Khám và tầm soát ký sinh trùng – chủ động cho một cơ thể khỏe mạnh
16/07/2025Nhiễm giun, sán thường để lại hậu quả nặng nề với con người như gây rối loạn tiêu hóa; ngứa ngáy lâu ngày dẫn tới mất ngủ… Đối với những trường hợp nặng, kí sinh trùng có thể làm tổn thương gan, áp xe gan, áp xe phổi, tổn thương não, thận, suy dinh dưỡng hoặc thiếu máu, thậm chí là tử vong.
Nước ta là vùng nhiệt đới thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều cùng với thói quen sinh hoạt, ăn uống… là môi trường thuận lợi cho các loại ký sinh trùng sinh sôi phát triển. Từ đó, phát triển các nhóm bệnh lây từ động vật sang người như: ấu trùng giun đũa chó mèo, ấu trùng giun đầu gai, ấu trùng sán gan lợn, bệnh sán lá gan lớn,… là những bệnh phổ biến mà người Việt Nam đang mắc phải.
Những ấu trùng này xâm nhập vào cơ thể bằng nhiều con đường khác nhau, sinh sôi phát triển bằng cách hút máu và các chất dinh dưỡng từ cơ thể của chúng ta, do đó nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe.
Trên thực tế, giun sán không lây trực tiếp từ người sang người mà phải trải qua một chu trình sinh học phức tạp, bao gồm giai đoạn phát triển qua vật chủ trung gian trước khi xâm nhập vào cơ thể người. Đường lây truyền chủ yếu là qua đường tiêu hóa, thông qua việc sử dụng thực phẩm nhiễm ấu trùng giun sán – đặc biệt là rau sống, cá, sò, ốc và các loại hải sản chưa được chế biến kỹ. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, giun sán có thể cư trú tại nhiều cơ quan như gan, phổi, ruột… và theo thời gian có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chức năng cơ quan và sức khỏe tổng thể nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh do ký sinh trùng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và công việc. Tình trạng nhẹ có thể gặp như: rối loạn tiêu hóa; ngứa ngáy lâu ngày dẫn tới mất ngủ; các vết gãi gây trầy xước da, chảy máu; mề đay, ho ra máu, đi tiêu ra máu; giảm thị lực… Tình trạng nặng do nhiễm giun, sán là áp xe gan, áp xe phổi, viêm não, xuất huyết não, liệt nửa người…

Ngoài việc tẩy giun định kỳ, mỗi người dân cần có thói quen sinh hoạt lành mạnh, tránh để ký sinh trùng có cơ hội xâm nhập cơ thể như rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với các chất bẩn; không đi chân đất, luôn đeo găng tay bảo hộ khi tiếp xúc với đất cát bẩn; kiểm tra kỹ thực phẩm trước khi chế biến; Khi nghi ngờ ăn phải thực phẩm nhiễm ký sinh trùng nên thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm.
Cần khám và xét nghiệm giun sán định kỳ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để chủ động phòng bệnh và phát hiện sớm bệnh, chúng ta nên tiến hành xét nghiệm giun sán định kỳ mỗi năm từ 1 – 2 lần, nhất là đối với trẻ nhỏ. Vì đây là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, vẫn chưa có ý thức bảo vệ cơ thể trong vấn đề vệ sinh hằng ngày. Hiện nay có 2 phương pháp chẩn đoán giun sán là xét nghiệm máu và xét nghiệm phân. Tuy nhiên, cũng tuỳ trường hợp bệnh để các bác sĩ có thêm nhiều chỉ định khác.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt đang triển khai dịch vụ khám chẩn đoán và điều trị các bệnh về giun sán như: Sán lá gan lớn, sán lá phổi, sán mèo, sán dải chó, sán lợn, sán máng, giun đũa chó/mèo, giun lươn, giun phổi chuột, giun xoắn từ thịt heo và nhiều loại khác…