạ mỡ máu nhóm statin như atorvastatin, rosuvastatin, simvastatin, pravastatin.
  • Thuốc chống đau thắt ngực như thuốc chẹn thụ thể beta (bisoporolol, metoprolol, nebivolol…) chẹn kênh canxi (amlodipin, diltiazem…), nitrate, nicorandil, ranolazine, trimetazidine, ivabradine…

2. Điều trị can thiệp:

  • Can thiệp động mạch vành qua da: Bằng cách nong đoạn động mạch vành bị hẹp, đặt stent trong lòng mạch vành để ép mảng xơ vữa, mở rộng lòng mạch bị hẹp. Nhờ đó, tái lưu thông máu, xử lý tình trạng tắc nghẽn động mạch do mảng xơ vữa, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Đặt stent động mạch vành điều giảm xơ vữa, tăng lưu thông máu

Đặt stent động mạch vành điều giảm xơ vữa, tăng lưu thông máu

  • Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Sử dụng đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch làm cầu nối, bắc qua đoạn mạch vành bị xơ vữa. Từ đó, thay đổi hướng đi nguồn cung cấp máu đến tim, không đi qua chỗ tắc hẹp giúp máu lưu thông đến tim qua cầu nối mới.

Sau khi can thiệp đặt stent hay mổ bắc cầu động mạch vành, người bệnh phải uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đồng thời, người bệnh cần thay đổi lối sống để ngăn tái phát bệnh, cần tuân thủ áp dụng chế độ ăn tốt cho tim mạch, ngừng hút thuốc, giảm cân nếu đang béo phì, hạn chế rượu bia, tập thể dục đều đặn.

Cách phòng ngừa bệnh động mạch vành

Để phòng ngừa hoặc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh động mạch vành, mọi người cần thực hiện các điều sau đây:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh
    • Ăn nhiều rau xanh, củ quả, các loại hạt, các loại đậu.
    • Hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật.
    • Ăn ít muối, ít đường, ít cay nóng.
    • Không hút thuốc hay uống rượu.
  • Lối sống khoa học
    • Thường xuyên tập luyện thể dục nhẹ nhàng: đi bộ, tập yoga, đạp xe, bơi,…
    • Không thức khuya, làm việc kết hợp nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng, lo âu.
  • Theo dõi và quản lý sức khoẻ
    • Người bệnh cần điều trị và kiểm soát một số bệnh lý liên quan như đái tháo đường, béo phì, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu.
    • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, chẩn đoán bệnh động mạch vành sớm và điều trị kịp thời nhằm ngăn các biến chứng nguy hiểm.

Khám và điều trị bệnh động mạch vành tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Bệnh động mạch vành rất nguy hiểm, có thể gây tử vong cho người mắc phải, đặc biệt là biến chứng nhồi máu cơ tim. Do đó, mỗi người cần thăm khám để phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, giúp việc điều trị dễ dàng hơn, kiểm soát bệnh trước khi diễn tiến nặng.

Thăm khám định kỳ để phát hiện kịp thời bệnh động mạch vành và điều trị hiệu quả

Thăm khám định kỳ để phát hiện kịp thời bệnh động mạch vành và điều trị hiệu quả

Khoa Tim mạch, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn hội tụ đội ngũ bác sĩ Tim mạch giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, là địa chỉ tin cậy để thực hiện tầm soát, sàng lọc các bệnh lý tim mạch. Các chuyên gia thăm khám kỹ lưỡng, chẩn đoán chuẩn xác, đúng bệnh và điều trị hiệu quả.

Đặc biệt, bệnh viện thiết kế gói khám tầm soát tim mạch với các phương pháp chẩn đoán hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế như: iêu âm tim Doppler, Điện tâm đồ, Holter ECG Bittium Faros,… Không chỉ bệnh động mạch vành mà các dấu hiệu bất thường và bệnh lý tim mạch khác cũng được kịp thời phát hiện.

Kết hợp phác đồ điều trị khoa học, các bác sĩ  tư vấn, hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc sức khỏe, thay đổi chế độ dinh dưỡng để có thể phòng ngừa bệnh cũng như làm chậm tiến triển của bệnh. Bảo vệ sức khỏe mọi người một cách toàn diện là tiêu chí của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Bệnh động mạch vành là tình trạng một hay nhiều nhánh động mạch vành bị xơ vữa do các mảng bám tích tụ bên trong lòng mạch. Về lâu dài, nó gây nguy hại cho sức khoẻ.

Hãy liên hệ bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn khi bạn có những vấn đề về tim mạch. Đặt hẹn thăm khám  TẠI ĐÂY: https://dangkykham.hoanmysaigon.com/

————-

Nhấn “Đăng ký” để theo dõi các video mới nhất về sức khỏe tại: https://www.youtube.com/c/BVHoanMySaiGonOfficial

Liên hệ với bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn:

Chat với chúng tôi: m.me/HoanMySaiGon

Đăng ký khám: https://dangkykham.hoanmysaigon.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/HoanMySaiGon/ Website: http://hoanmysaigon.com/