Tin tức y tế

Nên cẩn trọng khi tự ý mua và sử dụng thuốc

30/06/2023

Bà V.T.P 65 tuổi, ngụ tại Biên Hòa, Đồng Nai, bị đau chân, đã tự ra nhà thuốc gần nhà để mua thuốc uống. Chỉ sau 1 giờ uống thuốc bà P bị ngứa, đỏ da toàn thân, sau đó khó thở, lơ mơ, nôn ói, đại tiện không tự chủ. Được người nhà đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai.

Qua thăm khám lâm sàng và khai thác bệnh sử, bà P cho biết đã uống 4 loại thuốc trong đó có diclofenac, Paracetamol và 2 loại không rõ thông tin và chưa có tiền sử Dị ứng trước đó. Nhận định, bà P bị phản vệ độ III , các bác sĩ cấp cứu đã xử trí phản vệ theo phác đồ, sau khoảng 1 giờ bệnh nhân tạm ổn định , thoát sốc và được chuyển lên khoa Nội để tiếp tục theo dõi và điều trị.

ADR là gì?

ADR là viết tắt của Adverse Drug Reaction, nghĩa là phản ứng có hại của thuốc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ADR là phản ứng độc hại, không được định trước, xuất hiện ở liều thường dùng cho người để phòng bệnh, chẩn đoán hay chữa bệnh hoặc nhằm thay đổi một chức năng sinh lý. ADR có thể gây ra các triệu chứng như dị ứng, sốc phản vệ, suy giảm chức năng của gan, thận, tim mạch, hô hấp hoặc thần kinh.

Lời khuyên của bác sĩ để tránh phản ứng có hại của thuốc (ADR)

BS CKI Phạm Thị Hoa khoa Khám bệnh cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai chia sẻ: “Hiện nay, việc đảm bảo an toàn trong điều trị cho người cao tuổi vẫn còn là vấn đề thách thức với nền y tế, đặc biệt là những bệnh nhân điều trị ngoại trú. Do đó, để giảm thiểu các tác hại do tác dụng phụ của thuốc và các tương tác thuốc, cũng như đảm bảo điều trị ở người cao tuổi, người nhà hoặc bản thân người bệnh cần chủ động trong việc sử dụng thuốc thông qua những việc sau:

  • Thiết lập đầy đủ danh sách các thuốc đã và đang sử dụng, kể cả những thuốc có nguồn gốc thảo dược; kê khai đầy đủ tình trạng bệnh lý, tiền sử Dị ứng thuốc để bác sĩ có thể đánh giá toàn diện và đưa ra quyết định lựa chọn thuốc hợp lý.
  • Không nên tự ý sử dụng thuốc bừa bãi, tốt nhất hãy dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ, theo sự hướng dẫn của dược sĩ.
  • Không tự ý dùng thêm thuốc khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị. Tham vấn các chuyên gia y tế về các tương tác thuốc có nguy cơ xảy ra nếu bệnh nhân đang sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc.
  • Không tự ý mua thêm thuốc theo toa cũ, việc tái khám định kỳ để theo dõi đáp ứng điều trị là cần thiết giúp bác sĩ có thể ra quyết định thay đổi liều hoặc thêm, bớt thuốc đang sử dụng.
  • Khi đang dùng thuốc, nếu thấy có những rối loạn, những phản ứng bất thường không nên tự ý bỏ, ngưng thuốc hoặc thay thế thuốc khác mà nên trở lại khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc, kể rõ sự việc để bác sĩ cho hướng xử trí.
  • Nếu bệnh nhân gặp khó khăn trong việc tuân thủ thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ điều trị để được đơn giản hóa tối đa cách sử dụng thuốc, hoặc sử dụng các công cụ hỗ trợ như hộp phân liều theo ngày/tuần
  • Đối với một số ADR thuộc loại gây khó chịu, có thể áp dụng các biện pháp điều chỉnh sinh hoạt, ăn uống để khắc phục như: không làm việc đòi hỏi sự tập trung tỉnh táo nếu dùng thuốc gây buồn ngủ; ăn nhiều rau củ, trái cây, uống nhiều nước nếu thuốc gây táo bón v.v… Người cao tuổi có thể tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ về các biện pháp khắc phục này.”

Để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám, hãy liên hệ Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai (Địa chỉ: F99 Võ Thị Sáu, P.Thống Nhất, Tp.Biên Hòa, Đồng Nai) hoặc qua hotline 02513918569 hoặc Zalo Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai để đặt lịch hẹn trước.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.