Khoa Hồi sức Tích cực & chống độc, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa điều trị thành công cho cụ bà 70 tuổi bị hôn mê tăng áp lực thẩm thấu trên nền người bệnh đái tháo đường, nguy cơ tử vong cao.
Thông tin từ gia đình cho biết, cụ bà L.T.R (70 tuổi, địa chỉ tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ ) có tiền sử bệnh đái tháo đường type 2, đang khám và lãnh thuốc hàng tháng tại bệnh viện. Tuy nhiên vài tháng nay, cụ bà thấy sức khoẻ đã cải thiện nên quyết định không tái khám và tự mua thuốc theo toa cũ để uống. Khoảng 2 ngày trước nhập viện, cụ bà sốt, nôn ói và ăn uống rất kém, sau đó tri giác lơ mơ nên gia đình đưa bà R đi cấp cứu.
Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, cụ bà nhập viện trong tình trạng tiếp xúc chậm, tay chân lạnh, huyết áp 100/80 mmHg, kết quả glucose máu 928 mg/dl (giá trị bình thường 70 – 115 mg/dl) và áp lực thấm thấu máu 349 mOsm/l (giá trị bình thường 280 – 296 mOsm/l). Sau khi thăm khám và thực hiện cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết trên nền bệnh đái tháo đường, nhiễm trùng tiêu hoá, biến chứng suy thận cấp. Người bệnh được cấp cứu khẩn trương, truyền Insulin đường tĩnh mạch, bù dịch và điện giải, kiểm soát huyết áp. Sau 03 ngày điều trị tích cực, tri giác bệnh nhân tỉnh táo, huyết áp ổn định, các chỉ số cận lâm sàng khá hơn, dự kiến vài ngày nữa bệnh nhân có thể ra viện.
BS.CKI. Nguyễn Tuấn Nghĩa, Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU), Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu là biến chứng thường gặp ở người bệnh đái tháo đường, bệnh khởi phát khi người bệnh không tuân thủ phát đồ điều trị, đang có tình trạng nhiễm trùng cấp tính hoặc các bệnh lí làm giảm khả năng uống nước của bệnh nhân. Thống kê của Bộ y tế cho thấy tỉ lệ tử vong có thể lên đến 20 – 30% nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Cũng theo BS Nghĩa, bệnh đái tháo đường là một bệnh lí mạn tính, điều trị mang tính chất lâu dài, thuốc điều trị có thể thay đổi tuỳ theo tình trạng bệnh lí và đường huyết hiện tại. Vì vậy, người bệnh cần được tái khám định kì để bác sĩ kiểm tra các chỉ số cận lâm sàng và từ đó điều chỉnh thuốc phù hợp. Với trường hợp này, người bệnh đang nhiễm trùng tiêu hóa và suy thận cấp là chống chỉ định với thuốc điều trị đái tháo đường dạng uống, tuy nhiên người bệnh vẫn dùng thuốc theo toa cũ, nên không kiểm soát được đường huyết và dẫn đến hôn mê do đường huyết quá cao.
BS Nghĩa cũng khuyến cáo với người bệnh đái tháo đường nên theo dõi đường huyết tại nhà thường xuyên, đồng thời nên có chế độ ăn uống hợp lý và tái khám định kì, tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường có thể xảy ra.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.