Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Bệnh đau đầu: Phân loại, nguyên nhân và điều trị

24/07/2024

Theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), có khoảng 50% người trưởng thành bị đau đầu ít nhất một lần mỗi năm. Trong đó, các cơn đau đầu nguyên phát chiếm tỷ lệ đa số. Phần lớn các cơn đau đầu không gây nguy hiểm tính mạng, nhưng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của chúng ta. Nếu tình trạng đau đầu kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh lý nghiêm trọng.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ cung cấp thông tin đầy đủ về bệnh đau đầu: phân loại, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả. Hãy cùng theo dõi.

Đau đầu là gì?

Đau đầu là tình trạng vùng đầu xuất hiện cơn đau, có khi lan sang vùng cổ và cả mặt (trán). Cơn đau đầu có thể xảy ra ở một vị trí nhất định, một hoặc hai bên đầu, có thể đau cả đầu. Bất kỳ đối tượng và độ tuổi nào cũng có khả năng gặp cơn đau đầu.

Tuỳ vào từng người và thời điểm mà cơn đau đầu có cường độ và tính chất khác nhau, có khi đau đầu âm ỉ, có khi đau dữ dội, đau châm chích hoặc đau nhói vùng đầu. Tình trạng đau đầu có thể đến đột ngột rồi tự khỏi hoặc có thể phát triển dần dần, kéo dài vài phút tới vài ngày.

Cơn đau đầu có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng nào ở đầu

Cơn đau đầu có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng nào ở đầu

Có nhiều kiểu đau đầu, phân loại thành 2 nhóm chính:

  • Đau đầu nguyên phát: Là tình trạng đau đầu xảy ra vì các cấu trúc ở vùng đầu phải hoạt động quá mức hoặc bị rối loạn chức năng. Đau đầu nguyên phát không liên quan đến những bệnh lý tiềm ẩn, không do tổn thương não bộ. Các dạng thường gặp là đau nửa đầu Migraine, đau đầu từng cụm, đau đầu căng cơ…
  • Đau đầu thứ phát: Cơn đau đầu bắt nguồn từ tình trạng cấu trúc vùng đầu bị tổn thương hoặc nhiễm trùng, có thể do một hoặc nhiều bệnh lý nào đó. Những bệnh thần kinh và chấn thương vùng đầu, cổ cũng gây nên cơn đau đầu thứ phát.

Nguyên nhân gây đau đầu

1. Đau đầu nguyên phát

Đau đầu nguyên phát chiếm tỷ lệ 90% các trường hợp đau đầu. Nguyên nhân chính gây đau đầu nguyên phát là do có vấn đề bất thường xảy ra đối với những hoạt động hoá học trong não, hệ thống mạch máu và các dây thần kinh.

Một số trường hợp cơn đau đầu nguyên phát bị kích hoạt do yếu tố sau:

  • Uống quá nhiều bia, rượu, đồ uống có cồn hoặc chứa caffein.
  • Gặp nhiều áp lực, căng thẳng, stress, trầm cảm và lo âu.
  • Đứng, ngồi, nằm sai tư thế khiến dây thần kinh bị chèn ép ở cổ, lưng, mắt, đầu.
  • Ánh sáng quá chói, tiếng ồn lớn, mùi bất thường, hoặc thời tiết thay đổi.
  • Thường xuyên thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Hoạt động quá sức, kể cả là vận động chân tay hay hoạt động trí óc.
  • Những trường hợp đau nửa đầu còn khởi phát do yếu tố di truyền.
  • Một số loại thuốc như thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone…

2. Đau đầu thứ phát

Nguyên nhân gây đau đầu thứ phát là bởi một bệnh lý cụ thể, bao gồm:

  • Bệnh thần kinh như mất ngủ, chấn thương sọ não, u não, não úng thuỷ, viêm màng não, phình động mạch não, tăng áp lực nội sọ, đột quỵ não…
  • Bệnh chuyên khoa nội tiết – tim mạch và tiêu hoá, đặc biệt là thiếu máu, suy giáp, cao huyết áp,…
  • Bệnh chuyên khoa khác như tai – mũi – họng, nha khoa, nhãn khoa, cơ xương khớp,…
  • Bệnh do các tác nhân như nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc,…

