Phẫu thuật thành công thay toàn bộ khớp gối cho người bệnh bị thoái hoá khớp gối nặng
22/10/2023Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa phẫu thuật thành công thay toàn bộ khớp gối cho người bệnh bị thoái hóa khớp gối nặng.
Cụ thể, người bệnh T.T.H (sinh năm 1948, ngụ phường Long Bình, TP Biên Hòa) nhập viện trong tình trạng đi lại chậm chạp, khó khăn, đau biến dạng khớp gối phải. Qua khai thác bệnh sử thì được biết tình trạng này của người bệnh đã kéo dài hơn 10 năm.
Ngày 07/02, người bệnh đến khám tại Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình – phục hồi chức năng của Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai. Sau khi thăm khám và chụp X-quang khớp gối phải, các bác sĩ đã hội chẩn và chẩn đoán người bệnh bị thoái hóa khớp gối nặng với biểu hiện đau, biến dạng khớp gối nhiều, giảm khả năng đi lại. Hình ảnh X-quang khớp gối với hẹp khe khớp, gai xương, tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn. Do đó, người bệnh được chỉ định nhập viện để phẫu thuật thay khớp gối.
Sau 2 giờ, đội ngũ thực hiện phẫu thuật đã thành công thay toàn bộ khớp gối phải cho người bệnh. Ngày thứ 2 sau phẫu thuật, người bệnh đã có thể tập vận động khớp gối và đi lại được.
BS.CKI. Vũ Xuân Hoàng Trí thăm khám và kiểm tra cho người bệnh sau phẫu thuật thay khớp gối
BS.CKI. Vũ Xuân Hoàng Trí – Phó khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình – phục hồi chức năng – cho biết: “Theo WHO, thoái hóa khớp gối chiếm khoảng 20% dân số. Tỷ lệ thoái hóa khớp tại Việt Nam ngày càng trẻ hóa. Trong đó khoảng 30% người trên 35 tuổi, khoảng 50% ở người trên 65 tuổi và 85% người trên 85 tuổi. Sau 45 tuổi tỷ lệ nữ mắc bệnh cao gấp 1,5-2 lần nam giới. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách thì sẽ dẫn đến tình trạng teo cơ, cứng khớp, đau, biến dạng khớp dẫn đến việc đi lại hàng ngày khó khăn, làm giảm chất lượng cuộc sống”.
Cũng theo BS. Trí, phương pháp phẫu thuật thay khớp gối mà bệnh viện hiện đang áp dụng đó là phương pháp gióng trục động học. Ưu điểm của phương pháp này là sau phẫu thuật, người bệnh giảm đau, chức năng, biên độ vận động, cảm giác của khớp gối tốt hơn, có thể tập vận động sớm và thời gian nằm viện ngắn hơn.
Cuối cùng, lời khuyên của BS.CKI. Vũ Xuân Hoàng Trí dành cho độc giả về bệnh lý thoái hóa thay khớp gối.
- Người bệnh cần có chế độ sinh hoạt, tập luyện thể dục thể thao hợp lý, vận động khoảng 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày/tuần.
- Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, sử dụng thực phẩm bổ sung canxi và khoáng chất. Tốt nhất là người bệnh nên ăn những thực phẩm có chứa acid béo Omega-3. Ví dụ như cá (nhất là cá béo), rau lá xanh, bắp cải, cải xoăn, cải bó xôi, cải xanh, súp lơ, đậu hà lan, sữa, nước ép, sữa đậu nành, ngũ cốc, yến mạch, bơ đậu phộng.
- Người bệnh tránh ăn nhiều chất béo, sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích để hạn chế ảnh hưởng đến hệ xương khớp.
- Người bệnh nên có chế độ giảm cân, chống béo phì.
- Đặc biệt, khi có những dấu hiệu bất thường về khớp gối, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp.