Rau nhút là loại rau mọc dưới nước. Rau có tác dụng giải nhiệt và thường được sử dụng vào mùa hè. Mặc dù chúng có nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu sử dụng không đúng cách. Trong bài viết này, Hoàn Mỹ sẽ cùng bạn tìm hiểu về những công dụng và tác hại của loại rau này để sử dụng hiệu quả.
Rau nhút là rau gì? Đặc điểm của rau nhút
Rau nhút còn được biết đến với cái tên khác là rau rút. Loại rau này có tên tiếng Anh là Water Mimosa. Rau được trồng hoặc mọc tự nhiên ở ao hồ, có rễ nằm sâu dưới nước và rau mọc bò trên mặt nước. Đây là loại rau thân thảo xốp, thân cây có chứa những mô khí màu trắng bên trong. Nhờ đó, rau có thể nổi lên trên mặt nước.
Ở môi trường cạn, rau chỉ phát triển được 15cm nhưng khi ở dưới nước, rau có thể phát triển từ 90cm – 150cm. Thân rau là những chiếc lá kép nhỏ hình lông chim, lá có độ nhạy cảm như lá cây trinh nữ. Rau có hoa nhỏ và mọc thành từng cụm, màu vàng ánh lục. Hình dáng quả dẹt với chiều dài khoảng từ 2.5cm – 5cm.
Loại rau này có mùi thơm rất đặc trưng và được dùng làm nguyên liệu cho các món ăn. Một số món ăn dân dã từ loại rau này mà bạn có thể tham khảo là canh chua, canh cá, canh sườn, cảnh nghêu, canh khoai sọ…
Tác dụng của rau nhút đối với sức khỏe
Không chỉ là loại rau ăn được, rau nhút còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong Đông y, rau này có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng giải nhiệt, mát gan, an thần. Đặc biệt, loại rau này có thể dùng như một loại thuốc để chữa một số căn bệnh như sau:
- Điều trị chứng đầy hơi, táo bón, khó tiêu, cải thiện hệ tiêu hóa
- Khắc phục bệnh bướu cổ
- Cải thiện chứng mất ngủ
- Hạ sốt, giải nhiệt, trị nóng trong, giải độc, hỗ trợ điều trị mụn
- Tăng cường huyết mạch
- Lợi tiểu, nhuận tràng, tiêu viêm.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ rau nhút
Từ những công dụng nói trên, rau nhút được sử dụng như một loại thảo dược chữa nhiều căn bệnh. Sau đây là một số bài thuốc từ loại rau này mà bạn có thể tham khảo để áp dụng khi cần. Các bài thuốc dưới đây đều chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu muốn sử dụng tại nhà, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ hoặc người có chuyên môn để an toàn hơn.
Bài thuốc trị bướu cổ
Dưới đây là bài thuốc trị bướu cổ theo y học dân gian được nhiều người sử dụng.
Nguyên liệu
- 300g rau nhút
- 200g cá rô
- Gia vị vừa đủ.
Cách thực hiện
- Cá đánh vảy, rửa sạch, cắt lấy phần nạc
- Ướp gia vị vừa ăn cho cá
- Xương cá giã nhỏ với nước rồi lọc bỏ xương, thêm nước lọc vào nước xương cá để đủ khoảng 500ml
- Rau rửa sạch rồi cắt thành từng đoạn ngắn
- Đun sôi nước xương cá rồi thả rau và cá nạc vào rồi tiếp tục đun sôi, khuấy đều
- Tắt bếp và múc canh rau ra, ăn kèm với cơm.
Để trị bướu cổ, người bệnh nên ăn canh này trong 5 ngày liên tục, mỗi ngày 1 lần. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể dùng 30g rau nhút, 20g cải trời, 15g mạch môn, 15g sinh địa, 8g sài hồ, 8g kinh giới, 8g xạ can, thêm 800ml nước rồi sắc còn 250ml. Uống nước liên tục trong 10 ngày, mỗi ngày 2 lần.