Triệu chứng đau đầu nguyên phát

Tuỳ thuộc vào loại đau đầu mà sẽ có những biểu hiện khác nhau. Triệu chứng một số loại đau đầu nguyên phát phổ biến hiện nay:

1. Triệu chứng đau đầu căng cơ (hay đau đầu do căng thẳng)

  • Cơn đau đầu thường xuyên và âm ỉ.
  • Đau nhức đầu từ nhẹ tới vừa, khi đạt ngưỡng tối đa có cảm giác như đầu bị siết chặt, bó kẹp hay đè nặng.
  • Cơn đau có thể xảy ra ở 2 bên đầu, hoặc xuất phát từ sau đầu và lan rộng tới phía trước.
  • Đau đầu nguyên phát do căng thẳng còn khiến cơ ở cổ, vai, hàm căng cứng và đau.

2. Triệu chứng đau nửa đầu (Migraine)

Các triệu chứng thường thấy của đau nửa đầu

  • Cơn đau xuất hiện một bên đầu, đau từ vừa tới nặng, đau dồn dập.
  • Cơn đau nửa đầu kéo dài vài giờ hoặc vài ngày, thường xuyên lặp lại.
  • Kèm các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn ói, cứng cổ, rối loạn thị giác, mất thị lực, kiệt sức, yếu liệt một bên mặt hoặc nửa người.
  • Người bệnh có thể nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn, và mùi.

3. Triệu chứng đau đầu nguyên phát từng cụm

  • Cơn đau dữ dội, nhức nhối kéo dài trong 15 phút đến 3 tiếng.
  • Khởi phát từ bên trong, phía sau hoặc ở quanh một mắt, có thể lan sang vùng khác.
  • Kèm triệu chứng sưng đỏ vùng đau, chảy nước mắt, đổ mồ hôi, sưng mắt, sụp mí, nghẹt mũi, chảy nước mũi bên phần đầu bị đau.
  • Có trường hợp xuất hiện triệu chứng tương tự đau nửa đầu như tê bì một bên mặt, nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh…

4. Triệu chứng đau đầu não tự trị sinh ba

Đau đầu não tự trị sinh ba (hay bệnh Cephalalgias) tập họp các chứng đau đầu nguyên phát, đau dữ dội ở một bên đầu nơi có dây thần kinh tự trị sinh ba. Cơn đau đầu có thể xuất hiện các triệu chứng kèm theo như: đỏ mắt, chảy nước mắt và nước mũi, sụp mí mắt, xung huyết kết mạc, … Mỗi loại đau đầu não tự trị sinh ba khác nhau sẽ có tần suất, thời điểm, cường độ đau khác nhau.

Đau đầu nguyên phát có nguy hiểm không?

Nguyên nhân gây đau đầu nguyên phát không phải từ bệnh lý, nên tình trạng này ít nguy hiểm, không đe dọa đến tính mạng. Các cơn đau sẽ kết thúc trong thời gian ngắn nếu chăm sóc, điều trị đúng cách và nghỉ ngơi hợp lý.

Thế nhưng, nếu không có biện pháp hỗ trợ cải thiện, cơn đau đầu nguyên phát kéo dài sẽ gây suy giảm chất lượng sống, ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Người bị đau đầu dễ dẫn đến mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, kiệt sức,…

Mặt khác, nhiều trường hợp cơn đau đầu nguyên phát khó phân biệt với đau đầu thứ phát do bệnh lý. Vì thế, người bệnh cần thăm khám ở cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán sớm và có hướng điều trị phù hợp.

