Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức

Phẫu thuật cấp cứu thành công ca gãy trên lồi cầu xương cánh tay ở trẻ 6 tuổi | Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức

31/07/2023

Trẻ em luôn hiếu động và tò mò khám phá thế giới xung quanh. Tuy nhiên, những hoạt động thường ngày của bé cũng tiềm ẩn nguy cơ chấn thương không mong muốn. Một trong những chấn thương thường gặp là gãy xương, đặc biệt là gãy trên lồi cầu xương cánh tay.

BS.CK1. Nguyễn Đức Thọ và ThS.BSNT Nguyễn Văn Quốc Tuấn đang tham gia phẫu thuật cho bệnh nhi

Vừa qua Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 6 tuổi đến cấp cứu trong tình trạng vùng khuỷu tay biến dạng và sưng, đau.

Theo thông tin từ người nhà cung cấp, em P.T khi đang chơi trượt patin thì té ngã, bé chống tay xuống đất trong tư thế duỗi nên đã bị chấn thương. Ngay lập tức em được người thân đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức.

Sau khi được thăm khám và chụp X quang, em T. được chẩn đoán gãy trên lồi cầu xương cánh tay phải Gartland III và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Sau hơn 60 phút, ca phẫu thuật đã thành công. Đội bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp đã nắn chỉnh và cố định thành công vùng xương gãy, giúp cánh tay của em T. trở lại tình trạng bình thường.

Chỉ sau 01 ngày sau phẫu thuật, em T. đã có sự cải thiện đáng kể và có thể xuất viện.

Hình ảnh X quang tình trạng cánh tay em T. trước và sau phẫu thuật

Khi tái khám sau 7 ngày, bác sĩ Tuấn cho biết: “Dựa vào kết quả lâm sàng, có thể thấy em T. đang phục hồi rất tốt, hiện tại bé đã có thể vận động nhẹ nhàng. Gia đình tiếp tục chăm sóc bé tại nhà kết hợp tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ, bé có thể phục hồi nhanh và trở lại sinh hoạt bình thường sớm.”

ThS.BSNT Nguyễn Văn Quốc Tuấn cùng em T. đến tái khám sau 7 ngày phẫu thuật

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là gì?

Là loại gãy thuộc đầu dưới xương cánh tay, rất thường gặp ở trẻ em trong lứa tuổi từ 5 – 12 tuổi, đây là kiểu gãy ngoài khớp hay đi kèm với tổn thương mạch máu và tổn thương thần kinh trong vùng này.

Nguyên nhân

Tình trạng gãy trên lồi cầu xương cánh tay thường gặp ở trẻ em, nguyên nhân do té ngã dùng tay chống khi khuỷu tay ở tư thế duỗi (gãy duỗi): người bệnh té ngã chống tay xuống nền cứng, trọng lực cơ thể truyền từ trên xuống qua xương cánh tay gặp lại lực cản từ dưới nền cứng truyền lên gây gãy ở vùng đầu dưới xương cánh tay; đầu gãy dưới di lệch ra sau, còn đầu trên thì di lệch ra trước, gây nên hình ảnh điển hình di lệch trong gãy trên lồi cầu xương cánh tay.

Hình ảnh té ngã gây gãy đầu trên lồi cầu xương cánh tay hay gặp ở trẻ

Biến chứng nếu không điều trị kịp thời

Thông thường kiểu gãy này hay đi kèm theo các tổn thương phối hợp khác, nếu không được điều trị kịp thời các biến chứng này sẽ nặng lên và để lại di chứng nặng nề không mong muốn về sau như:

  • Tổn thương thần kinh, hay gặp là tổn thương thần kinh quay và thần kinh giữa, tỉ lệ gặp là 3 – 22%.
  • Nhiễm khuẩn.
  • Tổn thương động mạch cánh tay.
  • Nếu không được điều trị đúng cách có thể gây vẹo khuỷu, can xương bị di lệch.
  • Hội chứng Volkmann.

Chẩn đoán và Phân độ

Việc chẩn đoán được thực hiện thông qua thăm khám của các bác sĩ chuyên ngành với các triệu chứng hay gặp như: sung đau, bầm tím vùng khuỷu, mất cơ năng (không thể hoạt động gấp duỗi) vùng khuỷu, nếu nặng có thể thấy được khuỷu tay bị biến dạng. Các bác sĩ sẽ thăm khám kỹ để tìm tổn thương phối hợp hoặc các biến chứng lên thần kinh, mạch máu đi kèm.

Sau đó, người bệnh sẽ được tư vấn để chụp phim X quang để đánh giá gãy xương, sự di lệch và tìm hướng xử trí đúng. Trường hợp gãy phức tạp hoặc nghi ngờ có tổn thương phối hợp, đôi khi người bệnh sẽ được đề nghị chụp thêm CT scan để đánh giá rõ hơn.

Về phân độ trong trường hợp này, thông thường trên lâm sàng các bác sĩ hay sử dụng phân độ Gartland (gãy duỗi) có 3 mức độ:

  • Độ I: Gãy không di lệch.
  • Độ II: Gãy di lệch nhưng phần xương phía sau còn dính nhau chưa rời.
  • Độ III: Gãy di lệch hoàn toàn.

Điều trị

Dựa vào phân độ gãy, tình trạng của người bệnh, các tổn thương phối hợp khác cũng như mong muốn lựa chọn phương pháp điều trị từ người bệnh và người nhà mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho từng đối tượng. Việc lựa chọn phương pháp điều trị cho người bị gãy xương cần có sự tư vấn từ chuyên gia, nhưng nhìn chung, hiện nay có các phương pháp điều trị như sau:

Điều trị bảo tồn:

  • Đối tượng được chỉ định: Người bệnh có tình trạng gãy kín, không di lệch (được phân độ Gartland I) và chưa có các biến chứng khác như thần kinh, mạch máu.
  • Cách thức: Nắn và bó bột cánh cẳng bàn tay có rạch dọc, khuỷu gấp 90 độ, giữ bột trong khoảng 4 – 6 tuần. Sau khi bó bột cần được theo dõi để tránh tình trạng chèn ép bột gây ảnh hưởng xấu lên người bệnh.

Điều trị phẫu thuật:

  • Đối tượng được chỉ định: Người bệnh đã điều trị bảo tồn thất bại; gãy thuộc Gartland độ II hoặc III, di lệch; gãy kèm theo tổn thương thần kinh, mạch máu; hoặc trường hợp gãy hở, lộ xương;…
  • Cách thức: Có nhiều phương pháp lựa chọn, trong đó 2 phương pháp hay được sử dụng trên lâm sàng là xuyên đinh K và kết hợp xương nẹp vít.

Để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám, hãy liên hệ Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (Địa chỉ: 241 Quốc lộ 1K, P. Linh Xuân, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) qua hotline 1900 0119