Vừa qua Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh đã tiếp nhận người bệnh N.T.H (1960 – trú tại huyện Anh Sơn, Nghệ An) vào viện trong tình trạng đau khắp bụng, đau nhiều vùng hạ vị, đại tiện phân nhầy máu.
Qua khám lâm sàng, người bệnh có biểu hiện đau khắp bụng, ấn đau và có phản ứng toàn bộ bụng, đau nhiều vùng hạ vị, vã mồ hơi, huyết áp thấp. Khi chỉ định chụp Cắt lớp vi tính, kết quả cho thấy ổ bụng có xuất hiện ổ áp xe nghi do thủng đại tràng sigmoid. Bác sĩ chuyên khoa Ngoại Tiêu hóa chẩn đoán người bệnh bị viêm phúc mạc do thủng đại tràng sigmoid, theo dõi K đại tràng signoid. Phẫu thuật cấp cứu là phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Trong quá trình phẫu thuật, người bệnh được đặt nằm ngửa và thực hiện gây mê nội khí quản. Sau khi rạch da đường giữa trên dưới rốn qua lớp cân cơ vào ổ bụng, kết quả bên trong ổ bụng có nhiều dịch đục lợn cợn phân, vùng tiểu khung viêm dính, gỡ dính thấy trào ra dịch mủ trắng đục, hút ra #300 ml dịch này. Tiếp đó, Bác sĩ tiến hành rửa sạch ổ bụng, kiểm tra thấy đại tràng sigmoid chỗ nối với trực tràng có dị vật là hạt quả nhót đâm thủng 1 lỗ kích thước 1.5 cm làm phân tràn vào ổ bụng. Bác sĩ đã tiến hành lấy dị vật ra, kiểm tra và tiếp tục lấy từ trong đại tràng ra thêm 20 hạt quả nhót, cắt lọc miệng lỗ thủng, khâu lổ thủng bằng chỉ vicril 3.0.
Lúc này, bác sĩ đã kiểm tra các tạng khác tuy nhiên chưa thấy bất thường, rửa sạch bụng bằng nhiều nước muối sinh lý ấm, tiếp tục giải phóng đại tràng trái và đưa đại tràng trái ra hố chậu trái làm hậu môn nhân tạo, đặt dẫn lưu Douglas và đóng bụng hai lớp.
Do hạt nhót có đầu nhọn và sắc, hình dáng như mũi tên và người bệnh ăn vào với số lượng lớn nên quá trình tống xuất ra ngoài qua hậu môn gặp khó khăn, dẫn tới tình trạng thủng đại tràng.
Sau mổ, người bệnh được chỉ định dùng kháng sinh điều trị đường tĩnh mạch, ăn và vận động sớm, thay băng chăm sóc vết mổ hàng ngày.
Qua 10 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh hồi phục nhanh chóng và thực hiện cận lâm sàng kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xuất viện, hẹn đóng hậu môn nhân tạo sau 45 ngày.
Thủng ruột do dị vật là một cấp cứu Ngoại khoa rất hay gặp. Các dị vật thường thấy có thể là tăm, xương cá, kim loại sắc nhọn nhỏ,… Thế nên trong quá trình ăn uống, mỗi người cần hết sức cẩn thận để tránh biến chứng rất nguy hiểm này. Đồng thời ngay khi có dấu hiệu bất thường, cần đến bệnh viện để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
*Bài viết được thực hiện với sự tư vấn từ BS.CKI. Phan Văn Giáo – Khoa Ngoại, Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh.
Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh:
- Phòng Chăm sóc khách hàng: 0901 747 173.
- Địa chỉ: Số 99, đường Phạm Đình Toái, xã Nghi Phú, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.