Bài thuốc chữa mụn nhọt, chảy máu cam do nóng trong người
Bài thuốc dưới đây thích hợp cho ai cần chữa mụn nhọt hoặc chảy máu cam. Đây là những triệu chứng quen thuộc khi bị nóng trong người.
Nguyên liệu
- 300g rau nhút
- Nước lọc.
Cách thực hiện
- Rau rửa sạch, để ráo nước
- Cho rau vào nồi sắc với 800ml nước
- Lấy nước sắc uống hằng ngày thay trà.
Để phát huy hiệu quả, người bị nóng trong người nên kết hợp ăn các món ăn được chế biến từ rau nhút. Đồng thời, người bệnh cũng không nên ăn nhiều những thức ăn cay nóng hay sử dụng chất kích thích.
Bài thuốc chữa táo bón, tiểu tiện vàng đỏ
Táo bón hoặc tiểu tiện vàng đỏ cũng có thể dùng bài thuốc từ rau nhút để cải thiện bệnh.
Nguyên liệu
- Rau nhút khô
- Nước lọc.
Cách thực hiện
- Sắc nhỏ 400ml rau nhút khô đến lúc chỉ còn khoảng 200ml nước
- Lấy nước uống trong ngày.
Bên cạnh bài thuốc này, người bệnh cũng nên kết hợp ăn rau rút sống trong bữa ăn để bệnh nhanh chóng thuyên giảm.
Bài thuốc chữa mất ngủ
Chữa trị chứng mất ngủ bằng rau nhút cũng là một cách hiệu quả mà bạn có thể áp dụng.
Nguyên liệu
- 300g rau nhút
- 25g khoai sọ
- 10g lá sen.
Cách thực hiện
- Rửa sạch các nguyên liệu trên rồi để ráo nước
- Ninh nhừ các nguyên liệu với nước rồi thêm gia vị vừa ăn
- Múc canh ra bát và ăn cả nước và bã.
Với bài thuốc này, người bệnh nên ăn 3 – 5 lần/tuần vào buổi tối trước khi đi ngủ 30 phút và nên ăn khi canh còn ấm.
Một số lưu ý khi sử dụng rau nhút
Về cơ bản, rau nhút là loại rau lành tính, không gây bất kỳ dấu hiệu Dị ứng nào. Tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn cao nhất, người muốn ăn loại rau này cần lưu ý:
- Đây là loại rau có tính hàn nên những người thể hàn, bụng yếu, dễ tiêu chảy và trẻ em không nên ăn.
- Phụ nữ mang thai cũng nên hạn chế ăn, nhất là rau sống bởi rau nhút mọc dưới nước nên rất dễ nhiễm giun sán cùng các mầm bệnh nguy hiểm, không tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
- Loại rau này có đặc tính hút các kim loại nặng trong môi trường sống như đồng, chì, kẽm. Vì thế, ăn quá nhiều rau dễ khiến cơ thể bị tích tụ kim loại nặng.
- Không nên ăn rau được trồng ở những khu vực bị ô nhiễm nguồn nước.
Có thể thấy, rau nhút không chỉ là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình mà còn là loại rau mang đến nhiều công dụng cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết này có thể giúp bạn có thêm kiến thức để sử dụng rau đúng cách, phát huy tối đa tác dụng mà loại rau này mang lại. Để cập nhật thêm nhiều kiến thức mới nhất về y học thường thức, bạn có thể truy cập vào Tin tức y tế hoặc liên hệ HOTLINE để được tư vấn trực tiếp. Bạn cũng có thể đặt lịch thăm khám tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc ngay TẠI ĐÂY.
Câu hỏi liên quan:
Mẹ bầu 3 tháng đầu có thể ăn rau rút nhưng chỉ nên ăn với lượng rau vừa phải. Đồng thời, mẹ bầu nên ăn những món đã được nấu chín. Bạn không nên ăn rau sống cũng như rau cần phải được rửa sạch, đảm bảo vệ sinh trước khi chế biến.
Rau nhút là thực phẩm giàu nước và chất xơ, nhất là chất xơ không hòa tan. Vì thế, ăn rau này sẽ giúp bạn có cảm giác no nhanh và no lâu hơn, giảm cơn thèm ăn, hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.