Tin tức y tế

“Đau đầu” xử lý chất thải bệnh viện

16/12/2010

Xử lý chất thải y tế yếu kém

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế – Bộ Y tế cho biết, bình quân mỗi ngày các cơ sở y tế trên cả nước thải ra khoảng 380 tấn chất thải rắn, trong đó có khoảng 45 tấn là chất thải rắn y tế nguy hại. Ước tính đến năm 2015, lượng chất thải này sẽ tăng lên gần gấp đôi, khoảng 600 tấn/ ngày. Cùng đó, lượng chất thải lỏng phát sinh tại các cơ sở y tế có giường bệnh hiện nay khoảng 150.000 m3/ ngày đêm, chưa kể lượng nước thải của các cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở đào tạo y dược và sản xuất thuốc. Hiện mới có khoảng 44% các BV có hệ thống xử lý chất thải y tế nhưng nhiều nơi đã rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Đáng nói, ngay ở các BV tuyến Trung ương vẫn còn tới 25% cơ sở chưa có hệ thống xử lý chất thải y tế, con số này ở tuyến tỉnh là gần 50% và ở BV tuyến huyện là trên 60%.

Tại Hà Nội, qua khảo sát thực tế về xử lý chất thải y tế tại 40 BV và cơ sở y tế cho thấy, chỉ có 14/40 BV có hệ thống xử lý chất thải rắn (chủ yếu ở khu vực phía Tây), 15 đơn vị đã có hệ thống xử lý chất thải lỏng hoàn chỉnh theo công nghệ lắng lọc. ThS. Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hệ thống xử lý rác thải tại các BV của Hà Nội được đầu tư trước đây phần lớn là công nghệ lạc hậu (đốt trực tiếp) và đến nay đã xuống cấp. Trên địa bàn thành phố còn có 20 BV tư nhân nhưng các BV này đều có quy mô nhỏ, hơn nữa quỹ đất eo hẹp nên việc đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý rác thải y tế rất khó khăn. Ngoài ra, với số lượng hàng trăm phòng khám tư nhân trên địa bàn cũng đặt ra thách thức lớn trong vấn đề quản lý nguồn rác thải y tế từ các cơ sở này.

Còn nhiều khó khăn

Theo GS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, công tác quản lý môi trường y tế trên địa bàn thành phố hiện còn rất nhiều khó khăn. Hà Nội có mạng lưới y tế dày đặc đồng thời cũng có số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đứng đầu cả nước. Tuy nhiên đa số các cơ sở y tế, các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn hiện chưa có hệ thống xử lý chất thải, một số cơ sở có trạm xử lý nhưng công suất nhỏ chưa đạt yêu cầu. Nhiều cơ sở y tế, đơn vị sản xuất kinh doanh đi vào hoạt động không đăng ký kiểm tra môi trường lao động, không đăng ký thu gom rác thải với cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố vẫn còn một số địa phương có tục lệ bốc mai táng chưa được quản lý. Hóa chất trong một số lĩnh vực vẫn chưa kiểm soát chặt chẽ và đang sử dụng một cách phổ biến trong một số lĩnh vực. Trong khi đó, các đơn vị chưa quan tâm, còn xem nhẹ, thậm chí có biểu hiện chống đối các quy định của Nhà nước trong công tác quản lý môi trường y tế. Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường y tế còn chồng chéo và chưa có chế tài đủ mạnh để có tính răn đe nên hiệu quả còn thấp. Để khắc phục tình trạng này, theo Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế cần tăng cường chỉ đạo các BV Trung ương, BV bộ, ngành trên địa bàn thành phố thực hiện tốt công tác xử lý chất thải y tế. Các cơ quan liên quan như Cảnh sát môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với ngành y tế tăng cường thanh, kiểm tra công tác quản lý, xử lý chất thải y tế… Rộng hơn, Bộ Y tế cần xây dựng chi tiết, cụ thể về chức năng quản lý, quy định của Nhà nước về thực hiện công tác kiểm tra, giám sát môi trường y tế. Đặc biệt cần hỗ trợ địa phương đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trong công tác quản lý môi trường y tế.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.