Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em trong thời điểm giao mùa. Bệnh rất dễ mắc phải, khả năng lây lan cao và có nguy cơ phát triển thành dịch trên diện rộng. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu cách phòng bệnh đau mắt đỏ như thế nào để giúp bạn bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
Xem thêm: Cách điều trị đau mắt đỏ nhanh khỏi nhất
Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ là cách gọi quen thuộc của bệnh viêm kết mạc là tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, vi rút Adenovirus hoặc Dị ứng gây ra. Bệnh khởi phát đột ngột, có thể xảy ra đau mắt đỏ ở 1 bên mắt hoặc lan sang cả 2 mắt. Bệnh đau mắt đỏ thường xảy ra từ tháng 7 – 9, là thời điểm giao mùa, độ ẩm không khí cao và có mưa nhiều.
Đường lây bệnh đau mắt đỏ như thế nào?
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan qua nhiều đường khác nhau, cụ thể:
- Dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, gối, kính đeo mắt,…
- Tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân qua đường hô hấp, nước bọt, nước mắt như ôm, hôn, bắt tay.
- Đưa tay dụi mắt và sau đó dùng chung vật dụng với người khác trong gia đình hoặc khi trẻ đi học ở trường mẫu giáo.
- Tiếp xúc, cầm, nắm vào những bề mặt nhiễm khuẩn cao như tay nắm cầu thang, nút bấm thang máy, tay nắm cửa, điện thoại,…
- Lây lan qua môi trường nước như hồ bơi, ao hồ, sông suối.
- Nơi công cộng như bệnh viện, lớp học, nơi làm việc, xe buýt, tàu hỏa, máy bay,… là những nơi có mật độ người đông dễ lây bệnh ở cự ly gần.
- Ngoài ra, môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước bị ô nhiễm,… cũng là điều kiện để bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.
Cách phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em và người lớn như thế nào?
Vi trùng gây bệnh có khả năng tồn tại trong môi trường thông thường trong vài ngày và người mắc bệnh có thể tiếp tục trở thành nguồn lây nhiễm sau khi họ đã khỏi bệnh trong vòng một tuần. Do đó, biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là thực hiện các biện pháp vệ sinh và cách ly khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ cụ thể như sau:
Cách phòng tránh khi không bùng phát bệnh
- Duy trì vệ sinh cá nhân bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
- Sử dụng riêng các vật dụng như khăn mặt, gối, và chậu rửa mặt.
- Giặt sạch các vật dụng cá nhân như khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, sau đó phơi khô dưới nắng hàng ngày.
- Tránh đưa tay lên dụi mắt, sờ mũi và miệng.
Phòng bệnh khi có dịch đau mắt đỏ
Ngoài việc thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân đã nêu trên, cần tuân theo các biện pháp sau:
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ít nhất 3 lần mỗi ngày vào các buổi sáng, trưa, và tối.
- Không sử dụng chung các loại thuốc nhỏ mắt và không chia sẻ đồ dùng cá nhân với người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị đỏ mắt.
- Hạn chế tham gia vào những nơi đông người, đặc biệt là trong các bệnh viện và cơ sở y tế.
- Tránh sử dụng nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm và hạn chế hoạt động bơi lội.
- Bổ sung vitamin tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
>>> Tìm hiểu thêm: Bị đau mắt đỏ kiêng ăn gì để nhanh khỏi nhất?
Cách xử lý khi có người bệnh hoặc nghi bị đau mắt đỏ
- Lau rửa mắt thường xuyên, ít nhất 2 lần mỗi ngày, bằng khăn giấy ẩm hoặc bông mềm. Sau khi sử dụng, hãy vứt bỏ khăn một lần và không tái sử dụng chúng.
- Hạn chế tiếp xúc với khói bụi và đeo kính mát để bảo vệ mắt (nếu cần).
- Trẻ em bị đau mắt đỏ nên nghỉ học, không nên đưa trẻ đến trường hoặc các nơi đông người trong thời gian ảnh hưởng của bệnh.
- Trong trường hợp trẻ em bị đau mắt 1 bên, bố mẹ và người thân cần chăm sóc trẻ cẩn thận để tránh việc nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cha mẹ nên giúp trẻ nằm nghiêng về một bên, nhẹ nhàng lau sạch ghèn bằng gạc y tế, sau đó lau nước mắt chảy ra (Thực hiện tương tự đối với người lớn).
- Tránh ôm và sờ vào trẻ em khi đang mắc bệnh, đặc biệt là khi họ đang ngủ. Hãy đảm bảo trẻ có nơi riêng để nghỉ ngơi.
- Trước và sau khi vệ sinh mắt hoặc nhỏ mắt cho trẻ em, hãy rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và nghỉ ngơi đầy đủ, tuân thủ quy trình cách ly, và chỉ sử dụng thuốc theo đơn từ bác sĩ. Không nên tự mua thuốc nhỏ mắt và không nên sử dụng thuốc nhỏ mắt của người khác.
- Tránh đắp các loại lá hoặc vật liệu không rõ nguồn gốc vào mắt như lá trầu, lá dâu và các chất khác.
- Khi có bất kỳ dấu hiệu nào của đau mắt đỏ, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị theo hướng dẫn của các chuyên gia y tế.
Những câu hỏi thường gặp về cách phòng bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ ủ bệnh bao lâu?
Thông thường, bệnh đau mắt đỏ ủ bệnh trong thời gian 1 tuần. Tùy thuộc vào nguyên nhân sinh ra bệnh và mức độ bệnh mà quá trình lành bệnh kéo dài từ 7 ngày đến 14 ngày.
Nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không?
Bác sĩ chuyên khoa Mắt khẳng định không bị lây khi nhìn vào mắt bệnh nhân đau mắt đỏ. Bệnh chỉ lây lan thông qua đường tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (ôm, hôn, nắm tay,…) hoặc dùng chung vật dụng với người bệnh.
Trên đây là các thông tin về cách phòng bệnh đau mắt đỏ như thế nào cũng như những lời khuyên hữu ích khác dành cho người bệnh. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học thường thức, hãy truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.