Tin tức y tế

“Đồng chi trả” bảo hiểm y tế để gắn trách nhiệm

08/09/2009

** Trước đây quy định về nội dung “cùng chi trả” đã từng rất khó triển khai. Xin bà cho biết tại sao đến bây giờ việc đồng chi trả lại được đưa ra?

Ngay từ khi nghiên cứu để xây dựng Luật bảo hiểm y tế, ban soạn thảo rất băn khoăn và cân nhắc việc quy định đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Khi thực hiện đồng chi trả, các trung tâm y tế phải tổ chức thêm bộ máy, nhân lực và dễ gây phiền hà cho người bệnh. Tuy nhiên, có một thực tế là trong thời gian qua, tình trạng lạm dụng của các bệnh viện vẫn còn. Việc thực hiện cùng chi trả sẽ gắn trách nhiệm của người bệnh đối với việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh. Đối với bệnh nhân hay có yêu cầu thì họ phải cân nhắc xem họ có cần thiết phải sử dụng thêm dịch vụ đó hay không. Vì thế, quy định cùng chi trả là nhằm nâng cao trách nhiệm của người có thẻ bảo hiểm y tế trong việc tuân thủ pháp luật về bảo hiểm y tế trong việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, hạn chế tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế, đồng thời bảo đảm công bằng giữa những người tham gia bảo hiểm y tế.

Với mức đóng bảo hiểm y tế thấp thì việc cùng chi trả sẽ góp phần cân đối quỹ bảo hiểm y tế đang thâm hụt hiện nay. Thực ra, việc này không phải mới, mà ngay hiện nay chúng ta cũng đang thực hiện cùng chi trả. Trước đây, chúng ta thực hiện cùng chi trả đồng loạt sau đó thì chỉ thực hiện cùng chi trả với bảo hiểm y tế tự nguyện và trường hợp sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. Còn bây giờ là thực hiện đồng chi trả với các nhóm đối tượng khác nhau, các mức khác nhau, các hạng bệnh viện khác nhau, các tuyến khác nhau.

** Nếu như trước đây, người bệnh chỉ phải đến bệnh viện để khám chữa bệnh thì bây giờ lại phải tự cân nhắc là sử dụng thuốc gì, dịch vụ gì cho hợp túi tiền. Như vậy, liệu việc quy định đồng chi trả có ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho người dân?

Theo tôi, điều này hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Nguyên tắc của ngành y tế cũng như nguyên tắc của bảo hiểm y tế là đóng theo thu nhập, và hưởng theo quyền lợi, mức độ bệnh tật. Bất kể có thẻ bảo hiểm y tế hay không thì đã là người bệnh khi vào viện đều có phác đồ điều trị, quy trình điều trị như nhau. Chỉ khác là nếu có bảo hiểm y tế thì quỹ sẽ thay mặt trả tiền cho bệnh nhân, còn nếu không có bảo hiểm y tế thì người bệnh phải tự trả tiền. Ta cũng phải xác định rằng chúng ta quy định như thế để người bệnh gắn trách nhiệm vào việc kiểm soát, còn trách nhiệm của bác sỹ là phải căn cứ vào tình trạng bệnh tật của người bệnh để quyết định xem sử dụng dịch vụ gì, dùng thuốc gì và chi phí như thế nào.

** Có ý kiến cho rằng, việc đồng chi trả làm tăng thêm gánh nặng cho các bệnh viện, bộ máy hành chính sẽ phình ra. Vậy làm thế nào để giải quyết những khó khăn này?

Rõ ràng khi triển khai một chính sách mới, thêm quy định mới thì các cơ sở khám chữa bệnh cũng phải thay đổi, bố trí nhân lực, tổ chức lại công tác khám chữa bệnh. Quy định mới với nhiều mức cùng chi trả khác nhau theo các tuyến khác nhau, đối tượng, hạng bệnh viện khác nhau, đòi hỏi bệnh viện phải tập trung phổ biến cụ thể cho các cán bộ, nhân viên nắm được quy định mới của chính sách bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, phải tổ chức lại các khoa, phòng, nhất là khu phòng khám phải khoa học, hợp lý và thuận tiện. Đồng thời cũng phải bố trí thêm nhân lực nắm được các quy định mới để thực hiện các vấn đề cùng chi trả cho người bệnh ngay tại khu khám bệnh để tạo thuận lợi, giảm phiền hà và tránh phàn nàn từ người bệnh. Mặt khác, các bệnh viện phải từng bước nghiên cứu và ứng dụng đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý bệnh nhân và quản lý bảo hiểm y tế. Có như vậy thì việc thực hiện cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh ở khu vực phòng khám mới thuận tiện. bảo hiểm y tế là một lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm và chỉ có thể thành công khi có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội.

Khám chữa bệnh đúng quy định của Luật bảo hiểm y tế sẽ thanh toán theo 3 mức: Mức 1 là thanh toán 100% chi phí áp dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, một số đối tượng thuộc lực lượng công an nhân dân, những người khám chữa bệnh tại tuyến xã; với điều kiện là chi phí một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu.
Mức 2 là thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh đối với các đối tượng: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn; người bệnh đồng chi trả 5% chi phí.
Mức 3: Quỹ thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh đối với các đối tượng khác; người bệnh đồng chi trả 20%. Đối với trường hợp khám chữa bệnh có sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn thì quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo các mức như trên nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu (hiện tương đương 26 triệu đồng) cho 1 lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó

Theo TTXVN

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.