Tin tức y tế

ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG BỆNH NHI BỊ LIỆT DÂY THẦN KINH QUAY DO KHỐI U VÙNG KHUỶU TAY CHÈN ÉP

16/03/2023

Các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa điều trị thành công trường hợp bệnh nhi 14 tuổi bị liệt dây thần kinh quay do khối u vùng khuỷu tay chèn ép.

Thông tin từ gia đình bệnh nhi M.M.Q (14 tuổi, địa chỉ tại tỉnh Hậu Giang): Khoảng 1 tháng nay, em Q than đau khuỷu tay phải, bàn tay phải rủ, không duỗi được các ngón tay, kèm hạn chế dạng ngón cái bàn tay phải. Gia đình có đưa em đi điều trị phòng khám tư nhưng bệnh không cải thiện. Gia đình tiếp tục đưa em lên TP. Hồ Chí Minh thăm khám, em được chẩn đoán liệt thần kinh quay, được kê thuốc 7 ngày, gồm giảm đau, kháng viêm. Sau đó bệnh có cải thiện ít, bàn tay duỗi được ít nhưng vẫn còn đau nên gia đình quyết định đưa em vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị. Em Q không có tiền sử chấn thương trước đây.

Qua thăm khám và cận lâm sàng, ekip bác sĩ ghi nhận tình trạng tổn thương trục bán cấp thần kinh gian cốt sau bên phải (nhánh thần kinh quay), siêu âm phần mềm vùng khuỷu tay có 1 nang dịch kích thước khoảng 19mm. Bệnh nhi được chẩn đoán: Khối u vùng khuỷu tay phải chèn ép thần kinh quay gây liệt quay. Sau khi hội chẩn, ekip quyết định điều trị: Phẫu thuật bóc tách mô, phát hiện khối u hoạt dịch khoảng 2x2cm, chèn ép nhánh gian cốt sâu thần kinh quay phẫu thuật bóc u giải áp thần kinh quay, bóc tách lấy hoàn toàn u hoạt dịch. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 30 phút, sau mổ em Q được chuyển về nội trú nhi tiếp tục theo dõi và hướng dẫn luyện tập phục hồi. Dự kiến khoảng vài ngày sau phẫu thuật, bệnh nhi sẽ được ra viện.

Ths.BS. Lê Dũng, Phó Trưởng Khoa Ngoại thần Kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: U hoạt dịch là một khối u lành tính, xuất phát từ khớp thoát ra,  thường gặp phổ biến nhất là ở khớp gối, khớp khuỷu tay, cổ tay, cổ chân, khớp bàn ngón, khoeo chân và các khớp liên đốt ngón tay, các yếu tố góp phần gây nên u hoạt dịch do người bệnh trải qua các chấn thương nhẹ lặp đi lặp lại, hoặc chấn thương nặng đột ngột vùng u.

Triệu chứng của bệnh thay đổi tùy thuộc kích thước của u và mức độ chèn ép các cấu trúc lân cận, có thể sờ được khối u hoặc cảm giác đau, nhức, tê, liệt nếu chèn ép vào đường đi của thần kinh. Về điều trị, phẫu thuật là phương pháp phổ biến thường được áp dụng trong các trường hợp bị u bao hoạt dịch nói chung và u bao hoạt dịch khuỷu tay nói riêng. Khi đó khối u sẽ được loại bỏ hoàn toàn, đồng thời giảm nhẹ được các triệu chứng khó chịu. Ngoài ra phẫu thuật còn giúp lấy lại chức năng vận động của khớp và tỷ lệ tái phát thấp.

BS.CKI. Phạm Ngọc Nương, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nếu phát hiện trẻ có triệu chứng như trường hợp bệnh nhi này nên đi khám để phát hiện sớm và xử trí kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm, rút ngắn thời gian phục hồi.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.