Hoàn Mỹ

Phẫu thuật thay khớp háng cho người lớn tuổi

20/09/2024

Người lớn tuổi thường đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là liên quan đến hệ cơ xương khớp. Trong số đó, gãy xương vùng hông, đặc biệt là gãy cổ xương đùi, là một trong những chấn thương phổ biến nhất. Phẫu thuật thay khớp háng đã trở thành một giải pháp hiệu quả giúp người cao tuổi phục hồi chức năng vận động và giảm thiểu đau đớn. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng này, cũng như giải thích về lợi ích của phẫu thuật thay khớp háng cho người lớn tuổi.

Tại sao người cao tuổi dễ bị gãy xương vùng hông?

Người cao tuổi dễ bị té ngã dẫn đến gãy xương vùng hông, cổ xương đùi và mấu chuyển do một số nguyên nhân chính sau:

  • Suy giảm sức mạnh cơ bắp và hệ thống xương khớp: Trương lực cơ suy giảm theo tuổi tác, làm cho cơ thể mất dần khả năng giữ thăng bằng khi di chuyển, dễ dẫn đến té ngã.
  • Loãng xương: Tuổi càng cao, xương càng dễ mất đi độ chắc chắn và mật độ xương suy giảm, làm cho xương trở nên giòn, yếu và dễ gãy.
  • Phản xạ chậm: Người lớn tuổi thường có phản xạ với các tình huống khẩn cấp kém, không thể nhanh chóng giữ lại thăng bằng hoặc giảm thiểu tác động khi té ngã.
  • Thị lực kém: Suy giảm thị lực khiến việc định vị chướng ngại vật khó khăn hơn, làm gia tăng nguy cơ té ngã.
  • Các bệnh lý mãn tính: Những bệnh lý như suy thận, tiểu đường, và Huyết áp cao làm suy giảm sức khỏe toàn diện và ảnh hưởng đến khả năng vận động. Thường xuyên phải di chuyển trong đêm để đi vệ sinh cũng là một nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ bị ngã.
Hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla SIGNA™ Hero tại Bệnh viện Hoàn Mỹ giúp phát hiện chính xác tổn thương cơ xương khớp

Hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla SIGNA™ Hero tại Bệnh viện Hoàn Mỹ giúp phát hiện chính xác tổn thương cơ xương khớp

Gãy xương vùng cổ xương đùi và mấu chuyển: Hệ lụy nghiêm trọng

Khi người cao tuổi bị ngã, lực tác động mạnh lên vùng hông và mấu chuyển khiến xương gãy tại đây. Điều này đặc biệt nguy hiểm do cấu trúc giải phẫu của xương đùi và hệ thống cung cấp máu cho vùng này. Khi bị gãy, mạch máu nuôi dưỡng phần cổ và chỏm xương đùi bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ cao không liền xương hoặc tiêu chỏm.

Gãy xương vùng này không chỉ gây đau đớn mà còn kéo theo những hệ lụy về mặt sức khỏe do người bệnh phải nằm bất động trong thời gian dài:

  • Loét do tỳ đè: Việc phải nằm lâu dẫn đến các vùng da như mông, gót chân, và lưng dễ bị loét, gây nhiễm trùng.
  • Viêm phổi: Do ít vận động và sức đề kháng kém, người bệnh dễ mắc viêm phổi và các biến chứng về hô hấp.
  • Viêm tắc tĩnh mạch sâu: Nằm lâu có thể gây ra viêm tắc tĩnh mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Khó khăn trong chăm sóc cá nhân: Người bệnh gặp khó khăn trong vệ sinh cá nhân và phải phụ thuộc vào sự chăm sóc từ người thân hoặc y tá.

Phẫu thuật thay khớp háng

Đối với những bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi hoặc mấu chuyển, phẫu thuật thay khớp háng là một giải pháp giúp giảm thiểu đau đớn và phục hồi khả năng vận động. Đây là phương pháp mang lại nhiều lợi ích đáng kể, giúp người bệnh có thể di chuyển, ngồi dậy, và sinh hoạt lại một cách tương đối bình thường ngay sau phẫu thuật.

Lợi ích của phẫu thuật thay khớp háng:

  • Giảm đau nhanh chóng: Phẫu thuật thay khớp háng giúp giảm đau một cách hiệu quả, đặc biệt là đau do tổn thương gãy xương.
  • Khả năng vận động sớm: Người bệnh có thể ngồi dậy và vận động ngay sau khi phẫu thuật, điều này giúp giảm nguy cơ các biến chứng do nằm lâu như viêm phổi hay loét do tỳ đè.
  • Phục hồi chức năng: Sau phẫu thuật, người bệnh được tập luyện phục hồi chức năng để lấy lại khả năng đi lại và vận động hằng ngày.
  • Giảm nguy cơ biến chứng: So với việc điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật kết xương, thay khớp háng giúp bệnh nhân tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm do phải bất động trong thời gian dài.

Những yếu tố cần cân nhắc trước khi phẫu thuật

Mặc dù phẫu thuật thay khớp háng mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, người bệnh và gia đình cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định. Một số yếu tố quan trọng bao gồm:

  • Tình trạng sức khỏe tổng thể: Bệnh nhân cần được đánh giá về sức khỏe tổng quát, bao gồm các bệnh lý phối hợp như tiểu đường, tim mạch, Huyết áp cao để đảm bảo an toàn khi phẫu thuật.
  • Nguy cơ từ gây mê và phẫu thuật: Gây tê, gây mê và các nguy cơ trong quá trình phẫu thuật cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh các biến chứng không mong muốn.
  • Phục hồi chức năng sau mổ: Việc tập luyện phục hồi chức năng ngay sau phẫu thuật là rất quan trọng để đảm bảo người bệnh lấy lại khả năng vận động, tránh các biến chứng do nằm lâu.

Phẫu thuật thay khớp háng là một giải pháp tối ưu cho người cao tuổi bị gãy cổ xương đùi hoặc mấu chuyển, giúp giảm đau, phục hồi vận động và giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, việc quyết định phẫu thuật cần được thực hiện cẩn thận dựa trên tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh và sự đồng thuận giữa gia đình và bác sĩ.