Lệch khớp cắn là tình trạng khớp cắn răng hàm trên và hàm dưới bị lệch, không khít với nhau. Đây là một trong nhiều vấn đề nha khoa phổ biến, gây ảnh hưởng thẩm mỹ của khuôn mặt và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng.
Lệch khớp cắn có ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ răng miệng? (Nguồn: Internet)
Phân loại lệch khớp cắn
- Khớp cắn ngược: Chúng ta thường gọi là móm. Xương hàm dưới đưa ra ngoài, phát triển ra trước quá mức trong khi xương hàm trên lại trẹt ra sau. Ở trường hợp này, môi dưới của người bệnh chìa ra hẳn so với môi trên.
- Khớp cắn hô: Hàm trên bị đẩy ra trước che phủ hàm dưới. Khi nhìn theo góc nghiêng sẽ thấy phần miệng bị nhô lên, khi cười hàm trên chìa ra ngoài môi. Những người bị khớp cắn hô lúc ngủ thường há miệng hoặc không thể ngậm kín miệng do bị hô nhiều.
- Khớp cắn sâu: Là khi răng hàm trên bao trùm tới khoảng ¾ răng hàm dưới, khi nhìn vào có thể không thấy hàm dưới. Thường thấy tình trạng hở lợi, khuôn mặt ngắn,…
- Khớp cắn chéo: Thông thường những người bị khớp cắn chéo sẽ không thấy biểu hiện rõ ra bên ngoài nhưng khi cười sẽ thấy răng lộn xộn, không cân đối.
- Khớp cắn hở: Răng ở hàm trên và hàm dưới không khít nhau, răng cửa không thể đóng chặt nên người đối diện có thể nhìn thấy lưỡi của người bệnh ngay cả khi khép răng ở trạng thái nghỉ thông thường.
Nguyên nhân nào dẫn đến lệch khớp cắn?
- Do di truyền: Các thế hệ trong gia đình có chung một tình trạng lệch khớp cắn tương tự nhau.
- Do chấn thương: Chấn thương, tai nạn vùng mặt có thể làm di lệch khớp cắn.
- Do thói quen xấu từ nhỏ: Thói quen mút tay, đẩy lưỡi, lạm dụng núm vú giả trong thời gian dài,…
- Xương hàm trên và dưới khác nhau về kích thước.
- Phương pháp chỉnh nha không phù hợp.
Lệch khớp cắn ảnh hưởng như thế nào?
Tùy vào tình trạng lệch khớp cắn mà sẽ có những ảnh hưởng lớn, nhỏ tới chức năng ăn nhai, phát âm và đặc biệt là thẩm mỹ của người bệnh.
- Chức năng ăn nhai bị ảnh hưởng, suy giảm: Người bị lệch khớp cắn sẽ gặp khó khăn trong ăn uống. Do bị lệch, khớp cắn không thể phân tán lực đều nên người bệnh sẽ phải dùng lực mạnh hơn thông thường để cắn, nhai đồ ăn. Điều này khi diễn ra trong một khoảng thời gian dài sẽ làm răng bị ảnh hưởng, co thắt cơ và dẫn tới các vấn đề khớp thái dương hàm.
- Ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng: Tình trạng răng lồi lõm sẽ gây khó khăn trong việc làm sạch răng miệng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm nha chu, sâu răng, viêm nướu,…
- Ảnh hưởng các phát âm: Khớp cắn lệch khiến lưỡi và môi không thể hoạt động linh hoạt nên có thể gây tình trạng ngọng, phát âm không chuẩn, làm giảm chất lượng giao tiếp, công việc, cuộc sống,…
- Ảnh hưởng thẩm mỹ gương mặt: Khớp cắn lệch khiến cho gương mặt mất cân đối, đặc biệt là ở phần miệng, hàm và cằm nên sẽ làm cho nhiều người cảm thấy tự ti, ngại giao tiếp.
Điều trị lệch khớp cắn
Với sự phát triển của y học hiện đại, ngày nay đã có nhiều phương pháp điều trị lệch khớp cắn, từ đó giúp người bệnh trở nên tự tin hơn, khắc phục các ảnh hưởng gây ra bởi tình trạng này.
- Chỉnh nha – niềng răng: Là phương pháp chỉnh răng và khớp cắn hiệu quả. Người bệnh có thể sẽ cần nhổ một hoặc nhiều răng vĩnh viễn để điều chỉnh, sắp xếp lại các răng khác. Sử dụng mắc cài hoặc khay niềng trong suốt để tái cấu trúc xương ổ răng. Các vật liệu này sẽ tạo áp lực nhỏ lên răng trong khoảng thời gian từ 1 – 3 năm, là phương pháp an toàn và bảo tồn răng thật tốt.
- Phẫu thuật chỉnh hàm: Áp dụng khi lệch khớp cắn do xương hàm. Tùy vào tình trạng lệch mà người bệnh sẽ được cắt bớt một phần xương hàm hoặc nối thêm xương.
- Bọc răng sứ thẩm mỹ: Áp dụng với trường hợp lệch khớp cắn nhẹ mà không phải do xương hàm.
Lệch khớp cắn không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Bởi vậy việc điều chỉnh khớp cắn càng sớm càng tốt là điều cần thiết. Khi có các biểu hiện lệch khớp cắn, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn phương pháp chỉnh sửa phù hợp.
Để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám, hãy liên hệ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Vinh (Địa chỉ: 99 Phạm Đình Toái, xã Nghi Phú, Tp Vinh, Nghệ An). Hotline: 0238 396 8888.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.