Ông Phạm Đức Mục, Phó vụ trưởng Vụ Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Mỗi ngày, toàn bộ hệ thống y tế trên toàn quốc sinh ra 140 – 150 tấn rác thải, trong đó có khoảng 40 tấn là rác thải độc hại, phải xử lý. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại nhất mà nước ta đang áp dụng là đốt thì vẫn sinh ra khói độc. Chính vì vậy, vấn đề xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải y tế đang là thách thức lớn đối với ngàng Y tế.
Giải pháp hiện nay được Bộ Y tế đưa ra là khuyến khích các cơ sở Y tế thành phố nhập hệ thống xử lý rác thải độc hại không đốt (khử khuẩn bằng hơi nóng hoặc vi sóng. Sau khi đã tiệt trùng, rác thải được đưa đi xử lý như rác thải y tế thông thường). Nhưng cho tới thời điểm này thì vẫn chưa có hệ thống hiện đại nào được nhập về. Các bệnh viện vẫn xử lý rác thải theo mô hình cũ như: thuê đơn vị Vệ sinh môi trường (có khả năng xử lý rác thải độc hại) hoặc xử lý rác thải theo cụm bệnh viện.
Sau hàng loạt sự cố liên quan đến rác thải y tế xảy ra trong năm 2007, Bộ Y tế đã ban hành thêm hàng loạt quy chế về phân loại và xử lý rác thải bệnh viện. Theo đó, các cơ sở y tế phải trích 1% doanh thu đầu tư cho hệ thống xử lý rác thải, đảm bảo có đầy đủ hai hệ thống xử lý nước thải và chất thải. Quy định về xử phạt khi phát hiện cơ sở sai phạm cũng được đưa ra. Tuy nhiên, ông Mục cũng thừa nhận, hiện tại ở các bệnh viện không phải tuyến TƯ thì vấn đề đạt chuẩn theo quy định của Bộ là rất khó.
P. THANH
Theo Dân Trí
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.