Việc áp dụng thẻ KCB không những là một hướng đi tất yếu cho các bệnh viện trong việc quản lý hồ sơ bệnh án qua mạng, mà còn giúp các bác sĩ nắm được tiền sử của người bệnh để chẩn đoán, ra các y lệnh điều trị kịp thời, đặc biệt là các ca cấp cứu.
Thẻ khám bệnh điện tử “cứu nguy”
Từ sau lần khám bệnh đầu tiên ở Khoa Khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai cách đây nửa năm, được sự tư vấn của các bác sĩ và sự đồng tình của người con trai, bà Thành (55 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã đồng ý mua thẻ KCB điện tử của phòng khám để thuận tiện cho lần tái khám sau. Quả nhiên, cái thẻ đã phát huy tác dụng đúng lúc bởi khi cân nhắc việc tiêm kháng sinh penicillin cho bà Thành, các bác sĩ đã xem qua bệnh án của bà được lưu trên máy tính của bệnh viện qua mã số bệnh nhân được ghi trên chiếc thẻ điện tử. Biết được bệnh nhân có tiền sử Dị ứng penicillin, các bác sĩ đã kịp thời dừng ngay việc này vì bệnh nhân có thể tử vong do sốc phản vệ.
Bệnh nhân nên luôn mang theo thẻ bên mình
PGS.TS. Đỗ Trung Quân, Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (BV Bạch Mai) cho biết, từ khi áp dụng mô hình lưu hồ sơ bệnh nhân bằng bệnh án điện tử, Khoa cũng đã cấp thẻ KCB cho khoảng 800 người. Thẻ này giống như một bệnh án bằng điện tử, lưu lại toàn bộ thông tin về quá trình điều trị của bệnh nhân: bệnh gì, triệu chứng, kết quả xét nghiệm, đơn thuốc, chống chỉ định… Bệnh nhân đi khám chỉ cần đưa thẻ vào máy quét mã vạch, bác sĩ có thể biết tiền sử bệnh, tiến triển như thế nào, có cần thay đổi đơn thuốc hay không… Khi về nhà bệnh nhân cũng có thể tra cứu thông tin bệnh án, quá trình điều trị của mình, giá tiền các xét nghiệm tại viện có đúng với số tiền đã thực trả hay không bằng việc truy cập vào website chứa cơ sở dữ kiệu, chỉ cần nhập mã số và mật khẩu, tất cả những thông tin trên đều được cập nhật đầy đủ qua mỗi lần khám. Thậm chí nếu bệnh nhân có vào khám ở các cơ sở y tế khác thì cũng có thể sử dụng chiếc thẻ này để xem tiền sử bệnh trong các lần khám trước được đưa lên trang web của bệnh viện.
Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân bị hôn mê được đưa vào cấp cứu ở một cơ sở điều trị nào đó mà không có người nhà để hỏi thăm, nếu bệnh nhân có mang thẻ trong người thì các bác sĩ sẽ dựa theo thông tin in trên thẻ gọi đến BV Bạch Mai để tìm hiểu các dữ liệu lưu trữ về bệnh nhân như tiền sử bệnh, nhóm máu, có mắc bệnh mạn tính hay bệnh có tính gia đình không, có bị Dị ứng thuốc không… từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp, thậm chí có thể bớt được các xét nghiệm vừa tốn kém, vừa mất thời gian chờ đợi.
Tuy nhiên, không phải với bệnh nhân nào đến khám, các bác sĩ cũng tư vấn bệnh nhân nên mua thẻ khám bệnh điện tử. TS. Đỗ Trung Quân nói: “Với những bệnh nhân bị mắc các bệnh mạn tính và những người thường xuyên khám sức khỏe định kỳ thì thẻ khám bệnh sẽ hỗ trợ rất tích cực, những bệnh nhân đã có thẻ khám bệnh điện tử thì nên luôn mang theo thẻ này bên mình để phòng trừ bất trắc”.
TS. Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế cũng đang quyết tâm để công nghệ này được ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện khác nhưng hiện tại vẫn chưa thể thực hiện được do thiếu kinh phí. Cả 2 phương án được tính đến là bệnh viện phải tự bỏ tiền ra hoặc tính thêm vào viện phí của người dân, nhưng đều chưa có tính khả thi.
HẠ HIỀN
Theo SK&ĐS
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.