Tin tức y tế

Xuất huyết dịch kính sau chấn thương mắt

21/08/2008

Xuất huyết dịch kính sau chấn thương chiếm khoảng 12% – 18,8% các trường hợp xuất huyết dịch kính nói chung. Chấn thương mắt là nguyên nhân hàng đầu gây xuất huyết dịch kính ở người trẻ. Nguồn chảy máu vào khoang dịch kính có thể xuất phát từ các mạch máu của hắc mạc, của võng mạc, mống mắt, thể mi. Trong trường hợp xuất huyết dịch kính do hội chứng terson, máu trong sọ não đi theo màng mềm bao bọc thị thần kinh vào trong khoang dịch kính. Theo một số tài liệu nghiên cứu, 33% các trường hợp xuất huyết màng mềm (gặp trong chấn thương sọ não) có kèm theo xuất huyết nội nhãn, trong đó khoảng 6% bệnh nhân bị xuất huyết dịch kính.

Các triệu chứng thường gặp khi bị xuất huyết dịch kính: Về lâm sàng, sau chấn thương tùy theo mức độ xuất huyết dịch kính mà bệnh nhân có thể có các triệu chứng sau:

– Cảm giác đau có thể gặp ngay sau chấn thương và kéo dài một vài ngày sau chấn thương. Đau có thể do bản thân tình trạng chấn thương mắt hoặc do tăng nhãn áp. Tăng nhãn áp sớm sau chấn thương lúc này có thể do thể mi tăng tiết thủy dịch hoặc khối lượng thủy dịch tăng do máu nội nhãn. Đau xuất hiện muộn (một vài tuần) sau xuất huyết dịch kính thường là do glôcôm do tế bào ma (ghost-cell, bản chất là các tế bào hồng cầu bị thoái hóa) hoặc glôcôm do tan máu (hemolytic glaucoma).

– Trong trường hợp xuất huyết dịch kính nhẹ, bệnh nhân nhìn thấy như có khói, có hiện tượng “mưa bồ hóng” hoặc mạng nhện bay trước mắt. Đối với xuất huyết dịch kính trung bình và nặng, bệnh nhân bị giảm thị lực thậm chí đến mức chỉ còn khả năng nhận thức sáng tối.

– Một số bệnh nhân cảm giác có chớp sáng trước mắt, thường gặp trong trường hợp xuất huyết dịch kính có kèm theo các rách của võng mạc.

Thăm khám lâm sàng cho thấy, bên cạnh các triệu chứng của chấn thương xuyên nhãn cầu và chấn thương đụng dập nhãn cầu nói chung (sẹo giác mạc, sẹo củng mạc, đục vỡ thủy tinh thể, lệch thủy tinh thể, máu tiền phòng…), có thể thấy sự xuất hiện của máu trong buồng dịch kính. Tùy theo mức độ máu trong buồng dịch kính, có thể thấy máu trong buồng dịch kính chỉ là một dải hoặc từng đám trôi nổi hay toàn bộ buồng dịch kính là máu. Trong trường hợp còn quan sát được đáy mắt, có thể thấy một số tổn thương phối hợp của hắc võng mạc như xuất huyết hắc – võng mạc, rạn màng Bruch, rách võng mạc…

Thăm khám cận lâm sàng bao gồm siêu âm B để đánh giá tình trạng võng mạc (có bong võng mạc không?…). Trong một số trường hợp cần thiết, CT scanner giúp chẩn đoán xác định dị vật nội nhãn, nhổ giật của thị thần kinh hoặc một số trường hợp vỡ củng mạc ở phía sau…

Điều trị xuất huyết dịch kính sau chấn thương

Điều trị nội khoa bao gồm:

– Nằm nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, đầu cao 30oC – 45oC, băng kín 2 mắt nhằm tránh chảy máu tái phát và tạo điều kiện cho hồng cầu lắng đọng xuống dưới.

– Bệnh nhân cần được điều trị các chấn thương phối hợp bằng kháng sinh (trong trường hợp chấn thương xuyên nhãn cầu), chống viêm tích cực bằng corticoid, chống dính đồng tử bằng tra mắt dung dịch atropin.

– Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng thêm tam thất bột 10g/ngày, uống nhiều nước (0,5l/lần lúc đói, chú ý người tăng huyết áp hoặc có bệnh tim mạch cần thận trọng khi uống nhiều nước).

– Bệnh nhân được theo dõi định kỳ 2-5 ngày một lần nhằm loại trừ bong võng mạc. Sau đó, thời gian theo dõi có thể thưa dần 1-2 tuần cho đến khi máu dịch kính tiêu hết.

Điều trị phẫu thuật bằng cắt dịch kính xuất huyết được chỉ định trong các trường hợp:

– Xuất huyết dịch kính dày đặc, kéo dài không có khả năng tiêu máu.

– Xuất huyết dịch kính có kèm theo bong võng mạc.

– Xuất huyết dịch kính kèm theo glôcôm do tan máu hoặc glôcôm do tế bào ma.

Biến chứng do xuất huyết dịch kính: Xuất huyết dịch kính nếu không được điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng như:

– Hiện tượng nhiễm sắt của nhãn cầu (hemosiderois bulbi) kèm theo nhiễm độc của tế bào cảm thụ ánh sáng.

– Hiện tượng tăng nhãn áp do sự lắng đọng của các tế bào hồng cầu bị thoái hóa (ghost cell glaucoma) hoặc sự lắng đọng của các mảnh vụn tế bào hồng cầu, các đại thực bào chứa đầy hemoglobin (hemolytic glaucoma)…

– Một số trường hợp xuất huyết dịch kính ở người trẻ và đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi có thể bị cận thị hóa hoặc nhược thị.

TS. ThS. THẨM TRƯƠNG KHÁNH VÂN

Theo SK&ĐS

 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.