Về sinh học, cơ thể con người cũng là một “cỗ máy” vô cùng hoàn chỉnh. Cũng như mọi cỗ máy khác, muốn hoạt động cơ thể cần phải được cung cấp đầy đủ năng lượng, và thực phẩm đưa vào cơ thể qua ăn uống chính là nhiên liệu để “đốt cháy” sinh ra năng lượng và những chất tạo hình.
Vì rất quan trọng, ăn thường đặt ở đầu một loạt động từ như: ăn làm, ăn chơi, ăn học, ăn nhậu… Ăn cũng là món đầu tiên của tứ khoái: “ăn, ngủ,..”
Ăn phải đủ chất
Thực phẩm dù đa dạng, nhiều chủng loại, nhưng cũng chỉ trong 4 nhóm của “ô vuông” thức ăn: đường bột; đạm (thịt); béo (dầu, mỡ) và muối khoáng, vitamin với trung tâm của ô vuông thức ăn là sữa.
Các nhà dinh dưỡng học thường ví von rằng “Bữa ăn đúng, hợp lý phải đầy đủ bốn ô vuông, như cái áo hoàn chỉnh phải có vạt trước, vạt sau, cổ áo, tay áo, túi áo… thừa không được mà thiếu cũng không xong”. Nói tóm lại, để ăn đủ chất cần phải đa dạng hóa thức ăn.
…Và đủ khối lượng
Ở người trưởng thành, nằm yên cũng cần cung cấp khoảng 1.400 Kcal năng lượng cho những hoạt động tối thiểu; khi ngồi cần 1.800-2.000 Kcal; khi làm việc chân tay cần 5.000 – 6.000 Kcal; những vận động viên thể thao cần nhiều hơn nữa, ví dụ VĐV bơi lội Ánh Viên cần đến 8.000 calo/ngày.
Qua quá trình chuyển hóa, 1 gam chất bột đường hay chất đạm chỉ cho 4 calo, trong khi chất béo cho gấp đôi đến 9 calo. Do đó, khẩu phần ăn cho một người trung bình, nặng 50kg, hằng ngày khoảng 300-500 gam chất bột, 150-200 gam chất béo, 50-75 gam chất đạm và một ít chất xơ, vitamin và yếu tố vi lượng.
Nên “sạc” năng lượng đều đặn, kịp nhu cầu
Cũng như cái xe, “bộ máy” con người, cũng cần “sạc” nhiên liệu đầy đủ và kịp thời: (1) Bữa sáng, là bữa ăn “xóa đói” theo nguyên ngữ tiếng Anh: break (xóa) và fast (đói), là lần “sạc” năng lượng đầu tiên cho cả ngày, do đó cần ăn “nặng”, “ăn “như vua”; (2) Bữa trưa: là thời gian nghỉ ngắn giữa giờ (break), chỉ cần ăn nhanh với lượng vừa phải để bổ sung thêm phần tiêu hao do làm việc trong buổi sáng, ăn như “hoàng hậu”; (3) Buổi chiều: vì ban đêm khi ta ngủ, tất cả các cơ quan, hệ thống trong cơ thể vẫn làm việc nhịp nhàng, tức vẫn tiếp tục cần tiếp năng lượng. Do đó, sau một ngày lao động vất vả năng lượng đã cạn, buổi ăn chiều cần khá dồi dào để đủ năng lượng cho hoạt động suốt cả đêm dài, ăn như “hoàng tử” và (4) Buổi tối: chỉ bổ sung, khi cảm thấy còn hơi lưng bụng, ăn như “công chúa” hoặc “ăn mày”.
Người Việt cũng phải tuân thủ “Sáng như vua…tối ăn mày”
Con người có thể khác nhau về chủng tộc, màu da, lối sống … nhưng quy luật sinh học phải giống nhau. Cách ăn “Sáng như vua…tối như ăn mày” là một quy luật y học đã được chứng minh là đúng đắn và đã được áp dụng trên toàn thế giới, ở Âu Mỹ, châu Á hay ASEAN quanh ta…
Theo đúng phép dinh dưỡng, người lao động, kể cả làm văn phòng, cũng cần điểm tâm khá “nặng” buổi sáng: một đĩa bíp tết hay một cái đùi gà, vài lát bánh mì, một tô súp, một ly sữa hay nước trái cây…và buổi trưa thường chỉ nhâm nhi cái bánh pa tê “sô” nhỏ xíu..
Điều cần bàn là nếu phải bắt đầu làm việc lúc 7 giờ sáng, quá sớm không đủ thời gian để “sạc” năng lượng theo đúng yêu cầu. Trước đây, ở miền Nam bắt đầu làm việc lúc 8 giờ và hiện nay, các nước quanh ta làm việc bắt đầu lúc 8 hay 9 giờ sáng. Thiết nghĩ, ở Việt Nam chúng ta, cần thay đổi thời biểu làm việc hơn là thay đổi cách phân bổ bữa ăn.
TS.BS Trần Bá Thoại – Phòng khám nội tiết, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng
Nguồn: Dantri.com.vn
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.