Người bệnh cần nắm các cách điều trị đau mắt đỏ nhằm kiểm soát triệu chứng hiệu quả, tránh dẫn đến những biến chứng về sau. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, bạn có thể sử dụng phương pháp chườm ấm, chườm lạnh, nhỏ mắt, dùng kháng sinh,… theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, trong mọi trường hợp, việc chủ động thăm khám sớm luôn đóng vai trò quan trọng và thực sự cần thiết. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu chi tiết hơn về các biện pháp điều trị, chăm sóc mắt trong thời gian tổn thương để kiểm soát bệnh lý một cách hiệu quả.
Xem thêm: Người bị đau mắt đỏ nên kiêng ăn gì?
Chườm mát giảm đau mắt đỏ
Chườm mát là một trong những cách điều trị đau mắt đỏ hiệu quả đối với các trường hợp bệnh nhẹ, chỉ mới xuất hiện triệu chứng ban đầu. Người bệnh chỉ cần dùng khăn sạch, ngâm trong nước lạnh, vắt kiệt nước, sau đó đắp trực tiếp lên vùng mắt bị tổn thương. Bằng phương pháp này, tình trạng đau rát, nhức mỏi mắt sẽ được cải thiện hiệu quả. Các vết sưng, ngứa mắt do virus, kích ứng cũng thuyên giảm đáng kể sau khi chườm mát.
Tuy nhiên, người bệnh lưu ý không sử dụng nước đá hoặc nước quá lạnh để đắp lên mắt. Điều này có thể gây phản tác dụng, thậm chí khiến tình trạng đau mắt đỏ trở nên nghiêm trọng hơn. Theo lời khuyên từ bác sĩ, bạn chỉ nên dùng khăn lạnh với nhiệt độ vừa phải, đảm bảo tạo cảm giác dễ chịu khi chườm lên vùng mắt tổn thương.
Lau mắt bằng khăn ấm
Nếu chườm mát không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể thử áp dụng phương pháp chườm ấm để trị đau mắt đỏ. Bạn chỉ cần nhúng khăn vào chậu nước ấm, sau đó vắt kiệt nước và đắp lên mắt khoảng 10 phút/lần. Hơi ấm có khả năng làm giãn nở mạch máu, hỗ trợ tăng cường lưu thông máu, giảm kích ứng và các triệu chứng sưng, đau do bị mắt đỏ. Tuy nhiên, bởi vùng da quanh mắt vô cùng mỏng và nhạy cảm, người bệnh lưu ý không nên sử dụng nước quá nóng khi chườm.
Sử dụng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ
Người bệnh cũng có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ theo kê đơn của bác sĩ. Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp. Trong đó, nước muối sinh lý (Natri clorid 0.9%) được sử dụng phổ biến nhất, có công dụng vệ sinh ghèn và giữ mắt luôn sạch sẽ.
Với cách này, bạn có thể nhỏ 5 – 6 lần/ngày, với liều lượng được chỉ định và thấm khô bằng bông sạch (bông y tế) sau khi dùng. Việc rửa mắt thường xuyên sẽ giúp cải thiện đáng kể triệu chứng đau, sưng, ngứa thường gặp.
Tránh đưa tay lên mắt
Virus hoặc vi khuẩn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau mắt đỏ, viêm nhiễm, rỉ dịch mủ. Do đó, người bệnh cần hạn chế chạm tay vào mắt để tránh tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, thói quen này cũng có thể tạo điều kiện lây nhiễm vi khuẩn, virus từ mắt này sang mắt khác, người này sang người khác.
Dùng thuốc giảm đau
Với các trường hợp đau mắt đỏ tiến triển nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Thành phần thuốc có chứa chất kháng viêm, giúp kiểm soát hiệu quả tình trạng đau nhức và ngứa cộm trong mắt. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo trị bệnh dứt điểm, tránh tái phát hoặc gặp các tác dụng phụ không mong muốn.
Ngừng đeo kính áp tròng (nếu có)
Tình trạng đau mắt đỏ có thể khiến mắt bị viêm hoặc nhiễm trùng. Trong trường hợp này, người bệnh tuyệt đối không nên sử dụng kính áp tròng để tránh tiếp xúc với kết mạc khiến triệu chứng nghiêm trọng hơn. Khi bệnh đã được chữa khỏi, bạn cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn dùng kính áp tròng trở lại.
Các lưu ý khi bị đau mắt đỏ giúp cải thiện tình trạng bệnh
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng người bệnh nên cân nhắc khi bị đau mắt đỏ, đảm bảo tình trạng bệnh lý cải thiện tích cực hơn:
- Luôn vệ sinh dụng cụ, đồ dùng sạch sẽ: Luôn rửa sạch, sát trùng, khử khuẩn các dụng cụ (kính đeo mắt, khăn mặt,…) và tay trước khi tiếp xúc với mắt.
- Không dùng chung đồ sinh hoạt: Người bệnh tuyệt đối không dùng chung đồ sinh hoạt như gối, chăn ga, khăn mặt, đồ trang điểm,… với người khác để tránh lây nhiễm.
- Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử: Khi bị đau mắt đỏ, đôi mắt cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Do đó, người bệnh nên hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử để ngăn ánh sáng xanh tác động lên mắt, đồng thời tăng cường thư giãn, nghỉ ngơi để đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ: Không gian sống sạch sẽ là điều kiện quan trọng, hỗ trợ cải thiện tích cực các triệu chứng bệnh đau mắt đỏ. Do đó, người bệnh nên đảm bảo chăn màn, vỏ gối, khăn mặt,… luôn luôn sạch sẽ, hạn chế mắt tích tụ ghèn, bụi bẩn,…
- Sử dụng kính mắt: Người bệnh khi đi ra ngoài nên sử dụng thêm kính mắt để tránh lây nhiễm cho người đối diện. Ngoài ra, đây cũng là biện pháp bảo vệ mắt luôn sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mắt trời, hỗ trợ phục hồi tổn thương nhanh hơn.
- Thường xuyên vệ sinh mắt: Sử dụng nước muối sinh lý (thuốc nhỏ mắt Natri clorid 0,9%) vệ sinh mắt là cách điều trị đau mắt đỏ đem lại hiệu quả tích cực đối với tình trạng bệnh, đặc biệt là ở trẻ em.
Các dấu hiệu bệnh nặng cần gặp bác sĩ
Người bệnh bị đau mắt đỏ cần đi khám bác sĩ nếu gặp phải các triệu chứng đáng lo ngại như sau:
- Mắt đau, sưng đỏ không phải do bụi bẩn bay vào.
- Cảm giác khó chịu trong mắt, phải dụi mắt liên tục, sau vài ngày tình trạng vẫn không cải thiện.
- Có dấu hiệu viêm, nhiễm trùng ở mắt (thường kéo dài hơn 1 tuần).
- Mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng, cảm thấy rất khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng, chảy nước mắt liên tục.
- Mắt có triệu chứng mờ, khó nhìn rõ sự vật xung quanh.
- Mắt sưng mủ hoặc tích tụ ghèn.
- Đã uống thuốc kháng sinh điều trị nhưng tình trạng đau mắt đỏ vẫn không cải thiện.
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Ở trẻ em, tình trạng mắt đỏ, sưng đau còn có thể là triệu chứng của bệnh sởi. Do đó, việc thăm khám và điều trị bệnh kịp thời là vô cùng quan trọng.
Trên đây là tổng hợp tất cả cách điều trị đau mắt đỏ hiệu quả. Hy vọng qua bài chia sẻ này, người bệnh đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích để chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, hãy truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.