Tin tức y tế

“Lắp ráp” bộ phận cơ thể

18/11/2008

Chip não: Việc thay thế một phần não không đơn giản như thay thế chi nhưng trong tương lai điều này vẫn có thể. Giáo sư Theodore Berger ở Đại học Nam California đã tạo một chip máy tính có thể cấy vào thế chỗ hippocampus, phần não kiểm soát trí nhớ ngắn hạn và nhận thức không gian, vốn bị hỏng do những bệnh như Alzheimer hay bị đột quỵ. Berger đang tiếp tục phát triển loại chip cấy này để có thể giúp phục hồi chức năng cho người bị liệt chi nặng.

Mắt điện tử: Hệ thống ARGUS II, đang được Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép thử nghiệm. ARGUS II có camera ghi hình và chuyển thành tín hiệu điện tử, phát sóng đến điện cực cấy trong võng mạc, giúp người mất chức năng võng mạc có thể nhìn thấy. Một hệ thống khác do tiến sĩ John Pezaris ở Đại học Harvard đang phát triển, không cấy điện cực mà phát sóng tín hiệu từ camera trực tiếp vào não. Cả 2 dạng mắt điện tử này sẽ làm việc tốt nhất với những người từng nhìn thấy vì não của họ đã có kinh nghiệm xử lý thông tin hình ảnh.

Máy chạy thận xách tay: Người hư thận phải đến bệnh viện chạy thận nhân tạo để lọc bỏ chất độc trong máu, giữ mức cân bằng chất lỏng… Thận nhân tạo xách tay, tự động, đeo ở thắt lưng (AWAK) được thiết kế bởi Martin Roberts và David B.N. Lee ở Đại học Califonia Los Angeles (UCLA), làm việc còn tốt hơn máy chạy thận truyền thống vì có thể sử dụng 24/24, hoạt động liên tục như thận thật.

Tuyến tụy cầm tay: Giúp giám sát lượng đường trong máu, điều chỉnh mức insulin phù hợp nhu cầu của cơ thể. Theo Aaron Kowalski, Giám đốc dự án nghiên cứu chiến lược ở Quỹ Nghiên cứu tiểu đường vị thành niên (JDRF), thiết bị này là sự kết hợp của 2 công nghệ sẵn có là bơm insulin và theo dõi liên tục mức glucose. Tuyến tụy cầm tay có thể giúp bệnh nhân tiểu đường có cuộc sống bình thường hơn và tránh được các nguy cơ bất thường đe dọa tính mạng khi mức đường trong máu tăng hoặc giảm.

Tay giả điều khiển bằng ý nghĩ: Phát triển bởi tiến sĩ Todd Kuiken ở Viện Phục hồi chức năng Chicago, giúp người mất tay có thể điều khiển tay giả như cách điều khiển tay thật, tức chỉ bằng cách suy nghĩ. Tay giả bionic này được kết nối với não bằng các dây thần kinh được tái định hướng tới một vùng khác của cơ thể, chẳng hạn tới ngực, nơi gắn các điện cực ghi nhận các xung động thần kinh. Khi bệnh nhân muốn cử động tay, các dây thần kinh vốn dùng gửi tín hiệu đến tay thật sẽ qua các điện cực để gửi đến tay giả. Nhóm Kuiken đang cải tiến để có thể truyền được về não cả các cảm giác về nhiệt độ, sự rung động và áp lực lên tay giả.

Lưỡi điện tử: Do Dean Neikirk, giáo sư máy tính và cơ điện ở Đại học Texas tại Austin phát triển. “Lưỡi Neikirk” gồm nhiều cảm ứng siêu nhỏ, có thể thay đổi màu sắc khi tiếp xúc với các chất cụ thể, chẳng hạn với các loại đường, có thể phân tích và xác định thành phần hóa học các chất lỏng. Lưỡi điện tử có thể dùng trong các công ty thực phẩm, giúp tạo cùng một loại hương vị nhờ khả năng nếm chính xác hơn cả lưỡi người.

Tế bào nhân tạo: Để cung cấp thuốc đến đúng chỗ trong cơ thể, một viên hoặc một liều tiêm sẽ không đủ. Daniel Hammer, giáo sư kỹ thuật sinh học ở Đại học Pennsylvania, có một giải pháp tốt hơn là dùng tế bào nhân tạo, làm từ polymer, mô phỏng tế bào bạch cầu di chuyển khắp cơ thể. Tế bào nhân tạo gọi là “c” này có thể đưa thuốc trực tiếp đến nơi cần thiết, giúp dễ và an toàn hơn để điều trị một số bệnh, gồm cả ung thư.

Xương tái tạo: Từ những năm 1960, người ta đã biết các protein có thể thúc đẩy mô xương tăng trưởng nhưng công nghệ này chưa bao giờ làm việc hoàn hảo vì thường tạo các mô có hình dáng bất thương hoặc sinh xương ở nơi không cần thiết. Các nhà nghiên cứu ở UCLA đã tìm ra loại protein đặc biệt chỉ tăng trưởng trong những loại tế bào cụ thể. Các protein này, gọi là UCB-1, hiện được dùng để phát triển xương mới, giúp nối và giữ cố định các phần xương sống, giảm chứng đau lưng trầm trọng ở một số người.

Đầu gối thông minh: RHEO là đầu gối giả do các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Hugh Herr và Ari Wilkenfeld của Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) phát triển. Các đầu gối điện tử thông thường phải được lập trình trước khi lắp cho bệnh nhân nhưng với đầu gối RHEO thì ngược lại, biết cách tự học cử động khi người dùng bước đi và có các cảm biến nhận ra địa hình đang đi, giúp người lắp chân giả đi bộ dễ dàng hơn và ít mất sức hơn.

“Của quý” được nuôi lớn: Nhóm của Anthony Atala ở Đại học Wake Forest đã tìm ra một phương pháp có triển vọng giúp hồi xuân cho quý ông khi thành công trong việc phát triển các tế bào mô xốp, loại tế bào chứa đầy máu khi “của quý” cương cứng. Thử nghiệm trên thỏ đực bị mất bộ phận sinh dục, các mô mới lấy từ tế bào của chính con thỏ đó sau một tháng đã tăng trưởng và giúp các chú thỏ phục hồi chức năng sinh dục tốt.

(*)Ảnh: Hệ thống mắt điện tử ARGUS II được Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép thử nghiệm

HỒNG CHUYÊN
Theo LiveScience/SGGP

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.