Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Khám tiêu hóa vô tình phát hiện tổn thương thận cấp | Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

27/02/2023

Vừa qua, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tiếp nhận trường hợp anh T.V.C (1972, ngụ tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng tiêu phân lỏng, mệt nhiều, tiểu ít.

Qua khai thác bệnh sử, anh C. có triệu chứng đau bụng quặn từng cơn kèm tiêu phân lỏng lượng vừa đến nhiều và không đi tiểu được đã 02 ngày. Anh có tiền sử bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2 và đã dùng thuốc nam không rõ loại. Dựa trên các dấu hiệu này, các bác sĩ đã khám bệnh và cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm máu, siêu âm bụng và xét nghiệm nước tiểu. Kết quả cho thấy người bệnh có tình trạng tổn thương thận cấp giai đoạn vô niệu 48 giờ.

Các bác sĩ khẩn trương cho người bệnh tiến hành chạy thận cấp cứu. Người bệnh được tiếp tục điều trị chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần và xuất viện sau 2 tuần điều trị nội trú, tiếp tục lọc thận ngoại trú. Sau 3 tháng điều trị, chức năng thận của người bệnh cải thiện, độ lọc cầu thận tăng dần, nước tiểu được 2 lít – 2.5 lít mỗi ngày. Người bệnh được ngưng chạy thận và tái khám theo dõi chức năng thận mỗi 2 tuần.

Theo BS.CKI Đoàn Thị Thanh Tâm – Trưởng Đơn vị Lọc Thận, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn chia sẻ: “Biểu hiện lâm sàng của bệnh lý thận rất đa dạng, gồm các triệu chứng trực tiếp gây ra bởi sự tổn thương cấu trúc thận như tiểu máu, tiểu bọt hay suy giảm chức năng thận như phù, tiểu ít, tăng huyết áp, hội chứng ure huyết cao. Tuy nhiên, người bệnh không có triệu chứng và chỉ được phát hiện tình cờ thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc đến khám bệnh vì một bệnh lý khác, vô tình phát hiện creatinine huyết thanh cao, bất thường trên tổng phân tích nước tiểu, hoặc bất thường trên hình ảnh học của thận (siêu âm thận) như trường hợp của anh C.”

BS.CKI Đoàn Thị Thanh Tâm đang thăm khám người bệnh

Thông tin thêm về bệnh Suy thận cấp tính (AKI):

Bệnh lý thận có thể là cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Tổn thương thận cấp (AKI) là tình trạng suy giảm chức năng thận diễn tiến từ vài giờ đến vài ngày, thường được chẩn đoán tại khoa cấp cứu, hoặc ở những bệnh nhân nằm viện, hoặc sau khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật.

Đa số bệnh nhân AKI không có triệu chứng rõ ràng, và thường được chẩn đoán dựa trên xét nghiệm. Bệnh nhân AKI trước thận có thể bệnh sử nôn ói, tiêu lỏng, tụt huyết áp, xuất huyết hoặc tiểu quá mức. Khi thăm khám có thể ghi nhận nhịp tim nhanh, tụt huyết áp tư thế, khô niêm mạc. Bệnh nhân AKI tại thận thường có tiền sử dùng thuốc độc thận hoặc thuốc cản quang, hoặc có biểu hiện của bệnh lý hệ thống như hủy cơ vân hay viêm mạch máu. Vân xanh tím (livedo reticularis) là những ban tím xuất hiện ở chi dưới, thành bụng gợi ý bệnh lý huyết khối do xơ vữa, có thể đi kèm với các biểu hiện toàn thân hoặc tổn thương đa cơ quan. Người bệnh AKI sau thận có thể có phì đại tiền liệt tuyến hoặc các triệu chứng ở bụng thứ phát do u. Khi thăm khám lâm sàng có thể phát hiện bàng quang dãn to, tiền liệt tuyến lớn, hoặc sờ thấy khối ở bụng.

Nếu bệnh nhân AKI nặng, bất kể do nguyên nhân gì, có thể có hội chứng ure huyết cao, gồm mệt mỏi, thờ ơ, buồn nôn, nôn, lú lẫn, quá tải thể tích, và rối loạn điện giải như hạ natri, tăng kali máu.

Không có một chỉ định rõ ràng khi nào cần phải điều trị thay thế thận, đa số cần đến thay thế thận khi kháng trị với điều trị nội khoa ban đầu: tăng kali máu nặng với biến đổi điện tim, phù phổi cấp nặng, toan chuyển hóa, ngộ độc các chất có thể lọc được qua màng lọc (ví dụ: methanol, ethylene glycol, lithium, salicylates), và các biến chứng của ure huyết cao (như viêm màng ngoài tim, bệnh não). Tùy thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng, có thể chọn lựa lọc máu liên tục hay ngắt quãng. Đa số bệnh nhân AKI không cần phải lọc máu lâu dài.

Người bị suy thận cần có chế độ ăn uống hợp lý như sau:

  • Không nên tiêu thụ nhiều kali có trong các loại thực phẩm như cam, chuối, nho, đu đủ, hạt dẻ, bắp cải, súp lơ, cafe…
  • Kiểm soát lượng muối trong khẩu phần ăn, tối đa là 1500mg/ngày, hạn chế tối đa các món ăn quá mặn như dưa muối, nước mắm, cá biển…
  • Bổ sung lượng đạm vừa đủ, hạn chế các loại thức ăn nhiều đạm như: thịt gà, thịt heo, cá, trứng, tôm… và đảm bảo khẩu phần ăn có ít nhất 50% đạm động vật
  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều photpho như các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, sữa, bia…cũng như tăng cường bổ sung canxi cho cơ thể

Để phòng ngừa bệnh suy thận hãy áp dụng những phương pháp sau:

  • Thay đổi lối sống
  • Giữ huyết áp đúng chỉ định bác sĩ đặt ra. Đối với hầu hết mọi người, mục tiêu huyết áp thường là dưới 140/90 mm Hg
  • Kiểm soát nồng độ đường và Cholesterol trong máu
  • Tập thể dục hằng ngày, duy trì cân nặng lý tưởng
  • Không hút thuốc lá
  • Thay đổi chế độ ăn uống
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ. Không dùng các loại thực phẩm chức năng, thuốc nam, thuốc tàu không rõ nguồn gốc.
  • Uống đủ 1,5 – 2 lít nước trong một ngày, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc vận động ra nhiều mồ hôi
  • Thực hiện chế độ ăn giảm muối, giảm đạm, giảm dầu mỡ

BS.CKI Đoàn Thị Thanh Tâm – Trưởng Đơn vị Lọc Thận, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn