Tin tức y tế

Vitamin B3 có vai trò gì? Một số tác dụng phụ và liều dùng khuyến cáo

07/11/2023

Vitamin B3 hay còn gọi là Niacin, là một chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng cho mọi bộ phận trong cơ thể. Niacin có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tăng cường chức năng não và hỗ trợ tuần hoàn máu. Tuy nhiên, việc bổ sung vi chất này cần thực hiện đúng cách tránh gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Vậy để hiểu rõ hơn về vai trò, tác hại và dấu hiệu cho thấy bị thiếu hụt Vitamin B3, mời bạn đọc hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu sâu hơn trong bài viết này.

Vitamin B3 là gì? Vai trò của vitamin đối với cơ thể người

Vitamin B3 còn có tên gọi khác là Niacin hay Axit nicotinic, là một trong 8 loại vitamin B cần thiết cho cơ thể người. 

Vitamin B3 tồn tại ở 2 dạng cấu tạo hóa học có vai trò đối với cơ thể khác nhau:

  • Niacinamide (Nicotinamide): Hoạt chất có nhiều ở các loại thực phẩm và được sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm.
  • Niacin (Axit Nicotinic): Công dụng chính là bổ sung dinh dưỡng và có khả năng làm giảm cholesterol xấu, triglyceride và tăng Cholesterol tốt.

Bổ sung vitamin B3 cho cơ thể thông qua các thực phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung. Đồng thời, đây là loại chất có thể tan trong nước và tự đào thải nếu quá dư thừa. Đặc biệt hơn, cơ thể con người cũng tự sản xuất một lượng nhỏ niacin từ axit amin tryptophan.

Tìm hiểu thêm:

Vitamin B3 còn có tên gọi khác là Niacin hay Axit nicotinic, là một trong 8 loại vitamin B cần thiết cho cơ thể người
Vitamin B3 là một trong 8 loại vitamin B cần thiết cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Vai trò

Khi được dùng với liều lượng lớn, vitamin B3 có tác dụng cải thiện mức Cholesterol bằng cách giảm triglyceride và Cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt. Ngoài ra, Vitamin B3 còn cải thiện sức khỏe con người với từng độ tuổi.

Đối với người lớn

  • Vitamin B3 giúp quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể hoạt động tốt hơn bằng việc hạn chế Cholesterol trong máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
  • Niacin còn giữ vai trò quan trọng trong việc tổng hợp hormone giới tính, giúp làn da, mái tóc được cải thiện và trở nên bóng khỏe.

Đối với trẻ em

 Với trẻ em, Vitamin B3 đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho hoạt động của hệ thần kinh. Bên cạnh đó, B3 cần thiết cho việc hình thành cấu trúc da và niêm mạc của trẻ.

Đối với phụ nữ mang thai

Vitamin B3 là loại dưỡng chất rất quan trọng với sự phát triển của thai nhi và sức khỏe người mẹ.

Tác hại nếu thiếu hụt vitamin B3

Thiếu hụt vitamin B3 có thể gây ra các thay đổi ở da như da thâm, thô ráp, bóc vảy hoặc viêm da. Đồng thời, tóc cũng bị ảnh hưởng và trở nên dễ gãy, rụng, khô xơ và khó nuôi dưỡng.

Sau đó, cơ thể sẽ xuất hiện những dấu hiệu khác như: rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy kết hợp viêm da dày, chảy máu trực tràng, viêm niêm mạc miệng và đường tiêu hóa,…), rối loạn tâm thần (trầm cảm, ảo giác, mê sảng,…). Tuy nhiên, những dấu hiệu này thường xuất hiện ở các bệnh khác nhau nên rất dễ nhầm lẫn. Người thiếu hụt vitamin B3 ở mức độ nặng có thể tiến triển thành bệnh, đây là tác nhân chính gây ra nhiều triệu chứng bệnh lý kết hợp khác.

Một trong những bệnh lý nguy hiểm do thiếu vitamin B3 gây ra là Pellagra. Bệnh lý này thường gây tổn thương da nặng kết hợp với tổn thương hệ tiêu hóa, rối loạn tâm thần dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Nếu không điều trị đúng cách, Pellagra có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Dấu hiệu thiếu hụt vitamin B3

Thiếu hụt vitamin B3 sẽ xuất hiện rõ nhất ở những người bị bệnh Pellagra. Thông thường, tình trạng này gây ra phát ban đỏ sẫm giống như bị cháy nắng và xuất hiện ở những vị trí tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như:

  • Trên cánh tay và bàn tay.
  • Trên bàn chân và bắp chân.
  • Quanh cổ.
  • Trên mặt tạo thành hình con bướm.

Ngoài ra, thiếu vitamin B3 còn có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Điều này làm toàn bộ hệ tiêu hóa bị gián đoạn, lưỡi sưng, miệng, cổ họng và thực quản bị bỏng rát và xuất hiện các vết loét. Đồng thời, thiếu vitamin B3 còn làm tăng nhu cầu sản xuất nước bọt của cơ thể và gây ra các triệu chứng khác như buồn nôn, táo bón và tiêu chảy.

Các triệu chứng này khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ và xuất hiện các biểu hiện như nhầm lẫn, mất phương hướng, ảo giác và mất trí nhớ. Mọi người cũng có thể bị kích động quá mức, trầm cảm, cực kỳ phấn chấn (hưng cảm), mê sảng hoặc hoang tưởng.

