Tuyến giáp là tuyến nội tiết vô quan trọng giữ vai trò thiết yếu trong việc chuyển hóa và phát triển. Bất kỳ bất thường nào của tuyến giáp cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
1. Bệnh tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ (nằm trước khí quản), có chức năng tiết, dự trữ và giải phóng hai hormone: T4 (Thyroxine) và T3 (Tri-iodo-thyronine). Rối loạn tuyến giáp có thể là nguyên nhân gây tiết ra quá nhiều hoặc quá ít hormone. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao, gồm những người đã hoặc đang đồng thời mắc bệnh nội tiết khác (chẳng hạn như đái tháo đường).
2. Chẩn đoán bệnh tuyến giáp như thế nào?
Chẩn đoán bệnh tuyến giáp dựa vào triệu chứng, khám lâm sàng và xét nghiệm. Các triệu chứng của bệnh lý tuyến giáp rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của các vấn đề sức khỏe khác.
Khi nuốt, tuyến giáp sẽ di chuyển và giúp việc thăm khám dễ dàng hơn, do đó, các bác sĩ thường yêu cầu người bệnh nuốt khi thăm khám lâm sàng. Bên cạnh thăm khám tuyến giáp, bác sĩ có thể sẽ khám về da, mắt, kiểm tra cân nặng và nhiệt độ cơ thể người bệnh.
3. Các xét nghiệm chẩn đoán vấn đề tuyến giáp
Những xét nghiệm giúp tìm ra nguyên nhân chính xác của vấn đề về tuyến giáp gồm:
- Xét nghiệm máu
- Siêu âm tuyến giáp
- Chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNA nhân giáp)
- Xạ hình tuyến giáp. Trong phương pháp này, người bệnh được uống một lượng nhỏ I-ốt đồng vị phóng xạ, sẽ có một camera đặc biệt phát hiện những vùng tuyến giáp hấp thụ I-ốt phóng xạ này. Kết quả xạ hình cho thấy những vùng tuyến giáp giảm hoặc tăng hoạt động. Phụ nữ có thai không được chỉ định thực hiện xét nghiệm này.
4. Một số bệnh lý liên quan đến tuyến giáp
- Suy giáp: là tình trạng bệnh lý gây ra do bất thường về cấu trúc và hoặc chức năng dẫn đến tổng hợp hormone giáp không đầy đủ.
- Cường giáp: là tình trạng nhiễm độc giáp tố do tuyến giáp tăng hoạt động chức năng sản suất hormone làm tăng nồng độ hormone giáp trong máu.
- Nhân giáp: là bệnh lý nội tiết thường gặp, đứng hàng thứ hai sau bệnh đái tháo đường. Đa số bướu giáp nhân không có triệu chứng, thường được phát hiện tình cờ với nhiều đặc điểm mô học khác nhau như: Bướu giáp đơn nhân, bướu giáp đa nhân, nang giáp keo, nang giáp xuất huyết, viêm giáp.
5. Biến chứng nguy hiểm của các vấn đề về tuyến giáp
Có nhiều biến chứng liên quan với từng bệnh lý cụ thể, để phòng ngừa cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa Nội tiết.
6. Làm thế nào để phòng ngừa các bệnh lý về tuyến giáp?
Người bệnh nên định kỳ khám chuyên khoa Nội tiết, siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm chức năng tuyến giáp và bổ sung i-ốt trong khẩu phần ăn.
7. Bệnh cường giáp có thể mang thai được không?
Phụ nữ mắc bệnh cường giáp vẫn có thể mang thai, tuy nhiên cần được điều trị để chức năng tuyến giáp về giai đoạn bình giáp. Trong thời gian mang thai, thai phụ phải được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa Nội tiết và bác sĩ Sản khoa.
8. Phương pháp điều trị cường giáp khi mang thai
Điều trị nội khoa bằng thuốc kháng giáp tổng hợp được khuyến cáo nếu không có chống chỉ định, trong đó PTU là thuốc được lựa chọn trong 3 tháng đầu thai kỳ vì ít gây dị tật cho thai nhi.
Để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám, vui lòng liên hệ Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải (Địa chỉ: Số 9, Lạc Long Quân, Khóm 5, Phường 7, Thành phố Cà Mau) qua tổng đài chăm sóc khách hàng 0290 357 58 59.