Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Dương

Báo động vàng tình trạng béo phì ở trẻ em

13/03/2024

Béo phì ở trẻ em là tình trạng cơ thể tích lũy quá nhiều mỡ, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Do đó, tình trạng béo phì không chỉ được đánh giá thông qua tỷ lệ cân nặng/chiều cao mà còn dựa vào tỷ lệ mỡ trên cơ thể. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Y – Xã hội, hiện Việt Nam đã có hơn 300.000 trẻ gặp phải tình trạng béo phì, thừa cân dưới 5 tuổi.

Báo động vàng tình trạng béo phì ở trẻ em

Nguồn: Internet

Nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em

1. Do chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Thực tế, có đến 60 – 80% trường hợp béo phì ở trẻ xuất phát từ chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Việc mất cân bằng dinh dưỡng, trẻ ăn quá nhiều chất béo (thức ăn nhanh, đồ chiên xào,…) hay chất bột đường (thức ăn nhiều đường, kem, chè, bánh ngọt, nước ngọt,…) cũng làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ.

2. Do nguyên nhân di truyền

Một số nghiên cứu đã chứng minh béo phì ở trẻ có liên quan đến các yếu tố di truyền. Trẻ sinh ra trong gia đình có người thân (bố, mẹ, anh, chị, em) bị béo phì thì nguy cơ cao hơn so với trẻ sinh ra trong một gia đình bình thường.

3. Do tâm lý xã hội

Nguy cơ béo phì ở trẻ tăng cao khi trẻ thường xuyên bị áp lực, căng thẳng, bị tổn thương tâm lý. Trẻ sinh ra trong gia đình có bố mẹ thường xuyên cãi nhau hoặc tạo áp lực học tập sẽ bị tổn thương tâm lý, dễ bị kích động, cáu giận. Từ đó, trẻ có xu hướng ăn nhiều hơn, đặc biệt là đồ ngọt để giảm áp lực. Điều này khiến trẻ nhanh chóng thừa cân, béo phì.

Nguy cơ tiềm ẩn nào có thể xảy ra khi béo phì?

Báo động vàng tình trạng béo phì ở trẻ em

Nguồn: Internet

Người càng béo, nguy cơ cao mắc một số bệnh về: Tim mạch, tăng mỡ máu (cholesterol máu, lipid máu), cao huyết áp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, sỏi mật, ung thư, bệnh lý khớp, bệnh Gout, tuổi thọ người béo phì ngắn hơn so với người có cân nặng bình thường.

Trẻ em dư thừa cân nặng sẽ gặp tất cả nguy cơ kể trên khi trẻ không được kiểm soát cân năng, diễn tiến thành 1 người lớn béo phì. Dễ bị chọc ghẹo, “phân biệt đối xử” làm cho trẻ bị tổn thương về mặt tâm lý dễ tự ti để lại những tổn thương tâm lý sâu sắc cho đến tuổi trưởng thành.

Biện pháp điều trị

1. Nguyên tắc dinh dưỡng

Ăn ít năng lượng hơn trước bằng cách trước bữa ăn ta có thể uống một ly nước, ăn một chén canh, hay đĩa rau luộc, để tạo cảm giác no nhằm giảm lượng thức ăn ăn vào, và nên ngừng ăn trước khi có cảm giác quá no. Đồng thời, trẻ nên ăn nhiều vào buổi sáng, giảm về chiều và hạn chế ăn tối.

Dưới đây là một vài lời khuyên giúp chọn thực phẩm phù hợp.

  • Nên chọn các loại ngũ cốc còn nguyên vỏ hoặc còn vỏ cám để có nhiều vitamin và chất xơ giúp no lâu hơn.
  • Đối với trái cây, nên ăn cả xác thay vì ép lấy nước, hoặc đậu đỗ thì ăn cả vỏ… để tận dụng chất xơ.
  • Giảm tối đa chất bột đường
  • Giảm tối đa chất béo
  • Nên ăn đều đặn tránh bỏ bữa

2. Nguyên tắc vận động

Chúng ta có thể lựa chọn một trong nhiều hình thức tập luyện như bơi, đi bộ, tập thể dục, yoga… hoặc chơi một môn thể thao nào đó để giảm cân và duy trì sức khỏe tốt.

Trẻ em có cơ thể đang tăng trưởng và phát triển, do đó không đặt vấn đề giảm cân ở trẻ mà chỉ giảm tốc độ tăng cân và đảm bảo cho sự tăng chiều cao theo lứa tuổi. Các trẻ béo phì cần được hướng dẫn theo dõi bởi các Bác Sỹ dinh dưỡng, chuyên viên để tránh thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Báo động vàng tình trạng béo phì ở trẻ em

Nguồn: Internet

Hạn chế giờ trẻ thụ động nằm, ngồi xem tivi dưới 1 giờ/ngày, không cho trẻ ngồi lâu 1 chỗ.

Khuyến khích trẻ năng vận động đi lại và bớt các hoạt động thụ động. Phối hợp nhiều biện pháp để giúp trẻ có một lối sống năng động, nhanh nhẹn, hoạt bát…

Một số ngộ nhận trong điều trị béo phì

  • Nhịn ăn sáng chống béo: điều này không nên thực hiện vì khi quá đói sẽ ăn bù nhiều năng lượng hơn
  • Nhịn uống nước: cơ thể ta sẽ bị thiếu nước, dẫn đến rối loạn nước và điện giải
  • Không uống sữa: đây thực sự là một ngộ nhận tai hại

Vì sao sữa lại quan trọng?

Sữa và các chế phẩm từ sữa thường được coi là một nhóm thực phẩm thiết yếu, cần thiết hàng ngày. Người béo phì vẫn cần sữa, vì các chất dinh dưỡng thiết yếu mà sữa cung cấp, đặc biệt đối với trẻ béo phì cần đảm bảo sự tăng trưởng chiều cao để trẻ tự điều chỉnh hình thể của mình. 

Đặc biệt, bạn nên tránh thái độ cực đoan đối với tình trạng béo phì ở trẻ nhỏ như cho rẳng: Trẻ nhỏ thì càng béo, càng tốt, càng “sổ sữa” thì càng dễ thương. 

Góc nhìn nào là phù hợp trong tình huống này?

Trẻ nhỏ béo phì có nguy cơ tăng các rối loạn chuyển hóa Lipid, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa đường huyết, thoái hóa mỡ gan, ảnh hưởng về tâm thần xã hội…và 20 – 30% tiếp tục béo phì cho đến tuổi trưởng thành.

Béo phì xuất hiện từ nhỏ cho đến lớn rất khó chữa trị và thường là béo phì nặng. Hơn nữa, việc chế giễu, quá nhấn mạnh đến vóc dáng, vào mục tiêu giảm cân tạo một sức ép về tâm lý có thể dẫn đến tình trạng trẻ tự ti mặc cảm.

Biểu đồ tăng trưởng là dụng cụ rất tốt để ba mẹ có thể theo dõi thường xuyên sự phát triển của trẻ, tuy nhiên không thể đánh giá béo phì dựa vào biểu đồ tăng trưởng vì đây là chỉ số cân nặng so với tuổi. Trẻ có thể quá nặng so với tuổi nhưng cân nặng đó lại phù hợp với chiều cao của mình do vậy đây là một trẻ cao to cân đối không phải trẻ bị béo phì.