Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Cấp cứu người bệnh phản vệ

02/07/2024

Phản vệ là gì?

Phản vệ: là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với tác nhân Dị ứng từ đó gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Sốc phản vệ: là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản vì giải phóng một cách quá mức các chất trung gian hoạt mạch do phản ứng miễn dịch xảy ra khi tiếp xúc tác nhân gây Dị ứng trên cơ thể đã nhạy cảm với tác nhân đó, có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.

Nguyên nhân gây phản vệ

Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến phản vệ và sốc phản vệ, bao gồm:

  • Thuốc: Là nguyên nhân thường gặp nhất trong sốc phản vệ.  Một số loại thuốc phổ biến gây ra sốc phản vệ như kháng sinh, thuốc giảm đau chống viêm, thuốc giãn cơ, thuốc gây tê, gây mê,…
  • Thực phẩm: Một số loại thực phẩm phổ biến gây ra sốc phản vệ bao gồm đậu phộng, hải sản, sữa, trứng và lúa mì,…
  • Nọc côn trùng: Nọc ong, ong bắp cày và kiến ​​lửa là những nguyên nhân phổ biến gây sốc phản vệ do côn trùng.
  • Dị ứng môi trường: Tiếp xúc với các chất gây Dị ứng trong môi trường như phấn hoa, phấn bụi, hoặc hóa chất có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Triệu chứng phản vệ

Do phản ứng quá mẫn toàn cơ thể nên các triệu chứng hiện diện ở nhiều cơ quan, thường gặp là các dấu hiệu về da và niêm mạc, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh. Biểu hiện qua các triệu chứng như:

  • Da và niêm mạc: có ở 80% bệnh nhân với các triệu chứng ngứa, mề đay bắt đầu vùng ngực, cổ, đầu rồi lan ra toàn thân.
  • Tim mạch: Là triệu chứng chính và thường gặp ở tất cả bệnh nhân như nhịp tim nhanh, tụt huyết áp,  rối loạn nhịp tim hoặc triệu chứng bệnh tim Thiếu máu cục bộ mới xảy ra trên bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tim mạch.
  • Hô hấp: Ho, tăng tiết đàm, khó thở, thở nhanh, ran rít, tức ngực.
  • Tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, ói, tiêu chảy.
  • Thần kinh: Thường do hậu quả của tụt huyết áp như: vật vã, hôn mê, co giật, tiểu tiện không tự chủ.

Chẩn đoán

Dựa vào các triệu chứng trên, phản vệ được chia ra các mức độ nghiêm trọng sau:

Nhẹ (độ I): Chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.

Nặng (độ II): có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan:

  • Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh.
  • Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi.
  • Đau bụng, nôn, ỉa chảy.
  • Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

Nguy kịch (độ III): biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau:

  • Đường thở: tiếng rít thanh quản, phù thanh quản.
  • Thở: thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở.
  • Rối loạn ý thức: vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn.
  • Tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.

Ngừng tuần hoàn (độ IV): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị

  • Tất cả trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ.
  • Ngừng ngay các tiếp xúc với dị nguyên nếu có và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
  • Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu cứu sống người bệnh bị phản vệ, phải được tiêm bắp ngay khi chẩn đoán phản vệ từ độ II trở lên.
  • Hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp cho bệnh nhân.

Điều trị tại cơ sở y tế

Xử trí phản vệ nhẹ (độ I): Dị ứng nhưng có thể chuyển thành nặng hoặc nguy kịch.

  • Sử dụng thuốc methylprednisolon hoặc diphenhydramin uống hoặc tiêm tùy tình trạng người bệnh.
  • Tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ để xử trí kịp thời.

