Tin tức y tế

Phẫu Thuật Nội Soi Các Bệnh Lý Về Cơ Xương Khớp

13/04/2021

Ngày nay với tiến bộ vượt bậc của y học, phương pháp phẫu thuật nội soi ra đời với ưu điểm là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, giúp cho bệnh nhân bớt đau, mau chóng bình phục, sớm vận động trở lại.

Phương pháp nội soi khớp là một kỹ thuật mà bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đưa một ống kính nhỏ (gọi là ống nội soi) vào khớp của bệnh nhân. Ống nội soi sẽ hiển thị chi tiết hình ảnh bên trong khớp lên màn hình, giúp bác sĩ dựa vào những hình ảnh này để thăm khám, chẩn đoán và thao tác trên các dụng cụ phẫu thuật rất nhỏ nhằm điều trị các bệnh lí về cơ xương khớp hiệu quả.

Phương pháp phẫu thuật nội soi thường được sử dụng trong chấn thương chỉnh hình để điều trị các bệnh lý ở khớp vai, khớp gối, khớp háng, khớp cổ tay, cổ chân, khớp khuỷu.

BSCKI Phan Thành Nam – Trưởng Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình đang thực hiện một ca phẫu thuật nội soi đứt dây chằng chéo sau

Những ưu điểm của phẫu thuật nội soi trong điều trị các bệnh cơ xương khớp

– Là phương pháp hiệu quả giúp giảm các triệu chứng đau khớp do các tổn thương gây ra như: rách gân chóp xoay, sụn khớp, sụn viền ở khớp vai, phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo ở khớp gối do chơi thể thao hoặc tai nạn giao thông.

– Do ống nội soi khớp và các dụng cụ phẫu thuật đều có kích thước rất nhỏ nên bác sĩ phẫu thuật chỉ cần thực hiện những vết rạch nhỏ, không cần phải rạch những đường lớn như mổ mở. Điều này giúp bệnh nhân ít đau sau mổ, giảm nguy cơ nhiễm trùng, mất ít máu hơn.

– Rút ngắn thời gian điều trị, cho phép người bệnh sớm hồi phục và trở lại cuộc sống hằng ngày. Thời gian phục hồi sau mổ nội soi rất nhanh, chỉ 1 đến 3 ngày là có thể ra viện, ngắn hơn nhiều so với phẫu thuật mở. Dù vậy, người bệnh vẫn phải mất từ vài tuần đến vài tháng để có thể hồi phục hoàn toàn.

– Vết mổ nhỏ, giữ thẩm mỹ cho bệnh nhân.

– Hạn chế tối đa biến chứng so với mổ mở. Tuy nhiên, vẫn có một số ít biến chứng có thể xảy ra với người bệnh thực hiện thủ thuật nội soi khớp như nhiễm trùng, hình thành cục máu đông, tổn thương mạch máu hay dây thần kinh.

Nội soi cơ xương khớp là phương pháp can thiệp ngoại khoa đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao. Bên cạnh đó, cần có sự phối chặt chẽ giữa bác sĩ chấn thương chỉnh hình với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, gây mê và sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại.

1. Nội soi khớp vai

Khớp vai là một khớp bao gồm nhiều khớp hợp lại. Sự kết hợp của gân cơ và hình dáng khớp vai giúp cánh tay có biên độ vận động rộng từ trước ra sau. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà khớp vai dễ bị chấn thương hoặc mắc một số bệnh lý như viêm đau, cứng khớp, dính khớp bả vai…

Phẫu thuật nội soi khớp vai là phương pháp hiệu quả giúp giảm các triệu chứng đau vai.

Những trường hợp cần tiến hành phẫu thuật nội soi khớp vai

– Vòng sụn hoặc dây chằng bị rách hay bị tổn thương.

– Mất vững khớp vai, là tình trạng khớp vai lỏng lẻo và trượt xung quanh ổ khớp quá nhiều hoặc bị trật khớp (chỏm xương cánh tay trượt khỏi ổ chảo xương vai).

– Gân cơ nhị đầu bị rách hoặc bị tổn thương.

– Rách chóp xoay.

– Có cựa xương hoặc viêm nặng xung quanh chóp xoay.

– Mặt khớp bị viêm hoặc bị tổn thương như trong bệnh lý viêm khớp dạng thấp.

– Viêm khớp ở đầu xương đòn.

– Hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai: phẫu thuật để tạo khoảng trống rộng hơn cho khớp vai có thể di chuyển xung quanh.

2. Nội soi khớp gối

Khớp gối đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển động của cơ thể. Ở những người sử dụng khớp gối ở cường độ cao do nghề nghiệp hay tập luyện thể thao, người có tuổi luôn…thường phải đối diện với nguy cơ bị đau khớp gối gây khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động, di chuyển đi lại.

Nội soi khớp gối giúp bạn hồi phục nhanh hơn là phẫu thuật mở khớp thông thường

Những trường hợp sau đây cần tiến hành phẫu thuật nội soi khớp gối

– Các chấn thương thể thao, tai nạn giao thông gây đứt dây chằng ở khớp gối.

– Các tình trạng hư sụn khớp gối do chấn thương hoặc do thoái hóa ở người cao tuổi.

– Khi khớp gối xuất hiện những cơn đau liên tục đã sử dụng nhiều loại thuốc kết hợp tập vật lí trị liệu mà không hiệu quả.

– Khi bệnh viêm khớp ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh như không ngủ được, không thể làm việc.

– Khi khớp gối liên tục bị sưng, cứng lâu dài ảnh hưởng tới các khớp xung quanh.

– Khi người bệnh đau khớp gối mà có nhu cầu hoạt động liên tục, chơi thể thao.

3. Nội soi cho trường hợp đứt dây chằng chéo

Tình trạng đứt dây chằng chéo khớp gối có thể xảy ra trong quá trình người bệnh hoạt động thể thao, lao động hoặc tham gia giao thông bị tai nạn. Dây chằng chéo khớp gối bao gồm: dây chằng chéo trước và sau. Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị chính được áp dụng cho cả hai trường hợp đứt dây chằng chéo trước và sau, nhằm tái tạo lại dây chằng chéo giống với đặc điểm và chức năng nguyên bản, nhằm phục hồi tối đa khớp gối, giúp bệnh nhân vận động và sinh hoạt bình thường.

Đội ngũ các bác sĩ giàu kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai

 Những trường hợp cần phẫu thuật nội soi đứt dây chằng chéo:

– Dây chằng khớp gối đã đứt hoàn toàn hoặc đứt một phần nhưng gối mất vững.

– Đã trải qua chương trình tập phục hồi chức năng nhưng đầu gối vẫn chưa ổn định.

– Có nhu cầu vận động cao như người hay chơi thể thao hoặc công việc đòi hỏi phải sử dụng đầu gối nhiều.

– Đứt dây chằng chéo khớp gối đã dẫn tới các tổn thương thứ phát là rách sụn chêm hoặc thoái hóa khớp.

Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai với thế mạnh về khoa Chấn thương chỉnh hình chuyên về cơ xương khớp, đã điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân. Với đội ngũ các bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên gia về cơ xương khớp hàng đầu tại Pháp. Áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi với hai hệ thống máy móc hiện đại Conmed và Stryker, giúp các bác sĩ chuẩn đoán và điều trị nội soi hiệu quả.

BS. CKI Phan Thành Nam

Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình

Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai

Bạn đọc cần tư vấn sức khỏe có thể gửi câu hỏi về địa chỉ email: [email protected]

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.