Tin tức y tế

Đau thần kinh tọa: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị hiệu quả

16/11/2023

Đau thần kinh tọa là hội chứng thần kinh thường gặp ở những người lao động chân tay hoặc nhân viên văn phòng phải ngồi liên tục hàng giờ đồng hồ. Tại Việt Nam, bệnh lý này chiếm tỉ lệ 41.45% trong nhóm bệnh cột sống, gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt hàng ngày. Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu và những cách điều trị hiệu quả trong bài viết dưới đây.

>> Xem thêm:

Đau thần kinh tọa là gì?

Đau thần kinh tọa là cảm giác khó chịu, đau như kim châm ở các bộ phận nằm dọc theo dây thần kinh tọa như cột sống thắt lưng, mặt đùi, mắt cá chân, ngón chân,… Triệu chứng bệnh có thể là cảm giác đau nhẹ hoặc dữ dội tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

Cơn đau có thể do chấn thương hoặc sự kích thích của dây thần kinh hông to, thường xảy ra ở độ tuổi lao động từ 30 đến 50 tuổi. Bệnh kéo dài tạo cảm giác khó chịu và gây khó khăn trong việc sinh hoạt, hoạt động đời thường.

Dây thần kinh bị chèn ép gây đau nhức, khó khăn trong sinh hoạt
Dây thần kinh bị chèn ép gây đau nhức, khó khăn trong sinh hoạt (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

Một số nguyên nhân gây cảm giác đau thần kinh tọa có thể kể đến như:

  • Thoái hóa đĩa đệm: Đĩa đệm bị trượt hoặc tổn thương, tác động mạnh hoặc đè trực tiếp lên dây thần kinh tọa, gây ra tình trạng đau nhức kéo dài.
  • Thoái hóa khớp: Xương ở vùng lưng dưới tạo thành các phần gai không bằng phẳng, chèn ép dây thần kinh và gây ra cảm giác châm chích khó chịu.
  • Chấn thương: Các chấn thương vô ý có thể làm trật các khớp xương, làm kích thích sưng dây thần kinh tọa hoặc viêm đĩa đệm.
  • Một số tình trạng khác như có khối u, những bệnh lý nhiễm trùng và tổn thương dây thần kinh, gây cảm giác đau nhẹ đến dữ dội trong thời gian dài.
Đĩa đệm tổn thương tác động dây thần kinh
Đĩa đệm tổn thương tác động dây thần kinh (Nguồn: Internet)

Dấu hiệu và triệu chứng đau thần kinh tọa

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh lý mà đau thần kinh tọa sẽ có những triệu chứng khác nhau.

  • Đau nhói các vùng dọc dây thần kinh tọa như: cột sống thắt lưng, mặt đùi, mắt cá chân, ngón chân. Tình trạng đau có thể nặng hơn nếu tình trạng bệnh kéo dài.
  • Cảm giác khó di chuyển bàn chân tạm thời, yếu và tê vùng xung quanh bàn chân.
  • Cảm giác đau dữ dội các vùng như lưng, chân,…khi cơ thể vận động nhẹ hoặc hắt xì hơi, ho,… Nếu vẫn tiếp tục ngồi lâu thì tình trạng có thể chuyển biến xấu, bạn nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn ngay.

>> Xem thêm: Stress là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Đau nhói ở vùng dọc dây thần kinh khi di chuyển
Đau nhói ở vùng dọc dây thần kinh khi di chuyển (Nguồn: Internet)

Chẩn đoán đau thần kinh tọa như thế nào?

Một số bài kiểm tra có thể thực hiện nhanh để chẩn đoán được bệnh lý như:

  • Kiểm tra sức mạnh bàn chân bằng cách chỉ đi bằng gót chân hoặc mũi chân.
  • Kéo giãn cơ để xác định khả năng vận động của cơ bắp.
  • Nâng cao chân để xác định điểm đau.

Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện một số biện pháp để chẩn đoán chính xác bệnh lý hơn như:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang cột sống giúp xác định vùng xương bị tổn thương hoặc phát hiện những tổn thương của vùng đĩa đệm hay các bệnh lý nhiễm trùng.
  • Chụp CT hoặc chụp MRI: Hình thức này giúp thấy rõ những hình ảnh chi tiết của các vị trí xương và xem xét được vùng tổn thương.
  • Đo điện cơ: Bác sĩ sẽ xác định được khả năng phản ứng của cơ bắp nhờ tốc độ xung điện di chuyển qua dây thần kinh.
  • Chụp tủy đồ: Biện pháp này giúp xác định nguyên nhân đau có phải từ đĩa đệm hoặc đốt sống hay không.
Tùy dấu hiệu và tình trạng sẽ có phương pháp chẩn đoán phù hợp
Tùy dấu hiệu và tình trạng sẽ có phương pháp chẩn đoán phù hợp (Nguồn: Internet)

Phương pháp điều trị đau thần kinh tọa

Tùy mức độ và cảm giác đau, bạn cần có phương pháp điều trị phù hợp để mau chóng chữa khỏi những cản trở, khó chịu do bệnh lý này gây ra.

