Tin tức y tế

CỨU SỐNG CỤ ÔNG 87 TUỔI BỊ PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH KÈM THỦNG DẠ DÀY, ÁP XE Ổ BỤNG DO DỊ VẬT ĐƯỜNG TIÊU HOÁ

16/03/2023

Các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa điều trị thành công cho cụ ông 87 tuổi bị phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) mức độ nặng kèm thủng dạ dày, áp xe ổ bụng do dị vật đường tiêu hoá.

Cụ ông C.N.N (87 tuổi, địa chỉ tại TP. Cần Thơ) vào viện vì khó thở, ho, khạc đàm đục 5 ngày, đã đi khám lấy thuốc tại y tế địa phương nhưng không giảm nên nhập Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị. Cụ ông có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhóm D, di chứng lao phổi, tăng huyết áp, suy tim.

Qua thăm khám ghi nhận bệnh nhân tỉnh táo, thể trạng gầy, kiểu hình cushing, ho khạc đàm trắng đục, khó thở khi gắng sức nhẹ, không sốt, không lạnh run, bụng đau âm ỉ quanh rốn, táo bón 3 ngày. Khoảng 2 tuần gần đây cụ ông thường xuyên táo bón đau âm ỉ tương tự như thế. Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ điều trị đã chỉ đinh cận lâm sàng và được ghi nhận dị vật cản quang đường tiêu hoá dài 34x2mm 1 đầu ở hang vị 1 đầu ở thành sau dạ dày tạo áp x,chue kích thước 132x130x50mm. Người bệnh được hội chẩn chuyên khoa và xác đinh chẩn đoán dị vật đường tiêu hoá gây thủng dạ dày với các biến chứng như  áp xe ổ bụng, nhiễm trùng huyết. Ngoài ra người bệnh lại cao tuổi, đa bệnh đồng mắc như COPD, tăng huyết áp, suy tim, bệnh tim Thiếu máu cục bộ, rung nhĩ đáp ứng thất nhanh, suy thận cấp. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định nội soi gắp dị vật tiền mê kết hợp phẫu thuật nội soi dẫn lưu áp xe cứu cho người bệnh ngay trong đêm kèm điều trị  kháng sinh thích hợp, kháng viêm dãn phế quản, hỗ trợ hô hấp và tim mạch tích cực. Đây là trường hợp phẫu thuật mà nguy cơ suy hô hấp diễn tiến nặng trong và sau mổ rất cao.

Bệnh nhân  chọc hút được 200ml mủ đục ở hậu cung mạc nối, đặt dẫn lưu và cấy dịch làm kháng sinh đồ. Sau phẫu thuật, do tình trạng COPD nặng hơn nên được chuyển về khoa hô hấp điều trị tích cực. Sau 9 ngày điều trị, người bệnh tỉnh táo, không còn đau bụng, giảm khó thở, ăn uống sinh hoạt như trước vào viện, được xuất viện và trở lại cuộc sống bình thường, tiếp tục điều trị bệnh nền ngoại trú.

BS. Nguyễn Thành Thái, Khoa Hô Hấp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết đây là trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mức độ nặng vào đợt cấp do nhiễm trùng, áp xe ổ bụng rất to đa bệnh đồng mắc nên đòi hỏi đội ngũ ekip phẫu thuật giàu kinh nghiệm và điều trị tích cực sau mổ, đặc biệt là bệnh nền COPD của người bệnh. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bệnh có thể điều trị được. Tuy nhiên cần cá thể hoá mỗi người bệnh dựa trên những nguyên tắc chung, ngưng thuốc lá hoặc yếu tố nguy cơ, thuốc dãn phế quản, dự phòng đợt cấp, phục hồi chức năng hô hấp đồng thời điều trị các bệnh đồng mắc. Do đó, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên, khi có triệu chứng nghi ngờ vì điều trị càng muộn thì hiệu quả điều trị càng kém. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mà bà con cần lưu ý gồm: Ho, khạc đờm mạn tính, thường khạc đờm về buổi sáng, khó thở dai dẳng và tiến triển nặng dần.

Còn theo Ths.BS. Nguyễn Hữu Kỳ Phương, Trưởng Khoa Ngoại tiêu hoá, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long: Dị vật đường tiêu hoá có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người lớn tuổi do mất răng, giảm khả năng nhai và nhìn kém, trẻ em do hiếu động, ngậm nuốt đồ chơi, vật dụng, hạt trái cây. Dị vật đường tiêu hoá có thể gây nhiều biến chứng như tắc ruột, viêm phúc mạc, áp xe ổ bụng…thậm chí tử vong. Không ít những trường hợp bệnh nhân không nhớ mình đã từng hóc dị vật. Phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn nhất là gắp dị vật qua nội soi. Tuy nhiên một số trường hợp đến muộn có biến chứng thủng dạ dày, áp xe ổ bụng như trường hợp cụ ông này, đòi hỏi phải được xử trí kịp thời, bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và hồi sức sau mổ tốt.

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, việc ý thức phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hết sức quan trọng, các bác sĩ khuyến cáo bà con cần nâng cao thể trạng bằng cách ăn uống hợp lý, không hút thuốc lá, thuốc lào, nếu làm việc trong môi trường độc hại cần được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ và tập thể dục thường xuyên.

Cũng như phòng ngừa dị vật đường tiêu hóa, chúng ta cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa cười nói. Khi nghi ngờ đã nuốt dị vật hoặc cảm thấy các triệu chứng khó chịu như nuốt vướng đau rát họng, người bệnh cần đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa để được điều trị can thiệp ngay. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà, không chữa theo mẹo dân gian, không cố nuốt thêm thức ăn với mục đích làm dị vật “trôi” xuống vì điều này có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và có thể gây hậu quả nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không xử trí kịp thời  như trường hợp nêu trên.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.