Xem thêm:

  • Vitamin B1: Vai trò, công dụng và những lưu ý khi sử dụng
  • Vitamin B2 là gì? Vai trò của vitamin đối với cơ thể người
  • Vitamin B5: Vài trò, công dụng và một số lưu ý khi bổ sung

Nhu cầu vitamin B3 ở trẻ em và người trưởng thành

Tùy vào từng độ tuổi sẽ có nhu cầu sử dụng vitamin B3 khác nhau. Với người lớn và trẻ em có sức khỏe bình thường, mỗi ngày cần nạp vào cơ thể lượng B3 như sau:

Đối với trẻ em

Trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi cần 2mg mỗi ngày. Khi ở độ tuổi này, sữa mẹ thường là nguồn cung cấp đầy đủ cho trẻ.

  • Trẻ từ 7 – 12 tháng tuổi cần bổ sung lượng lớn hơn là 4mg mỗi ngày.
  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi cần 6mg mỗi ngày.
  • Trẻ từ 4 – 8 tuổi cần 8 mg mỗi ngày.
  • Trẻ từ 9 – 13 tuổi cần 12 mg mỗi ngày.

Đối với người trưởng thành

  • Nam giới từ 14 tuổi trở lên: Cần bổ sung 16mg mỗi ngày.
  • Nữ giới từ 14 tuổi trở lên: Cần 14mg mỗi ngày.
  • Phụ nữ mang thai: Nhu cầu B3 tăng lên 18 mg mỗi ngày.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Nhu cầu vitamin B3 tăng lên 17 mg mỗi ngày.
Nhu cầu nạp thêm Vitamin B3 vào cơ thể ở mỗi đối tượng là khác nhau (Nguồn: Internet)

Bổ sung vitamin B3 bằng cách nào?

Bằng thực phẩm

Thực phẩm giàu Niacin giúp bổ sung dinh dưỡng và cải thiện sức khỏe tốt hơn. Dưới đây là nhóm thực phẩm chứa nhiều Vitamin B3:

  • Gan: Một khẩu phần gan bò nấu chín 85g có thể cung cấp 14,7 mg vitamin B3.
  • Ức gà: Ức gà có thể cung cấp cho bạn cả hai dưỡng chất quan trọng là vitamin B3 và protein nạc.
  • Cá ngừ: Một hộp cá ngừ với 165g có thể cung cấp cho bạn 21,9 mg B3, hơn 100% RDA cho cả nam và nữ.
  • Thịt heo: Thịt heo nạc như thịt nạc thăn hoặc sườn heo nạc là những nguồn thực phẩm giàu Niacin.
  • Thịt bò: Thịt bò nạc có chứa nhiều B3 hơn thịt bò có có chứa chất béo.
  • Đậu phộng: Khoảng 32g bơ đậu phộng chứa 4,3mg vitamin B3.
  • Bơ: Một quả bơ cỡ trung bình chứa 3,5mg B3. Ngoài ra, quả bơ cũng giàu chất xơ, chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất.
Các thực phẩm giàu vitamin B3 gồm gan bò, ức gà, cá ngừ, thịt heo
Bổ sung Vitamin B3 bằng thực phẩm như bơ, cam và các loại đậu (Nguồn: Internet)

Bằng thực phẩm chức năng

Hầu hết mọi người đều có thể nhận đủ vitamin B3 từ chế độ ăn uống hàng ngày và không gặp vấn đề sức khỏe nào. Các trường hợp điều trị hoặc cần bổ sung tăng cường B3 cần thực hiện theo chỉ định bác sĩ.

Tác dụng phụ của vitamin B3

Khi dùng Vitamin B3, một số trường hợp sẽ gặp phải tác dụng phụ của thuốc. Những triệu chứng thể hiện rõ rệt nhất là dị ứng, sưng môi, mặt, lưỡi, cổ họng và thậm chí xuất hiện tình trạng khó thở. Đối với những biểu hiện nghiêm trọng dưới đây, bệnh nhân cần phải đến gặp bác sĩ để chữa trị kịp thời:

  • Khó thở.
  • Mất vị giác.
  • Vàng da, vàng mắt.
  • Cơ thể mệt mỏi.
  • Nhịp tim không đều.
  • Ngất xỉu.
  • Nóng sốt.
  • Dưới da nổi mẩn đỏ.
  • Ngoài ra, một số bệnh nhân còn gặp phải các triệu chứng như: Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, cơ thể khô ngứa, nóng Sốt đột ngột, nhức đầu và ho. 

Những tác dụng phụ này có thể biến mất sau vài ngày, tuy nhiên, cần thông báo cho bác sĩ nếu triệu chứng kéo dài và khó chịu.

Đọc thêm các loại vitamin khác:

  • Vai trò của Vitamin B6? Cách bổ sung hiệu quả
  • Acid Folic (Vitamin B9) là gì? Tác dụng của Axit Folic đối với sức khỏe
  • Vitamin B12 có công dụng gì? Một số lưu ý cần biết khi sử dụng

Trên đây là những thông tin liên quan đến vitamin B3Hoàn Mỹ đã cung cấp. Hy vọng bạn đã có thêm cho mình những kiến thức chuyên sâu về các loại vitamin và vai trò quan trọng của chúng trong sự phát triển và duy trì sức khỏe của cơ thể. Để cập nhật thêm những thông tin bổ ích về y học, vui lòng truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.