Vật lý trị liệu

Kết hợp chương trình vận động để giúp cơ thể linh hoạt và tăng cường cơ bắp hỗ trợ lưng. Có thể thực hiện một vài bài tập nhẹ dưới đây:

  • Xà đơn treo người nhẹ, kéo giãn cơ, bơi.
  • Mát xa theo liệu pháp kê đơn.
  • Đeo đai lưng để tránh vận động mạnh, tác động đến dây thần kinh.

>> Xem thêm: Rối loạn lo âu: Nguyên nhân, Triệu chứng & Phương pháp điều trị

Đeo đai lưng hỗ trợ giữ vị trí xương
Đeo đai lưng hỗ trợ giữ vị trí xương (Nguồn: Internet)

Điều trị nội khoa

Bạn cần hạn chế vận động mạnh hoặc quá đột ngột, hay ngồi quá lâu trong khoảng thời gian dài để tránh tình trạng dây thần kinh bị tổn thương.

>> Xem thêm:

Điều trị ngoại khoa

Với tình trạng bệnh nặng, bác sĩ có thể dựa vào tình trạng bệnh để sử dụng phương pháp phẫu thuật phù hợp như:

  • Phẫu thuật lấy nhân đệm: Là phương pháp cắt bỏ một phần đệm gây tổn thương dây thần kinh. Đây là cách được thực hiện sau khi điều trị vật lý/nội khoa sau 3 tháng không hiệu quả.
  • Điều chỉnh đốt sống: Cố định đốt sống bằng cách nẹp vít hoặc cắt cung sau đốt sống để giảm tình trạng đau, tuy nhiên với phương pháp này, bệnh vẫn có thể tái phát về sau.
Phẫu thuật chấn thương cột sống
Phẫu thuật chấn thương cột sống (Nguồn: Internet)

Điều trị bằng thuốc

Có thể dùng các thuốc giảm đau như paracetamol, NSAID để tạm thời giảm các cơn đau. Tuy nhiên, cần nắm rõ những tác dụng phụ liên quan đến dạ dày, gan, tim,…trước khi sử dụng.

Với tình trạng nặng hơn, bạn có thể được bác sĩ kê các loại thuốc chuyên trị như thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau thần kinh, vitamin B,… Hoặc có thể tiêm corticosteroid dưới hướng dẫn của màn huỳnh quang tăng sáng.

Hỗ trợ chườm

Chườm nóng hoặc lạnh ở vùng đau khoảng 20 phút có thể làm giảm cảm giác đau nhói nhờ máu lưu thông và hỗ trợ điều hòa dây thần kinh. Phương pháp này chỉ áp dụng đối với các cơn đau cấp tính.

Chườm lạnh để lưu thông máu ở vùng bị đau
Chườm lạnh để lưu thông máu ở vùng bị đau (Nguồn: Internet)

Một số cách khác

Một số phương pháp khác để giảm đau thần kinh tọa như:

  • Châm cứu: Đây là phương pháp sử dụng cây kim mỏng đưa vào các huyệt đạo trên cơ thể, cải thiện sự lưu thông máu và điều hòa hoạt động dây thần kinh.
  • Điều chỉnh cột sống: Điều chỉnh các vị trí xương khớp của cột sống giúp giảm đau và cải thiện tình trạng đau thần kinh tọa.

Phòng ngừa đau thần kinh tọa

Với hiện trạng tỷ lệ đau thần kinh tọa ngày càng phổ biến và gây nhiều trở ngại cho sinh hoạt đời thường. Bạn có thể thực hiện một số điều sau để phòng ngừa:

  • Ngồi, nằm đúng tư thế; Hạn chế ngồi hoặc nằm đúng một tư thế quá lâu.
  • Vận động thường xuyên để kéo giãn xương khớp, giúp cơ thể linh hoạt và giảm căng thẳng cho các cơ xương. Nên kết hợp những bộ môn hoạt động nhẹ như yoga, bơi lội hay đi bộ.
  • Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế uống rượu bia hay hút thuốc lá.
Vận động nhẹ để giãn xương cơ
Vận động nhẹ để giãn xương cơ (Nguồn: Internet)

Khi nào cần gặp bác sĩ

Tình trạng đau khớp nhẹ có thể tự khỏi sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải một số triệu chứng dưới đây, hãy liên hệ bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cách điều trị phù hợp:

  • Đau chân hoặc lưng liên tục nhiều giờ đồng hồ, cơn đau dữ dội và khó vận động.
  • Cảm giác tê hoặc vận động yếu một bên chân.
  • Đi tiểu liên tục, bạn không kiểm soát được tình trạng của bàng quang mặc dù không uống nhiều nước.
Cơn đau lưng kéo dài nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn
Cơn đau lưng kéo dài nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn (Nguồn: Internet)

Bài viết trên nêu rõ nguyên nhân và cách phòng ngừa, điều trị bệnh lý đau thần kinh tọa. Hy vọng, bạn sẽ hiểu rõ cách để phòng ngừa tình trạng đau nhức thần kinh tọa để hạn chế ảnh hưởng sinh hoạt thường ngày. Để đặt lịch khám với các bác sĩ thuộc hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ, truy cập TẠI ĐÂY  hoặc gọi điện qua số HOTLINE để được tư vấn nhanh nhất. Ngoài ra, để cập nhật những thông tin thường thức khác về sức khỏe, bạn có thể truy cập Tin tức y tế.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.