15 Oct 2022
Ngày 15/10/2022, bệnh viện
Hoàn Mỹ Sài Gòn tổ
chức Hội nghị Khoa học với sự tham gia của hơn 200 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng,
kỹ thuật viên, nhân viên y tế bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, các bệnh viện, phòng
khám trong hệ thống y khoa Hoàn Mỹ và các chuyên gia đến từ các bệnh viện lớn
trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động thường niên nhằm nâng cao
chất lượng chuyên môn qua các trao đổi nghiên cứu khoa học của đội ngũ y bác sĩ
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.
Theo đó, 31 đề tài nghiên cứu
được thực hiện
trong năm 2021 ở tất cả các lĩnh vực Tim mạch, Tiêu hóa, Thần kinh – Đột quỵ,
Sản Phụ, Chấn thương chỉnh hình, Chẩn đoán hình ảnh, Ung bướu, Dược, Dinh
dưỡng…đã được trao đổi và thảo luận tại hội nghị để từ đó ứng dụng những phương
pháp, kỹ thuật mới trong thực tiễn giúp mang lại hiệu quả cao nhất trong quá
trình điều trị cho người bệnh.
Từ những kết quả báo cáo các đề
tài cho thấy,
trong năm vừa qua, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn đã ứng dụng và triển khai thực hiện thành
công nhiều phương pháp điều trị mới có độ khó về kỹ thuật, được đánh giá cao
như:
-Đánh giá kết quả lấy huyết
khối bằng dụng cụ cơ học ở bệnh nhân nhồi
máu não cấp do tắc động mạch máu lớn: Từ một nghiên cứu loạt ca 26 bệnh nhân
đột quỵ cấp do tắc động mạch lớn (có hoặc không có điều trị thuốc tiêu sợi
huyết tĩnh mạch) tại BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, có tuổi trung bình được can thiệp lấy
huyết khối là 68,1. Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học là một kỹ thuật can
thiệp hiệu quả, an toàn cho người bệnh với tỉ lệ tái thông hoàn toàn đạt 100%,
tỉ lệ hồi phục tốt đạt 65,4%.
Nghiên cứu cũng cho thấy, để
đạt được hiệu quả
cao nhất trong điều trị đột quỵ não cấp, việc người thân nhận diện sớm các dấu
hiệu đột quỵ cấp như liệt mặt, méo miệng, nói khó, yếu liệt tay chân…và nhanh
chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế có đầy đủ 4 kỹ thuật chuyên môn điều
trị đột quỵ cấp (bao gồm điều trị nội khoa tích cực, thuốc tiêu sợi huyết, can
thiệp mạch máu não, phẫu thuật não). Cùng với đó là sự vận hành hiệu quả công
tác tổ chức xử trí đột quỵ cấp của bệnh viện, thể hiện qua quy trình Code
Stroke và sự phối hợp liên chuyên khoa, khoảng thời gian từ khi khởi phát đột
quỵ cho đến khi can thiệp được rút ngắn xuống còn trung bình là 3 giờ 40 phút.
Thời gian từ khi người bệnh nhập viện đến điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch
trung bình là 46,6 phút. Đây là những tín hiệu tích cực cho bệnh nhân đột
quỵ cấp, đảm bảo xử trí kịp thời còn trong khoảng thời gian vàng, nâng cao tỉ
lệ hồi phục và giảm thiểu tối đa tỉ lệ tử vong do nhồi máu não.
- Chiến lược điều trị bệnh tắc
hẹp động mạch chủ
chậu: Tiếp cận, can thiệp, kết quả
Tắc động mạch chủ chậu mãn tính
là sự tắc nghẽn
hoàn toàn động mạch chủ dưới thận và 2 động mạch chậu. Từ nhiều năm nay, phẫu
thuật bắc cầu được xem là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho các thể nặng của
mặt bệnh này (type D). Tuy nhiên, phẫu thuật bắc cầu có tỷ lệ tử vong lên đến
25% nếu cần can thiệp lại. Các biến chứng của phẫu thuật mở bắc cầu động mạch
chủ-động mạch đùi hai bên bao gồm chảy máu, suy thận, thiếu máu ruột, chấn
thương niệu quản…
Gần đây, chiến lược can thiệp
nội mạch ngày càng
được áp dụng. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn không chỉ thực hiện
can thiệp các trường hợp tắc hẹp động mạch chậu, đùi, động mach dưới gối... mà
còn can thiệp thành công cho 4 trường hợp tắc động mạch chủ chậu thể nặng (type
D) được ghi nhận. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 68.3 tuổi (65- 74 tuổi),
gồm 3 nam và 1 nữ. Trong đó, 2 ca được điều trị can thiệp nội mạch với kỹ thuật
tạo hình ngã ba động mạch chủ chậu bằng stent có vỏ bọc (CERAB: Coverd
Endovascular Reconstruction Bifurcation) và 2 ca được phẫu thuật mở. Hậu phẫu
diễn tiến thuận lợi, không biến chứng. Kết quả theo dõi sau 6 tháng, bệnh nhân
có tình trạng ổn định.
Cả 4 trường hợp này đều có các
bệnh lý đi kèm
thường gặp như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh tim thiếu máu
cục bộ, suy tim, rung nhĩ. Ba bệnh nhân nam đều có tiền căn hút thuốc lá. Một
bệnh nhân có tiền căn tai biến mạch máu não.
