Sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản là gì?

Niệu quản là 1 ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang (bọng đái), có thể chia làm 2 đoạn là đoạn lưng (đoạn bụng) và đoạn chậu hông, mỗi đoạn dài 12,5 – 14cm.

Sỏi niệu quản là sỏi nằm trong lòng niệu quản, gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang, có thể gây tắc nghẽn khiến thận bị ứ đọng nước tiểu, dẫn đến nhiều biến chứng.

Sỏi niệu quản gặp ở cả nam và nữ, thường gặp sau 20 tuổi, là 1 bệnh rất thường gặp tại Việt Nam.

Đặc điểm – Triệu chứng – Nguyên nhân của sỏi niệu quản:

Sỏi niệu quản thường do sỏi rơi từ trên thận xuống. Chỉ một tỉ lệ nhỏ sỏi niệu quản được sinh ra tại chỗ do các dị dạng niệu quản làm tăng nguy cơ ứ đọng nước tiểu, từ đó dẫn đến lắng đọng các tinh thể kết tụ thành sỏi.

Nguyên nhân chính xác tạo ra sỏi đường tiết niệu vẫn chưa được biết rõ, thường do nhiều yếu tố phối hợp.

Có 2 nhóm nguyên nhân là :

  • Nguyên nhân toàn thân (sỏi cơ thể): do rối loạn chuyển hóa làm gia tăng bài tiết các chất hòa tan (calcium, oxalat, acid urique, cystine,…) vào nước tiểu, thay đổi lý tính của nước tiểu. Ví dụ: bệnh Gout, bệnh lý tuyến giáp,…
  • Nguyên nhân tại chỗ (sỏi cơ quan): do nhiễm khuẩn, nhân lõi – dị vật, bế tắc nước tiểu. Ví dụ: dị tật bẩm sinh đường tiết niệu (hẹp khúc nối bể thận niệu quản, nang niệu quản, niệu quản tách đôi,…), hẹp niệu quản thứ phát sau phẫu thuật…

Triệu chứng:

  • Đau âm ỉ, mỏi vùng thắt lưng do thận ứ đọng nước tiểu.
  • CƠN ĐAU QUẶN THẬN điển hình do sỏi di chuyển gây co thắt và viêm phù nề. Bệnh nhân đau thành từng cơn dữ dội vùng thắt lưng trong vài phút đến hàng giờ, không có tư thế giảm đau, nếu không điều trị giảm đau thì khó cắt được cơn đau. Cơn đau thường có hướng lan rõ rệt ra trước, xuống dưới hố chậu, cơ quan sinh dục ngoài và mặt trong đùi; đôi khi đi kèm bụng trướng, nôn.
  • Tiểu gắt buốt do niêm mạc bàng quang bị kích thích
  • Tiểu máu do tổn thương, viêm niêm mạc niệu quản
  • Tiểu đục và có mủ do nhiễm trùng thận ngược chiều, thường kèm sốt rét run.

Các phương pháp chẩn đoán sỏi niệu:

Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán sỏi niệu quản dựa trên các triệu chứng như trên kết hợp thăm khám lâm sàng và sự hỗ trợ của phương tiện chẩn đoán hình ảnh

  • Siêu âm bụng
  • Chụp X-quang hệ tiết niệu không chuẩn bị (KUB)
  • Chụp Cắt lớp vi tính hệ tiết niệu có hoặc không tiêm thuốc cản quang (MSCT)

Các biến chứng sỏi niệu quản:

Sỏi niệu quản nếu không được điều trị sớm gây ra các biến chứng như:

  • Ứ nước thận: Do sỏi gây bít tắc dòng chảy của nước tiểu, nước tiểu không xuống được bàng quang để thoát ra ngoài từ đó ứ đọng tại thận, làm giãn các đài bể thận, ảnh hưởng chức năng thận có hoặc không hồi phục.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: do sỏi và niêm mạc niệu quản viêm phù nề, tổn thương là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển
  • Suy thận cấp: do sỏi gây tắc hoàn toàn đường niệu quản.
  • Suy thận mạn: do viêm đường tiết niệu xảy ra kéo dài, các tế bào thận tổn thương không phục hồi.

Các phương pháp điều trị

Có nhiều phương pháp điều trị tùy thuộc vào vị trí, kích thước, đặc điểm, biến chứng của sỏi niệu quản:

  • Điều trị nội khoa
  • Tán sỏi ngoài cơ thể
  • Nội soi ngược dòng để tán sỏi bằng laser
  • Phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy sỏi.
  • Phẫu thuật mổ hở

Đặc biệt, bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận hoặc sỏi niệu quản đoạn lưng, không có dị dạng cột sống hoặc xương chậu nặng đi kèm khi đến khám chữa tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ được tư vấn lựa chọn điều trị bằng phương pháp Tán sỏi ngoài cơ thể.

Tán sỏi ngoài cơ thể là một kĩ thuật điều trị sỏi niệu ít xâm hại, ít đau, ít gây biến chứng, đồng thời mang lại hiệu quả điều trị cao, thời gian nằm viện ngắn với mức chi phí hợp lý.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn trang bị hệ thống máy tán sỏi DORNIER COMPACT DELTA II – công nghệ tiên tiến bậc nhất, đúng theo tiêu chuẩn Quốc tế, vận hành bởi các bác sĩ chuyên khoa có tay nghề, kinh nghiệm dày dạn nhiều năm, tự tin mang lại chất lượng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.