Ung thư đường tiêu hoá rất dễ nhầm lẫn với các bệnh về tiêu hóa thông thường. Đây là căn bệnh âm thầm, hầu như không có triệu chứng đặc biệt. Vì vậy người bệnh thường chủ quan nên khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Đau bụng là triệu chứng điển hình của Ung thư đường tiêu hoá (Nguồn: Internet)
Ung thư đường tiêu hoá là gì?
Ung thư đường tiêu hóa là bệnh Ung thư phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Việt Nam. Trong các loại ung thư, ung thư đường tiêu hoá chiếm 30%. Nguy cơ mắc bệnh ở cả nam giới và nữ giới đều như nhau.
Cụ thể, Ung thư đường tiêu hoá bao gồm ung thư dạ dày – thực quản, ung thư vòm họng, ung thư đại trực tràng, v.v. Đây là căn bệnh âm thầm, hầu như không có dấu hiệu mặc dù khối u đã xuất hiện và phát triển trong thời gian dài.
Ung thư đường tiêu hóa được chia thành 2 nhóm: Ung thư đường tiêu hóa trên (thực quản, dạ dày) và ung thư đường tiêu hóa dưới (đại tràng, trực tràng, tuyến tụy, đường mật, gan).
Một số dấu hiệu thường gặp
- Đau bụng (đây là dấu hiệu điển hình nhất).
- Đi ngoài phân đen.
- Tắc ruột.
- Chán ăn.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Các dấu hiệu này thường mơ hồ và khó chẩn đoán vì không loại trừ các bệnh lý khác hoặc bệnh lý đường tiêu hóa thông thường như rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích.
Ung thư đường tiêu hoá có chữa được không?
Ung thư đường tiêu hóa hoàn toàn có thể được chữa trị nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhóm người bệnh phát hiện Ung thư ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm đạt tới 90%; trong khi người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn chỉ khoảng 10%.
Do đó, tầm soát Ung thư đường tiêu hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện sớm các bệnh lý đường tiêu hóa, từ đó giúp bác sĩ có những chẩn đoán và phác đồ điều trị phù hợp.
Ung thư đường tiêu hóa được chẩn đoán chính xác qua nội soi
Đối tượng nào cần thực hiện tầm soát định kỳ?
- Người có người thân trong gia đình (ông bà, bố mẹ, anh chị) từng mắc hoặc tử vong do Ung thư đường tiêu hóa.
- Người có chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh: thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia, đồ ăn chiên rán, cay nóng, ăn mặn, ít ăn rau xanh…
- Người có các yếu tố nguy cơ mắc Ung thư đường tiêu hóa: Người có Polyp, viêm loét dạ dày, đại tràng, nhiễm khuẩn HP…
- Người bị viêm loét dạ dày mạn tính đặc biệt viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày.
- Người béo phì, trào ngược dạ dày thực quản.
Những phương pháp tầm soát Ung thư đường tiêu hoá hiện nay
- Xét nghiệm máu: Thực hiện xét nghiệm tìm dấu ấn Ung thư AFP (Gan), CEA (Đại tràng), CA 19.9 (Tụy).
- Siêu âm hoặc chụp Xquang: Phương pháp này giúp phát hiện các tổn thương, vị trí, kích cỡ của các khối u đường tiêu hóa.
- Nội soi: Ung thư đường tiêu hóa được chẩn đoán khá chính xác thông qua việc thực hiện nội soi toàn bộ đường tiêu hóa, nếu phát hiện có khối u, tổn thương nghi ngờ sẽ tiến hành sinh thiết và xét nghiệm tìm tế bào ung thư. Nội soi tiêu hóa bao gồm nội soi dạ dày, tá tràng, đại tràng và trực tràng. Đây là một trong những phương pháp hiện đại nhất hiện nay giúp chẩn đoán chính xác và dễ dàng các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. Người bệnh có thể lựa chọn nội soi tiêu hóa thường và nội soi tiêu hóa không đau (gây mê).
Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai là một trong những bệnh viện uy tín thực hiện tầm soát Ung thư đường tiêu hóa với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, điều dưỡng nhiệt tình, thân thiện cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại.