Tin tức y tế

Xác định chính xác tổn thương cột sống qua chụp MRI

17/01/2011

Tôi bị đau từ vùng thắt lưng, mông bên trái và lan xuống đùi, bắp chân, đi lại khó khăn. Chụp phim xương chậu thì bác sĩ nói là không bị tổn thương, city vùng thắt lưng cũng không bị thoát vị. Tôi đã điều trị đông y thì 2 năm nay cơn đau như thế không xuất hiện, nhưng gần đây thì cơn đau xuất hiện trở lại và đau nhiều nhất ở vùng mông bên trái và lan nhẹ xuống đùi và bắp chân. Xin hỏi BS triệu chứng như thế thì có phải là đau thần kinh tọa không? Cách điều trị như thế nào? Mong BS chỉ giúp (H.T)

Trả lời: Chào bạn, Đau thần kinh tọa là thuât ngữ y khoa dùng để chỉ có sự chèn ép hoặc viêm nhiễm thần kinh tọa. triệu chứng lâm sàng của nó là đau xuất hiện từ cột sống thắt lưng lan xuống 1 hoăc 2 chân ở mặt ngoài hoăc mặt sau đùi. Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa cũng có rất nhiều nhưng hay gặp là do: Viêm rễ thần kinh; Hẹp ống sống nguyên phát hay thứ phát do hậu quả của hư đĩa đệm; Mang vác vật nặng không đúng tư thế khiến cho cơ ở phần mông bị co lại chèn ép vào dây thần kinh tọa….

Khi bạn bị đau thần kinh tọa, thì để chắc chắn bạn nên chụp kỹ thuật cao đó là MRI mới có thể thấy chính xác những tổn thương trong cột sống của bạn. Nếu bạn đau thần kinh tọa do khối thoát vị đĩa đệm chèn ép thì tùy theo mức độ mà bác sĩ có chỉ định mổ hoặc điều trị phẩu thuật hay điều trị nội khoa. Người ta thống kê rằng 80% đau thần kinh tọa có thể điều trị khỏi bằng phương pháp nội khoa, còn lại có thể phải mổ hoặc chuyển sang một phương  pháp can thiệp khác.

Chúng tôi xin trình bày một số lưu ý như sau trong sinh hoạt:

– Cần tập thể dục vừa sức, thường xuyên để nâng cao thể lực.

– Áp dụng các bài tập tăng cường sự dẻo dai, khỏe mạnh của các khối cơ lưng cạnh cột sống, cơ bụng và tăng sự mềm mại của cột sống.

– Tuyệt đối không tập luyện các động tác thể thao hoặc vận động quá mức như bóng chuyền, tennis, vác balô nặng.

– Không nên nhảy từ trên cao xuống hoặc thay đổi tư thế một cách đột ngột.

– Bảo đảm tư thế đúng khi đứng, ngồi, mang vác… hay nhấc vật nặng.

– Cần đứng trên tư thế thẳng, không rũ vai, gù lưng. Để tránh khom lưng, khi đọc và viết lâu, nên ngồi gần bàn viết, ghế không quá cao hoặc bàn viết không quá thấp.

– Nếu phải ngồi lâu, nên thường xuyên đứng lên và làm các động tác thể dục giữa giờ.

– Tránh khiêng vác vật nặng, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi lom khom.

– Không bao giờ mang vật nặng ở một bên người hay trong thời gian dài…

Thân mến!

BS. VƯƠNG HỮU ĐỊNH
Chuyên Khoa Cơ Xương Khớp – BV Hoàn Mỹ Sài Gòn

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.