Ngày 10/02 vừa qua, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa phẫu thuật thành công cho một trường hợp bị u trong ống sống hiếm gặp.
Cụ thể, người bệnh Đ.T.T.L. (sinh năm 1978, ngụ huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng đi lại chậm chạp, khó khăn, đau khớp háng trái.
Trước đó, bệnh nhân đã đi khám nhiều lần, dựa vào kết quả chụp Xquang và siêu âm, người bệnh được chẩn đoán viêm khớp háng. Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc khoảng 2 tháng vẫn không thuyên giảm.
Ngày 06/02, người bệnh đi khám và được bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng và phát hiện có 1 khối u trong ống sống, chèn ép rễ thần kinh chùm đuôi ngựa. Người bệnh được cho nhập viện và chỉ định phẫu thuật lấy khối u. Sau 3 tiếng phẫu thuật, đội ngũ thực hiện phẫu thuật đã thành công lấy ra khỏi ống sống người bệnh khối u kích thước 01x01cm, giải áp hoàn toàn chùm đuôi ngựa. Sau phẫu thuật, người bệnh đã hết đau khớp háng và hiện đang được tập vật lý trị liệu để phục hồi.
Bác sĩ Vũ Ngọc Bảo Quỳnh thực hiện kiểm tra cho người bệnh sau phẫu thuật
Phẫu thuật viên chính BS.CKI. Vũ Ngọc Bảo Quỳnh – Phó Khoa Chấn thương chỉnh hình phục hồi chức năng – cho biết: U trong ống sống là 1 căn bệnh hiếm gặp và chỉ có thể phát hiện khi người bệnh được chụp MRI.
Vị trí u trong ống sống ở khu vực chùm đuôi ngựa – nơi tập hợp các dây thần kinh ở phần cuối của tủy sống, chi phối vận động, cảm giác cho hai chân và chức năng kiểm soát tiểu tiện của cơ thể. Do đó, nếu không can thiệp lấy bỏ u kịp thời, người bệnh sẽ dần mất khả năng kiểm soát tiểu tiện và yếu liệt dần hai chân.
BS. Quỳnh cho biết thêm vì khối u xuất phát từ một sợi thần kinh nên khi phẫu thuật cắt bỏ khối u, người bệnh phải chấp nhận cắt bỏ 1 sợi dây thần kinh. Vì vậy, người bệnh sẽ bị giảm cảm giác một vùng của chân.
U trong ống sống chiếm tỉ lệ từ 5-10% các khối u của hệ thần kinh trung ương, tỉ lệ khoảng 0,5 – 2,5% dân số. U trong ống sống là bệnh lý nguy hiểm có thể gây liệt và thậm chí tử vong. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh lý này lại khá giống với các bệnh lý xương khớp thông thường nên người bệnh thường chủ quan và đến khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Chính vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo bệnh nhân không được chủ quan, cần phải khám sớm, khám đúng chuyên khoa và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng cần thiết. Việc phát hiện sớm sẽ giúp nâng cao cơ hội điều trị, phòng ngừa nguy cơ biến chứng và tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này của người bệnh.