Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Sơ cấp cứu người bệnh chấn thương đứt mạch máu lớn

02/07/2024

Định nghĩa chung: Chảy máu động mạch là một tình trạng khẩn cấp có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Để tự bảo vệ và giúp người khác đảm bảo an toàn. Việc hiểu rõ về đặc điểm và biện pháp xử lý, sơ cứu chảy máu động mạch là vô cùng quan trọng.

Khi động mạch bị đứt hoặc tổn thương, máu có thể phun ra mạnh mẽ và chảy thành tia, tình trạng này được gọi là chảy máu động mạch. Dạng chảy máu này rất nguy hiểm nhất vì có khả năng gây mất máu lớn trong thời gian ngắn, dễ khiến người bệnh tử vong.

Cách sơ cứu khi bị chảy máu động mạch

Để sơ cứu vết thương chảy máu động mạch, người thực hiện cần bình tĩnh xử lý, thao tác nhanh chóng, cẩn trọng và chính xác.

Đối với trường hợp máu phun ra nhiều và thành tia, ngay lập tức hãy đặt một miếng gạc lên vết thương và ấn mạnh lực để ngăn chảy máu. Thực hiện hành động này thật nhanh chóng để tránh mất máu quá mức. Đặt cho người bệnh nằm đầu bằng để giảm triệu chứng như tụt huyết áp. Về việc sử dụng băng ga-rô, hãy chỉ áp dụng khi chảy máu động mạch ở tay hoặc chân và không thể kiểm soát được bằng áp lực thường. Sử dụng băng ga-rô như một phương tiện cuối cùng vì nó có thể gây tổn thương cho tế bào. Trong quá trình sử dụng, hãy đảm bảo nới lỏng băng ga-rô mỗi 10 phút một lần để duy trì lưu thông máu, đồng thời vẫn giữ áp lực bằng tay để ngăn chặn mất máu quá mức.

Hướng dẫn sử dụng băng ga-rô bao gồm việc sử dụng miếng bó từ máy đo huyết áp hoặc băng thun, quấn quanh phía trên vết thương, siết chặt để ngăn chặn máu.

Những điều cần lưu ý khi sơ cứu cầm máu cho nạn nhân

Để quá trình sơ cứu đảm bảo an toàn và hiệu quả, người thực hiện cần lưu ý những điều dưới đây:

  • Ép trực tiếp lên vết thương: Nhanh chóng áp đặt áp lực trực tiếp lên vết thương chảy máu động mạch. Trước khi làm điều này, có thể đặt một miếng gạc hoặc miếng vải sạch lên vết thương.
  • Biện pháp sơ cứu cầm máu: Tùy thuộc vào mức độ chảy máu, sử dụng tay bệnh nhân hoặc bàn tay để ép vết thương (nếu bệnh nhân không thể tự làm điều này).
  • Nâng cao vùng bị tổn thương: Đặt nạn nhân nằm thoải mái, nâng cao vùng bị tổn thương để giảm áp lực máu tới vùng này.
  • Dùng băng cuộn hoặc băng thun: Sử dụng băng cuộn hoặc băng thun để áp đặt miếng gạc hoặc miếng vải vào vết thương. Tránh băng quá chặt như ga-rô.
  • Xử lý vết thương đâm xuyên: Đối với vết thương chảy máu động mạch có dị vật, không rút dị vật ra. Sử dụng miếng vải vuông hoặc gạc để tạo vòng đệm xung quanh dị vật và sau đó băng ép như với vết thương không có dị vật.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu: Cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch khác từ cơ thể nạn nhân. Sử dụng găng tay hoặc túi nilon để bảo vệ bản thân.

Nguyên nhân

Các nguyên nhân gây đứt động mạch rất đa dạng chủ yếu là do đứt động mạch do chấn thương, thường là do một chấn thương xuyên thấu các mạch máu hoặc một vết thương xuyên thấu qua trung thất.

Dấu hiệu

Một số dấu hiệu lâm sàng gợi ý đứt động mạch bao gồm:

  • Huyết áp thấp do sốc giảm thể tích;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Da xanh mét, tím tái;
  • Trạng thái tinh thần của bệnh nhân bị thay đổi;
  • Bầm tím vùng sườn, dấu hiệu chảy máu sau phúc mạc.

Điều trị

Vừa qua tại bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị người bệnh bị máy cắt thẳng vào đùi trái, vết thương chảy rất nhiều máu. Người bệnh được đồng nghiệp sơ cứu rồi đưa đến bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cấp cứu. Ngay sau khi tiếp nhận người bệnh, ê-kíp trực kích hoạt báo động đỏ nội viện, đưa thẳng người bệnh lên phòng mổ. Qua kiểm tra, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân đứt động mạch và tĩnh mạch đùi, tổn thương thần kinh hiển và dập nát nhiều tổ chức xung quanh vết thương. Các bác sĩ tiến hành khâu phục hồi động – tĩnh mạch đùi và các thương tổn kèm theo. Sau mổ 3 ngày, người bệnh tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vận động được chân bên tổn thương, đầu chi hồng ấm.

Phòng ngừa

Chảy máu động mạch là tình trạng đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được xử lý ngay lập tức. Để giảm thiểu nguy cơ và bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh, hãy thực hiện những biện pháp phòng tránh sau đây:

  • Quản lý môi trường : Quản lý các vật dụng xung quanh các khu vực có nguy cơ nguy hiểm như góc bàn, nơi có vật dụng sắc nhọn hay các vật dụng gây chấn thương nặng.
  • An toàn với vật dụng sắc nhọn: Đảm bảo rằng dao, kéo và các công cụ sắc nhọn được lưu trữ ở những nơi dể quan sát và thấy được.
  • Học cách sử dụng an toàn: Nếu bạn là người sử dụng các công cụ sắc nhọn, hãy học cách sử dụng chúng một cách an toàn và tuân thủ các biện pháp an toàn liên quan.
  • Kiểm tra và bảo dưỡng vật dụng: Thường xuyên kiểm tra các vật dụng sắc nhọn, đặc biệt là dao và kéo, để đảm bảo chúng còn an toàn không gây nguy hiểm khi sử dụng.

Bằng cách thực hiện những biện pháp này, bạn có thể giảm nguy cơ chảy máu động mạch và đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.


Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long:

🏥 Địa chỉ: Lô 20 Võ Nguyên Giáp, Phường Phú Thứ, Quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ.

☎️ Biệt đội Cấp cứu 916 (24/24): 02923 916 916

☎️ Tổng đài Chăm sóc khách hàng: 02923 917 901

🌐 Website: https://hoanmy.com/cuulong/

👉 Fanpage: https://www.facebook.com/BenhvienHoanMyCuuLong

👉 Youtube: https://www.youtube.com/@bvhoanmycuulong