Từ các tổng kết số liệu cho
thấy, phương pháp
can thiệp nội mạch giúp bênh nhân hồi phục nhanh hơn, thời gian nằm viện ngắn
và chi phí điều trị thấp hơn, đặc biệt là đối với bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều
yếu tố nguy cơ, nhiều bệnh nền đi kèm. Hiện nay trên thế giới, đối với
các trường hợp tắc hẹp động mạch chủ chậu mạn tính thể nặng, phương pháp điều
trị can thiệp nội mạch là xu hướng điều trị mới. Tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
chúng tôi đã triển khai và đạt được thành công nhất định.
- Đánh giá kết quả điều trị ung
thư phổi không
tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa có đột biến EGFR (+) tại BV Hoàn Mỹ Sài Gòn:
Ung thư phổi là một bệnh lý ác
tính có tần suất
mắc bệnh và tử suất hàng đầu thế giới. Theo GLOBOCAN 2020, Việt Nam là nước có
tỷ lệ ung thư phổi đứng thứ hai ở cả hai giới. Trong đó, ung thư phổi không tế
bào nhỏ chiếm khoảng 85% . Bệnh thường gặp ở nam giới, hút thuốc lá là yếu tố nguy
cơ gây ung thư phổi. Tuy nhiên, khi khảo sát nhóm ung thư phổi giai đoạn muộn
có đột biến EGFR (+), chúng tôi ghi nhận được tuổi trung bình của nhóm nghiên
cứu là 62 tuổi, khoảng 60% bệnh nhân trên 60 tuổi, tỷ lệ nữ nhiều hơn nam,
trong đó đa số bệnh nhân không hút thuốc lá (76,7%).
Trước đây hóa trị là phương
pháp điều trị chủ
yếu và duy nhất cho giai đoạn muộn, giúp kéo dài thời gian sống thêm và cải
thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ đáp ứng của hóa trị
thấp, chỉ khoảng 25%, thời gian sống còn không bệnh tiến triển ngắn, khoảng 6
tháng.
Đối với những bệnh nhân ung thư
phổi không tế
bào nhỏ giai đoạn tiến xa và di căn có đột biến EGFR, nhiều nghiên cứu đã chứng
minh thuốc ức chế thụ thể EGFR (còn gọi là thuốc TKI -thuốc nhắm trúng đích) có
hiệu quả điều trị hơn hẳn hóa trị, giúp cải thiện chất lượng sống và thời gian
sống còn. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên thực hiện xét nghiệm đột biến
gen EGFR trên mẫu mô hay mẫu huyết tương để có thể tiến hành điều trị thuốc phù
hợp.
- Akathisia với các triệu chứng
kích thích đường
sinh dục: Đây là một báo cáo ca lâm sàng được điều trị thành công tại BV Hoàn
Mỹ Sài Gòn, cũng là một ca hiếm gặp trong điều trị tâm lý – tâm thần. Akathisia
gây nên những tác động tiêu cực, gia tăng gánh nặng của người chăm sóc và ảnh
hưởng chất lượng cuộc sống, đến mức người bệnh có thể gia tăng ý nghĩ tự sát,
xuất hiện hành vi gây hấn và bạo lực. Biểu hiện lâm sàng của bệnh lý này thường
xuyên bị bỏ sót hoặc rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh lý khác như
bệnh lo âu dai dẳng, bứt rứt kích động… Trong trường hợp hiểu nhầm hoặc chưa
được chẩn đoán đúng, việc bác sĩ tăng liều thuốc chống loạn thần, thuốc chống
lo âu sẽ làm nặng hơn triệu chứng của Akathisia – một hội chứng tâm thần vận
động được đặc trưng bởi cảm giác không yên từ bên trong gây nên những triệu chứng
đặc trưng như bồn chồn, bứt rứt dữ dội, không giữ yên được ở chi dưới hoặc đau
rát vùng cơ quan sinh dục.
Việc chẩn đoán và điều trị đúng
sẽ làm giảm nguy
cơ tăng nặng triệu chứng Akathisia đồng thời giảm các nguy cơ về ý tưởng tự
sát, hành vi gây hấn, kích động. Điều trị đúng và kịp thời còn giúp tăng niềm
tin của người bệnh đối với điều trị thuốc tâm thần, giảm gánh nặng cho người
chăm sóc, giảm thời gian chịu đựng, tiết kiệm chi phí điều trị và tăng chất
lượng cuộc sống của người bệnh.
Hội nghị Khoa học bệnh viện
Hoàn Mỹ Sài Gòn năm
2022 diễn ra với 3 phiên, 7 đề tài phiên Chuyên gia, 11 đề tài phiên Nội khoa,
13 đề tài phiên Ngoại khoa và 14 poster trưng bày đến từ nhiều chuyên khoa mũi
nhọn tại bệnh viện. Bên cạnh các đề tài do các báo cáo viên từ bệnh viện Hoàn
Mỹ Sài Gòn và hệ thống y khoa Hoàn Mỹ, chương trình cũng mang đến góc nhìn tổng
quan và cập nhật những tiến bộ điều trị nội khoa và ngoại khoa với sự chia sẻ
của đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Đặc biệt, các đề tài báo cáo phiên Chuyên gia
sẽ được phát trực tuyến trên các nền tảng Facebook, Youtube chính thức của BV
Hoàn Mỹ Sài Gòn./.