Mảnh xương đắt giá và lời cảnh báo nguy cơ từ dị vật đường tiêu hóa
20/01/2025Cụ ông 88 tuổi, tiền sử nhiều bệnh nền, nhiễm trùng huyết nguy kịch do dị vật xương cá dài 3cm đâm xuyên thành ruột non vừa được các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng phẫu thuật nội soi cấp cứu thành công.
Người bệnh N.N (88 tuổi, trú TP. Đà Nẵng), vào viện với tình trạng đau bụng đột ngột và dữ dội vùng quanh rốn sau đó lan ra toàn bụng. Tiền sử bệnh của cụ khá phức tạp: tăng huyết áp, bệnh mạch vành đã đặt stent và đang sử dụng thuốc chống đông. Nhận định đây là trường hợp đau bụng ngoại khoa, bác sĩ trực tại Khoa Cấp cứu nhanh chóng cho người bệnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng và các xét nghiệm cận lâm sàng.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng ghi nhận hình ảnh dị vật dạng xương cá xuyên thành ruột non. Các xét nghiệm máu cho thấy người bệnh có tình trạng Thiếu máu mạn tính và tình trạng nhiễm trùng máu nặng (xét nghiệm Procalcitonin, một marker đặc hiệu nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết, lên tới 11,48 ng/mL).
Sau khi hội chẩn với bác sĩ trực Ngoại Tiêu hóa, người bệnh được chẩn đoán: “Viêm phúc mạc toàn thể do dị vật xuyên thành ruột non/Biến chứng nhiễm khuẩn huyết/Tăng huyết áp/Bệnh mạch vành đã đặt stent/ Thiếu máu mạn tính”, tiên lượng nặng và có chỉ định phẫu thuật nội soi lấy dị vật ruột non, khâu phục hồi thành ruột ngay trong đêm.
Phẫu thuật nội soi gắp dị vật xương cá cứu cụ ông thoát nguy kịch
Ca phẫu thuật nội soi gắp dị vật xương cá cho cụ ông kéo dài 1 giờ với sự phối hợp nhịp nhàng giữa ekip phẫu thuật viên và ekip Gây mê hồi sức. Các bác sĩ đã lấy dị vật ra khỏi ruột và khâu phục hồi thành ruột. Sau phẫu thuật, cụ ông được chuyển về khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục theo dõi và điều trị tình trạng nhiễm trùng huyết. Kháng sinh mạnh đường tĩnh mạch, ăn lại sớm qua đường miệng và các biện pháp giảm đau tích cực, tập phục hồi chức năng tại giường đã được áp dụng để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng và các biến chứng do nằm lâu sau mổ.
Mảnh xương cá xuyên thành ruột non được xác định trong quá trình phẫu thuật
Với phác đồ điều trị hợp lý cũng như sự phối hợp, nỗ lực của người bệnh và người nhà, cụ ông đã phục hồi tốt, tình trạng nhiễm trùng dần cải thiện, ăn uống ngon miệng trở lại, hết đau bụng, không xảy ra các biến chứng sau mổ và xuất viện vào ngày thứ 7 sau phẫu thuật.
Mảnh xương cá được lấy ra từ ruột non của cụ ông 88 tuổi
ThS.BSNT Phạm Trọng Khôi – bác sĩ phụ trách ca phẫu thuật này, cho biết: “Đây là một trường hợp nhiễm trùng huyết trên nền bệnh lớn tuổi, nhiều bệnh kèm, nên tiên lượng rất nặng, có thể xảy ra nhiều biến chứng sau mổ, thậm chí là tử vong. Thách thức lớn nhất ở trường hợp này không nằm ở ca phẫu thuật mà là chiến lược điều trị sau phẫu thuật hợp lý giúp người bệnh phục hồi tốt nhất và tránh những biến chứng sau mổ. May mắn thay, nhờ với sự hỗ trợ, phối hợp giữa các chuyên khoa, cũng như sự nỗ lực của chính người bệnh và người nhà, người bệnh đã phục hồi hoàn toàn mà không gặp các biến chứng như: rối loạn điện giải, suy dưỡng hay viêm phổi”.
Mảnh xương đắt giá và lời cảnh báo nguy cơ từ dị vật đường tiêu hóa
Dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu phổ biến, thường là do hóc xương (hay gặp nhất là xương cá rồi tới các xương động vật khác như xương gà, vịt) hoặc do hóc búi thức ăn (thịt, các loại hạt), do nuốt phải dị vật như tăm, răng giả, vỏ thuốc…vào thực quản hoặc qua thực quản xuống dạ dày, ruột và có thế gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nguyên nhân thường do thói quen ăn quá nhanh, vừa ăn vừa nói chuyện, ở người lớn tuổi thường do răng yếu nên có xu hướng nuốt khối thức ăn mà không nhai kỹ… Cụ thể tùy vào vị trí của dị vật, mức độ tổn thương (chưa có biến chứng, hoặc có biến chứng như thủng ống tiêu hóa, tạo áp xe, tắc ruột, viêm phúc mạc…mà có phương pháp điều trị khác nhau.
Bác sĩ Khôi khuyến cáo, khi cảm thấy những triệu chứng bất thường sau khi ăn hoặc nuốt phải dị vật như xương cá, cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám. Không tự ý sử dụng các phương pháp dân gian như nuốt cơm hay uống nước để đẩy xương xuống, vì có thể làm tăng nguy cơ tổn thương đường tiêu hóa. Đặc biệt, người cao tuổi hoặc có bệnh nền cần cẩn trọng khi ăn các món như cá hoặc thực phẩm chứa dị vật nhỏ