Tin tức y tế

Phương pháp mổ cắt bè củng mạc

02/08/2023

Glocom hay mọi người vẫn thường gọi là thiên đầu thống, là một bệnh lý của đầu dây thần kinh thị giác, tiến triển mạn tính.  

Trên lâm sàng, bệnh lý này đặc trưng bởi tổn thương dây thần kinh thị giác tiến triển và thường liên quan đến một tình trạng nhãn áp cao hay áp lực trong mắt cao, có thể dẫn tới mất thị lực không thể phục hồi. 

Cắt bè củng giác mạc là gì?

Hình mô tả cách cắt bè củng giác mạc (Nguồn: Internet)

Cắt bè củng giác mạc là phẫu thuật xâm lấn nhằm tạo một “con kênh nhỏ” từ phía góc tiền phòng vào bên trong khoang dưới kết mạc. Từ đó lấy đi phần thuỷ dịch dư thừa trong mắt, giúp hạ nhãn áp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh Glocom.

Phương pháp cắt bè củng giác mạc chỉ có tác dụng bảo vệ phần thị lực còn lại của mắt chứ không thể khôi phục phần thần kinh đã bị tổn thương từ trước đó.

Chỉ định phẫu thuật

Phương pháp mổ cắt bè thường được chỉ định với những trường hợp:

  • Người bệnh Glocom góc mở ở giai đoạn nặng, dùng thuốc hạ nhãn áp không hiệu quả hoặc có chống chỉ định với thuốc hạ nhãn áp.
  • Glocom góc đóng trên 180 độ.
  • Người bệnh điều trị laser mống mắt chu biên nhưng thất bại.

Chống chỉ định phẫu thuật

  • Đang có nhiễm trùng tại mắt. 
  • Điều kiện toàn thân không cho phép. 

Quy trình cắt bè củng giác mạc tại Bệnh viện Quốc tế Vinh

Bước 1: Thăm khám lâm sàng

  • Người bệnh được khám dưới đèn khe sinh hiển vi, các dấu hiệu có thể có là: Rìa kết mạc bị cương tụ, phù đục ở giác mạc, kiểm tra đồng tử thấy bị biến dạng, méo, lệch, dính, giãn.
  • Soi góc tiền phòng: Xác định nguyên nhân góc đóng hay góc mở.
  • Soi đáy mắt: Đáy mắt có gai thị tổn thương lõm đĩa điển hình, xuất huyết cạnh gai.
  • Đo thị trường sơ bộ.

Bước 2: Xét nghiệm trước mổ

Trước khi tiến hành thủ thuật, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác định tình trạng sức khoẻ có đáp ứng đủ yêu cầu để tiến hành phẫu thuật không:

  • Khám toàn thân: Kiểm tra tim, phổi, huyết áp cơ thể, kiểm tra tai mũi họng.
  • Xét nghiệm máu bao gồm: Công thức máu, đường huyết, đông máu, nhóm máu…
  • Siêu âm tim, phổi: Điện đồ tim, chụp X-quang tim phổi. 

Bước 3: Tư vấn trước phẫu thuật

Người bệnh được tư vấn trước phẫu thuật cùng chuyên gia tại Bệnh viện Quốc tế Vinh (Nguồn: Internet)

Người bệnh được tư vấn kỹ lưỡng về thực trạng bệnh lý, ưu điểm cùng những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình tiến hành phẫu thuật. Người bệnh đồng thời sẽ được tra thuốc nhỏ mắt betadin 5%, kháng sinh và uống thuốc hạ nhãn áp trước phẫu thuật từ 1 – 2 giờ và đánh dấu mắt phẫu thuật.

Bước 4: Chuẩn bị mổ cắt bè

Cắt bè củng giác mạc sẽ được thực hiện bởi Bác sĩ chuyên khoa Mắt với một số dụng cụ cơ bản cần chuẩn bị cho quá trình phẫu thuật như:

  • Bộ dụng cụ vi phẫu chuyên dụng.
  • Hệ thống kính hiển vi phẫu thuật ở mắt.
  • Các loại thuốc cơ bản: Thuốc sát trùng, thuốc gây tê, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt sau phẫu thuật,…

Bước 5: Tiến hành phẫu thuật

Bác sĩ Nhãn khoa trước khi thực hiện ca mổ sẽ kiểm tra hồ sơ bệnh án, kiểm tra đúng người bệnh, đúng chỉ định phương pháp mổ cắt bè và đúng mắt cần tiến hành phẫu thuật. Mọi thứ sẵn sàng sẽ bắt đầu thực hiện kỹ thuật.

Bước 6: Theo dõi sau phẫu thuật

Người bệnh sẽ được kê đơn thuốc điều trị với sự kết hợp của các loại thuốc khác nhau theo chỉ định của Bác sĩ. Đồng thời tái khám định kỳ theo lịch hẹn khoảng 3 – 6 tháng/lần.

Bước 7: Khắc phục các biến chứng (nếu có)

Phẫu thuật này gây xâm lấn, khó tránh khỏi biến chứng nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được (Nguồn: Internet)

Đây là một phẫu thuật xâm lấn ở mắt nên có thể để lại một số biến chứng ở mắt ngay sau phẫu thuật hoặc sau mổ một thời gian như: Xơ hóa dưới kết mạc, tách thể mi, bong võng mạc, đục thể thủy tinh, tắc miệng trong lỗ rò do mống mắt hay do máu, nhãn áp thấp. Tùy từng biến chứng, Bác sĩ sẽ có biện pháp khắc phục phù hợp, bảo vệ thị lực cho người bệnh.

Glocom là bệnh gây mù lòa số 2 sau bệnh đục thủy tinh thể, nhưng đục thủy tinh thể có thể chữa được hoàn toàn còn trong glocom khi thần kinh đã tổn thương thì không thể hồi phục lại như trước. Phương pháp phẫu thuật trong điều trị glocom đều chỉ nhằm bảo vệ chức năng thị giác còn lại chứ không thể dứt điểm bệnh lý. Vì vậy, người bệnh cần tái khám mắt định kỳ thường xuyên để đánh giá chức năng thị giác.

Bác sĩ Nguyễn Anh Đức – Khoa Liên chuyên khoa 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.