Thầy thuốc cũng là con người, một thành viên gia đình, xã hội. Họ cũng phải lo toan chuyện cơm, áo, gạo, tiền… như mọi công dân. Dù lương bổng của ngành y tế nói chung được xã hội xếp vào nhóm hành chính sự vụ, vì vậy đa số còn thấp so với mặt bằng chung, nhưng rất ít thầy thuốc đồng ý với lập luận “vì lương bổng quá thấp, làm việc căng thẳng nên chuyện tiêu cực là đương nhiên”. Muốn chữa bệnh kịp thời, vì “chữa bệnh như chữa cháy”, thầy thuốc phải sớm chẩn ra bệnh, hiểu rõ căn bệnh, thông thạo các loại thuốc men cần thiết…, nôm na là thầy thuốc phải có “học”, có trình độ chuyên môn.
Một số người trong ngành quan niệm rằng: “Nếu như sai sót của thầy thuốc do yếu kém chuyên môn, không phát hiện được bệnh còn có thể châm chước, nhưng sai sót về tinh thần phục vụ, thái độ giao tiếp, ứng xử thì hoàn toàn không thể chấp nhận được mà phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc”. Nhưng xã hội đang đòi hỏi người thầy thuốc cao hơn, bởi họ không đơn thuần hành nghề để kiếm sống, mà còn để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng: trị bệnh cứu người. Những sai sót của thầy thuốc, chủ quan hay khách quan đều có ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người… Cho nên để chữa trị được bệnh, thầy thuốc bắt buộc phải có “kiến thức”: không biết, không thành thạo không được làm; không ai có thể chấp nhận việc “có nhiệt tình, dám nghĩ dám làm” như trong những ngành, công việc khác. Bên cạnh học chuyên môn, người thầy thuốc cũng phải học “giáo dục công dân”, “đạo đức học”…, nghĩa là học “làm người”. Con người là sản phẩm của xã hội. Thiếu căn bản giáo dục cá nhân, gia đình, thiếu một nền tảng văn hóa, ứng xử từ xã hội, tất nhiên các thành viên xã hội, kể cả người thầy thuốc, không thể hành xử “đúng mực” như cộng đồng mong đợi.
Hậu quả khi người thầy thuốc thiếu trọn vẹn với y đức không chỉ là sức khỏe, tính mạng một con người cụ thể, mà còn là lòng tin của xã hội. Thầy thuốc vì lợi nhuận, lấy tư cách ngành nghề để kê toa thuốc theo hoa hồng, “bảo kê” cho nhiều mặt hàng thực phẩm chức năng để bán quá giá trị thực càng làm cho cuộc sống của người bệnh vì thế mà khó khăn hơn. Bệnh nhân vì mất tin tưởng thầy thuốc nên sẵn sàng nghe “lang vườn”, thậm chí bói toán, mách miệng…Thầy thuốc có y đức tốt cần phải có hai thành tố: phải có kiến thức tốt và được đào tạo chuyên môn bài bản và phải học môn “giáo dục công dân”, “nghĩa vụ luật”. Y đức cao quý, nhưng không quá cao xa. Khi chúng ta bỏ thói hô hào, phát động, thi đua mang tính hình thức và bắt tay thật sự từ gốc là bản thân, gia đình và xã hội, thì chắc chắn đạo đức xã hội nói chung và y đức nói riêng sẽ được phục hồi và phát huy.
TS.BS TRẦN BÁ THOẠI (BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng)
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.