Xử trí phản vệ mức nặng và nguy kịch (độ II, độ III): Phản vệ độ II có thể nhanh chóng chuyển sang độ III, độ IV. Vì vậy, phải khẩn trương, xử trí đồng thời theo diễn biến bệnh:

  • Ngừng ngay tiếp xúc với tác nhân dị ứng.
  • Cho người bệnh nằm tại chỗ, đầu thấp, nghiêng trái nếu có nôn.
  • Tiêm bắp Adrenalin ngay lập tức,  đồng thời với các thuốc methylprednisolon, diphenhydramin:
    • Adrenalin ống 1mg/1ml: Người lớn từ 0,5 – 1ml, tiêm bắp. Trẻ em không quá 0.3ml ( có thể pha loãng ống 1mg/1ml + 9ml nước cất = 10ml, sau đó tiêm 0,1ml/kg). Tiêm nhắc lại 3 -5 phút cho đến khi huyết áp ổn định.
    • Methylprednisolon 40mg 1-2 ống tiêm tĩnh mạch( 1-2 mg/kg), trẻ em tối đa 50mg.
    • Kháng Histamin ( Dyphenhydramin) tiêm bắp hoạc tĩnh mạch, ở người lớn 25 – 50mg, trẻ em 10-25mg.
  • Đánh giá tình trạng hô hấp, tuần hoàn, ý thức của người bệnh:
    • Thở oxy qua sonde mũi hoặc qua mask nếu bệnh nhân có khó thở, có giảm oxy.
    • Các nhóm thuốc hỗ trợ hô hấp: Khí dung Salbutamol 5mg , Terbutalin 0,5mg tiêm dưới da hoặc truyền tĩnh mạch liên tục + Đặt nội khí quản bóp bóng, thở máy  nếu bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
  • Thiết lập đường truyền adrenalin tĩnh mạch với dây truyền thông thường nhưng kim tiêm to (cỡ 14 hoặc 16G)  và một đường truyền tĩnh mạch thứ hai để truyền dịch nhanh đảm bảo lưu lượng tuần hoàn cho bệnh nhân.
  • Hội chẩn với các chuyên khoa, điều trị trong đơn vị Hồi sức Tích cực nếu bệnh nhân trong tình trạng nặng, nguy kịch.

Biện pháp phòng ngừa sốc phản vệ

Phản vệ là một cấp cứu y tế cần được xử lý kịp thời. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa sốc phản vệ:

Tránh các chất gây dị ứng:

  • Xác định các chất gây Dị ứng của bạn bằng cách thử nghiệm da hoặc xét nghiệm máu.
  • Luôn mang theo danh sách các chất gây Dị ứng bên mình.
  • Cẩn thận khi ăn uống ở ngoài: Hỏi kỹ thành phần món ăn và thông báo cho nhân viên nhà hàng về Dị ứng của bạn.
  • Đọc kỹ nhãn mác thuốc trước khi sử dụng. Cung cấp thông tin Dị ứng thuốc cho nhân viên y tế.
  • Tránh xa các khu vực có nguy cơ cao bị côn trùng đốt, đặc biệt là vào mùa xuân và mùa hè.

Chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp sốc phản vệ:

  • Mang theo epinephrine (adrenaline) tự tiêm và biết cách sử dụng.
  • Đeo vòng tay y tế hoặc mang theo thẻ cảnh báo ghi rõ Dị ứng của bạn.

Các biện pháp phòng ngừa khác:

  • Rửa tay thường xuyên để tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
  • Giữ nhà cửa sạch sẽ và gọn gàng để giảm bớt bụi bẩn và nấm mốc.
  • Sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ các chất gây Dị ứng trong nhà.

Tài liệu tham khảo

  • Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ theo thông tư số:51/2017/TT-BYT.
  • Giáo trình Sau đại học chuyên ngành Nội khoa Trường DHYD Cần Thơ.

Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long:

🏥 Địa chỉ: Lô 20 Võ Nguyên Giáp, Phường Phú Thứ, Quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ.

☎️ Biệt đội Cấp cứu 916 (24/24): 02923 916 916

☎️ Tổng đài Chăm sóc khách hàng: 02923 917 901

🌐 Website: https://hoanmy.com/cuulong/

👉 Fanpage: https://www.facebook.com/BenhvienHoanMyCuuLong

👉 Youtube: https://www.youtube.com/@bvhoanmycuulong