Cách điều trị đau đầu nguyên phát

Phụ thuộc vào loại đau đầu nguyên phát và yếu tố kích hoạt cơn đau mà có phương pháp chữa bệnh khác nhau. Một số cách điều trị đau đầu nguyên phát như sau:

1. Sử dụng thuốc điều trị

Hầu hết các chứng đau đầu nguyên phát có thể giảm nhẹ khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chỉ cần cơ thể đáp ứng được thuốc. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc không theo toa có khả năng khiến người bệnh mắc đau đầu mạn tính. Do đó, người bệnh cần điều trị đau đầu nguyên phát theo chỉ dẫn của bác sĩ. Một số thuốc thường được kê đơn như: Sumatriptan, thuốc chẹn beta (Propranolol, Atenolol), Amitriptyline, Methysergide maleate, Dihydroergotamine, Verapamil,… Hãy uống thuốc đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

2. Phương pháp điều trị thay thế

  • Phản hồi sinh học (Biofeedback): Là kỹ thuật kiểm soát chức năng của cơ thể, giảm đau đầu không xâm lấn và không cần thuốc điều trị.
  • Châm cứu: Liệu pháp châm cứu có thể giảm căng thẳng, giảm đau đầu nguyên phát. Tuy nhiên, cần thực hiện châm cứu bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm tại bệnh viện Y học cổ truyền uy tín.
  • Trị liệu tâm lý: Sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức để kiểm soát căng thẳng, giải toả tâm trạng, giảm chứng đau đầu nguyên phát và các vấn đề về tâm thần.
  • Thiền định: Ngồi thiền giúp người bệnh tĩnh tâm, giải tỏa căng thẳng, hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ, nhờ đó kiểm soát cơn đau đầu nguyên phát hiệu quả.
  • Liệu pháp nhiệt/lạnh: Để giảm nhẹ cơn đau đầu nguyên phát, có thể chườm ấm hoặc chườm lạnh vùng đầu bị đau từ 5 – 10 phút khoảng 5 lần/ngày. Cần kiểm tra nhiệt độ túi chườm thích hợp để tránh bỏng nóng hoặc bỏng lạnh.

Cách phòng ngừa, hạn chế đau đầu nguyên phát

Các cách phòng ngừa đau đầu nguyên phát như sau:

  • Có lối sống lành mạnh: Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tình trạng căng thẳng, tránh khu vực có ánh sáng chói, tiếng ồn lớn và mùi bất thường. Hạn chế hút thuốc lá và rượu bia,…
  • Chế độ dinh dưỡng khoa học: Ăn uống đúng giờ và đủ bữa, đủ chất dinh dưỡng. Bổ sung thực phẩm điều hoà máu não như bạch quả hay việt quất,… Ngoài ra, tránh thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa.
  • Uống đủ nước: Cần uống đủ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày để tránh hiện tượng mất nước tạo điều kiện kích hoạt những cơn đau đầu nguyên phát.
  • Rèn luyện thể chất: Tập thể dục đều đặn, vận động nhẹ nhàng để nâng cao sức đề kháng, giảm các triệu chứng đau đầu.
Chườm lạnh để giảm cơn đau đầu nguyên phát

Chườm lạnh để giảm cơn đau đầu nguyên phát

Điều trị đau đầu tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Để tránh tình trạng cơn đau đầu nguyên phát tiến triển thành mạn tính, hoặc trường hợp mắc đau đầu thứ phát do bệnh lý, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh giàu kinh nghiệm, cung cấp các gói dịch vụ khám chữa bệnh thần kinh hiệu quả. Đây là cơ sở uy tín đã điều trị thành công rất nhiều trường hợp mắc đau đầu nguyên phát và thứ phát, hoặc các bệnh lý não – thần kinh khác. Nhờ phác đồ điều trị khoa học và tiên tiến, người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sở hữu hệ thống máy móc hiện đại hàng đầu như máy điện não vi tính EEG-1200K, máy chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla và các thiết bị xét nghiệm tiên tiến nhất, sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thần kinh. Người bệnh sẽ được chăm sóc tận tình, chu đáo trong không gian thoải mái và chuyên nghiệp.

Bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh tư vấn cho người bệnh

Bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh tư vấn cho người bệnh

Hãy đăng ký thăm khám và điều trị đau đầu ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.